28/05/2009 - 10:22

Đọc “Venise và những cuộc tình Gondola”

“Những dặm đường lang thang” của một cây bút nữ

“Venise và những cuộc tình Gondola” (NXB Trẻ, 2009) được cây bút nữ Dương Thụy ví như “những ghi chép ngoại truyện”. Sách ghi lại cảm nhận của tác giả trong suốt 10 năm “lang thang” qua các nước châu Âu và dùng bối cảnh này cho những câu chuyện tình yêu lãng mạn, dễ thương, tươi sáng thu hút đông đảo độc giả. “Venise và những cuộc tình Gondola” cổ vũ giới trẻ đi để thấy cuộc sống huyền diệu.

“Tôi có thể ăn uống kham khổ, ngủ bờ ngủ bụi, chi tiêu bủn xỉn chỉ để có tiền đi đây đi đó. Càng “lăn lóc” bao nhiêu tôi càng có nhiều trải nghiệm quý giá bấy nhiêu. Và sau những chuyến phiêu lưu ấy, tôi ấm lòng nhận ra thế giới này người tốt nhiều hơn kẻ xấu” (trang 12) - lời đầu quyển sách 350 trang mở ra những câu chuyện thú vị kèm với cảm nhận tinh tế, sắc sảo nhưng hài hước về những xứ sở ở châu Âu mà tác giả đã đi qua. “Venise và những cuộc tình Gondola” tuy vẫn miêu tả về những địa danh rất nổi tiếng của Pháp, Ý, Đức, Hà Lan, Thụy Sĩ, Bỉ, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Áo, Anh, Luxembourg... nhưng cách nhìn và miêu tả của Dương Thụy lại gây hứng thú vô cùng cho người đọc.

Nhiều độc giả khó mà cưỡng lại sự tò mò khi đọc quyển sách và cười một mình. Khi đọc “Venise và những cuộc tình Gondola” - làm tên cho cả tập - như dạo quanh thành phố trên mặt nước Venise lãng mạn, với câu chuyện tình yêu của những cặp đôi trên chiếc thuyền gondola len lỏi giữa phố phường. Người đọc lại bật cười khi trong “Không học nổi ở Cambridge” tác giả lý giải việc không theo học tại thành phố đại học nổi tiếng này bởi... “cảnh vật quá nên thơ!” “Liège thành phố nhẹ nhất thế giới” không chỉ là cách chơi chữ của người dân địa phương vì Liège đồng nghĩa với một loại vật liệu rất nhẹ trong tiếng Pháp, mà còn ám chỉ cuộc sống thực sự tươi vui, nhẹ nhõm và hòa đồng của những người trẻ đến từ khắp nơi trên thế giới theo học tại Đại học Liège. Châu Âu với những nét kiến trúc cổ kính gần như nhau, nhưng lại khác ở “thần thái”. Cũng là thủ đô, nhưng ở Pháp là “Paris và giấc mơ shopping” với những cửa hiệu chỉ dành cho giới thượng lưu đối lập những người dân lao động cần mẫn làm nên “Paris by night” đầy màu sắc với khách du lịch phương xa, nhưng Thụy Sĩ thì đã thành “Berne thủ đô cổ tích” hay Bỉ có “Bruxellers thủ đô hóm hỉnh” với tượng đồng của cậu bé Manneken Pis đứng... “tè” nhỏ xíu được đặt khiêm tốn trên một gờ tường ở Quảng Trường Lớn nhưng lại thu hút rất đông khách tham quan...

Tác giả miêu tả và cảm nhận về con người ở những vùng đất này một cách chân thực, trực diện, trìu mến. Đó là những người Ý có vẻ thực dụng nhưng cũng thật nồng nhiệt, hiếu khách; hay người Bỉ chân thành và tốt bụng; đó là người Anh, người Pháp hay tỏ vẻ vội vã và nghiêm trang... Nhưng nhiều người trong số họ đã giúp đỡ tác giả từ những ngày “lập cập” tìm đường giữa Paris, đến khi thành một “chuyên gia” du lịch bụi xuyên châu Âu. Đó là những con người mà tác giả thực sự yêu mến và cho cô những cảm nhận sâu sắc về cuộc đời: “Tôi thích Paris không phải vì Paris là kinh thành ánh sáng, mà vì nơi đây có cuộc sống vô cùng phong phú với những kiếp người trái ngược nhau, với những cảnh tượng vô cùng đối lập. Song đó mới thật là cuộc đời đúng nghĩa, với những ai muốn bon chen sẽ có nhiều cơ hội, những ai thích dừng chân vẫn tồn tại giữa cuộc sống đang trôi” (trang 18).

Văn chương Dương Thụy tự nhiên như thể cô đang trực tiếp kể lại với độc giả những câu chuyện đáng nhớ nhất của mình trên “dặm đường lang thang”.

XUÂN VIÊN

Chia sẻ bài viết