“Mùa Thu rồi ngày hăm ba, ta đi theo tiếng kêu sơn hà nguy biến. Rền khắp trời lời hoan hô dân quân Nam nhịp chân tiến lên trận tiền…” (ca khúc “Nam bộ kháng chiến” của cố nhạc sĩ Tạ Thanh Sơn). Nam bộ kháng chiến là sự kiện lịch sử tự hào của dân tộc, mở đầu cho 9 năm kháng chiến chống Pháp trường kỳ, là minh chứng cho tinh thần yêu nước nồng nàn của thế hệ Hồ Chí Minh.
Chỉ vài ngày sau khi Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn độc lập khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, phái bộ quân sự Anh dưới danh nghĩa quân Đồng minh đã có mặt ở Sài Gòn - Gia Định. Theo sau, binh lính Pháp cũng lũ lượt kéo vào. Chúng cấu kết, vu cáo chính quyền cách mạng không giữ nổi trật tự, trị an và làm nhiều điều rất lấn lướt. Trong Tuyên cáo của Ủy ban nhân dân Nam bộ phát đi vào ngày 23-9-1945 cho biết, đêm 22-9, quân Pháp cùng quân Anh đã chiếm Sở Bưu điện và Sở Cảnh sát của ta. Sáng 23-9, quân Pháp lại ngang nhiên cùng quân Anh đến chiếm trụ sở của Ủy ban nhân dân Nam bộ và Quốc gia Tự vệ cuộc (tức Công an Nam bộ - PV). Tuyên cáo đưa ra kết luận: “Rõ ràng là quân đội Anh đã cùng bọn Pháp làm sai trách nhiệm của Đồng minh đã ủy thác cho họ”. Tuyên cáo với đồng bào Nam bộ: “Không lẽ chịu nhục hoài, vì danh dự của dân tộc, chúng ta phải coi trọng quyền lợi quốc gia, nên chúng tôi phải đánh điện ra Chính phủ Trung ương xin phép cho kháng chiến. Chúng tôi đã:
1. Lập Ủy ban kháng chiến để lo việc quân sự;
2. Hạ lệnh tổng đình công và bất hợp tác với người Pháp;
3. Truyền đi Lục tỉnh thi hành kế hoạch phá hoại đường giao thông, tiếp tế để bao vây quân địch;
4. Kêu gọi đồng bào tố cáo bọn Việt gian nguy hiểm”.
Ngày 23-9-1945, nhất tề đồng bào Nam bộ, mà đi đầu là vùng Sài Gòn - Gia Định, đứng lên kháng chiến bảo vệ Tổ quốc.
Trong khuôn khổ bài viết này, chúng tôi xin giới thiệu đôi điều về dòng văn học dân gian ở Nam bộ với sự kiện Nam bộ kháng chiến và nỗi lòng của người dân xứ Lục tỉnh khi bị giặc xâm lược từng tấc đất quê hương.
Chân dung “nhà thơ - ca dao” Bảo Định Giang và thủ bút của ông do tác giả bài viết sưu tầm.
9 năm chống Pháp trong một hồn thơ Nam bộ
Ai cũng biết, văn học dân gian như ca dao, tục ngữ, câu đố, vè… là sản phẩm của cộng đồng dân gian, khuyết danh. Vậy nhưng, ở Nam bộ có một nhà thơ thật đặc biệt, chuyên sáng tác… ca dao - đó là nhà thơ Bảo Định Giang. Nhà thơ Minh Huệ là người khởi xướng khái niệm “Ca dao Bảo Định Giang” khi viết lời giới thiệu cho tuyển tập cùng tên vào năm 1990. Quả vậy, có lẽ nhiều người vẫn chưa biết câu ca dao quen thuộc này là do nhà thơ Bảo Định Giang sáng tác:
“Tháp Mười đẹp nhứt bông sen
Nước Nam đẹp nhứt có tên Cụ Hồ”
Từ những ngày đầu Nam bộ kháng chiến, nhà thơ Bảo Định Giang đã viết ca dao về sự kiện này. Trong bài “Noi gương” được ông sáng tác ngay thời điểm tháng 9-1945, có câu:
“Nghe theo lời dạy các anh
Nước mình đã mất thì mình đứng lên”
Quê của nhà thơ Bảo Định Giang ở Tiền Giang - nơi có dòng sông Bảo Định chảy qua - và ông đã chọn tên dòng sông quê hương làm bút danh cho văn nghiệp của mình. Hơn 1 tháng sau ngày Nam bộ kháng chiến (11-1945), người thanh niên Bảo Định Giang lúc ấy mới 26 tuổi đã xông xáo rời bỏ đô thị Mỹ Tho vào chiến khu Đồng Tháp Mười. Ông viết bài “Tạm biệt chốn cũ” vào thời gian này, có đoạn:
“Hỡi Cầu Vĩ, hỡi Vĩnh Tràng
Hỡi đường đá đỏ, hỡi hàng me xanh!
Giặc Tây mặt quỷ hiện hình
Phải rời chốn cũ trăm tình vấn vương”
Dù “vấn vương” quê nhà là vậy nhưng người thanh niên Bảo Định Giang vẫn cương quyết ra đi với tinh thần “Ta đem thân ta liều cho nước. Ta đem thân ta đền ơn trước”:
“Đi cho biết mặt Tháp Mười
Nước non xin trả nợ đời từ đây!”
Cũng như bao đồng bào Nam bộ, sự tàn độc, bố ráp của thực dân Pháp sau khi tái chiếm vùng đất này khiến nhà thơ Bảo Định Giang căm phẫn sâu cay. Mấy câu thơ sau đây là trong bài “Một giờ Tây bố”:
“Suốt năm cực khổ mần ăn
Một giờ Tây bố nát tan cửa nhà
Bắt heo nái, bắn vịt gà
Quít cam đẵn ngọn, bí cà nhổ ngang”
Trữ tình mà đau xót nữa là bài “Nhà bay ác lắm”, như lời tố cáo sự hung hãn, bạo tàn của quân xâm lược:
“Lúa này là của ta trồng
Của con ta gánh, của chồng ta phơi.
Nhà bay ác lắm bay ơi
Bay ăn, bay uống mồ hôi của người.
Lúa ta bay cướp hết rồi
Con ta kêu đói vang trời, nghe không?”
Người thanh niên Bảo Định Giang vốn mang tâm hồn thi sĩ nhạy cảm với cuộc sống, đã quặn thắt trước nỗi đau của đồng bào, của chính mình, khi sống cảnh nước mất nhà tan. Ông nhiệt huyết cổ võ đồng bào, kêu gọi “Mau ra mặt trận”:
“Muốn ăn bông súng mắm kho
Thì lên Đồng Tháp chớ lo nỗi nào
Muốn cho nước mạnh, dân giàu
Mau ra mặt trận đánh nhào thực dân”
Trong khoảng 5 năm (1945-1950) sống trong bưng biền Đồng Tháp Mười, nhà thơ Bảo Định Giang còn sáng tác rất nhiều bài thơ ngắn theo phong vị ca dao, hoặc đồng thoại các loài vật để cổ vũ đồng bào Nam bộ đứng lên kháng chiến, đánh đuổi thực dân. Xin khép lại phần này bằng bài thơ ngắn “Bắn giết trâu bò” với những câu thơ mà hẳn nhiều người đã nghe rất nhiều lần và gọi đó là Ca dao Chống Pháp:
“Trâu bò là nghiệp nông gia
Nó bắn, nó giết không tha con nào”
Hay :
“Bà con cô bác ai ơi!
Nghĩa nhân chi đó ba đời thằng Tây”
Tuổi trẻ tham quan một buổi triển lãm về Cách mạng Tháng Tám và sự kiện Nam bộ kháng chiến tại Cần Thơ.
Mấy bài vè thời Nam bộ kháng chiến
Vè là một thể loại trong văn học dân gian, được hiểu là “lời nói có vần”. Trong lời ăn tiếng nói hằng ngày, bà con Nam bộ rất thích lối nói có vần, nhịp nhàng, đối xứng, ví von nhưng dễ nhớ, dễ thuộc. Và dĩ nhiên, trước thời cuộc của “mùa thu rồi, ngày hăm ba...”, người Nam bộ đã cảm tác nên những bài vè để nói lên tiếng lòng với quê hương xứ sở, lên án sự tàn độc của quân Pháp xâm lược.
Tại xã Thạnh Phong, huyện Thạnh Phú, tỉnh Bến Tre, có lưu truyền bài vè mang tên “Vè 1945”. Bài vè này ghi lại sự kiện Pháp tái chiếm Nam bộ, đồng bào đứng lên kháng chiến cứu quốc. Có đoạn như vầy :
“Pháp quốc tánh xấu còn tham
Dụ người mãi quốc để làm Việt gian
Những người nhiệt huyết tâm can
Mưu tìm cơ sự lên đàng động binh”
Còn trong bài “Vè Kháng chiến” được sưu tầm tại Giồng Riềng - Kiên Giang, vẫn là sự căm phẫn tội ác của bọn cướp nước, vẫn là hào khí Nam bộ ngất trời, nhưng sâu thẳm là lòng nhân ái, ham muốn hòa bình của người dân phương Nam. Thương sao mấy câu vè: “Ăn uống cầm chừng. Không xu không cắc. Áo quần không mặc. Trầu thuốc nhịn hoài. Vái đêm vái ngày. Vái cho yên giặc”.
Một bài vè khác cũng khá hay được sưu tầm tại Kế Sách - Sóc Trăng mang tên “Vè Tội ác giặc Pháp”. Dựa vào chi tiết trong bài vè, dễ dàng nhận định đây là thời điểm những ngày đầu Nam bộ kháng chiến. Đó là lời ca thán của đồng bào Lục tỉnh trước cảnh ly loạn, nước mất, nhà tan. Mấy câu vè như lời khẩn thiết, đậm tình người mà cũng đầy khẳng khái :
“Pháp ơi Pháp, Pháp mau tỉnh ngộ
Trả Đông Dương xứ sở lại cho Việt Nam
Mi là người vốn thiệt đa tham
Tám mươi mấy năm sung sướng còn chưa thỏa mãn”
Xin diễn giải thêm về chi tiết “tám mươi mấy năm sung sướng”. Pháp bắt đầu xâm lược Việt Nam vào năm 1858. Tính từ đó đến thời điểm Bác Hồ đọc Tuyên ngôn độc lập khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tháng 9-1945 và mấy ngày sau thì Pháp tái chiếm Nam bộ, là 87 năm. Đằng đẵng thời gian cai trị với bao áp bức, bóc lột, quả là quân Pháp “sung sướng còn chưa thỏa mãn” khi mà cướp nước ta một lần nữa. Đọc mấy câu vè này lại thương cho tính cách của người Nam bộ, hiền lành và nhân hậu. Ai đời với kẻ cướp nước, phá nhà mà lại khuyên lơn chí tình: “Pháp ơi Pháp, Pháp mau tỉnh ngộ”. Chiều sâu nhân văn và tinh thần chuộng hòa bình, chuộng đạo nghĩa của dân tộc, của xứ sở Nam bộ, đằm sâu như thế.
Theo sưu tầm của chúng tôi trong nhiều tài liệu, có đến hơn chục bài vè được sáng tác khoảng năm 1945-1950, nhất là những ngày đầu Nam bộ kháng chiến. Thông qua các bài vè, người Nam bộ đã gởi gắm lòng mình...
***
74 năm trôi qua, Nam bộ kháng chiến vẫn là bản hùng ca. Người Nam bộ đứng lên kháng chiến giữ quê hương như một lẽ thường tình, như lời ca dao của nhà thơ Bảo Định Giang : “Nước mình đã mất thì mình đứng lên”. Đọc những bài vè, những câu ca dao thời Nam bộ kháng chiến để cảm cái tình, thấu cái nghĩa và thấm nỗi đau của một thời như thế.
Bài, ảnh: Đăng Huỳnh
-------------
Tài liệu tham khảo :
- “Ca dao Bảo Định Giang”, NXB Văn nghệ TP Hồ Chí Minh, 1990;
- “Văn học dân gian ĐBSCL”, Khoa Ngữ Văn Đại học Cần Thơ, NXB Giáo dục, 1997;
- “Vè Nam bộ”, Huỳnh Ngọc Trảng, NXB Tổng hợp Đồng Nai, 2006;
- “Biên niên lịch sử Nam bộ kháng chiến 1945-1975”, Hội đồng chỉ đạo biên soạn lịch sử Nam bộ kháng chiến, NXB Chính trị quốc gia, 2011.