29/04/2021 - 08:10

“Người nhân bản” và ý nghĩa của sự sống 

Nhân bản vô tính là đề tài không mới của điện ảnh thế giới. Tuy nhiên, phim “Người nhân bản” (tựa gốc “Seobok”) của Hàn Quốc để lại nhiều suy ngẫm cho người xem bởi cách khai thác tâm lý nhân vật và thông điệp đầy tính nhân văn. Phim đang chiếu tại cụm rạp CGV Sense City Cần Thơ.

Chuyện phim kể về cựu đặc vụ Ki Hun (Gong Yoo) đang mắc khối u não ác tính, sống không được bao lâu. Anh nhận nhiệm vụ của cơ quan tình báo, hộ tống người nhân bản Seobok đến căn cứ thí nghiệm an toàn. Seobok được tạo ra bằng phương pháp nhân bản tế bào gốc cùng biến đổi gien. Cậu vừa bất tử, vừa có siêu năng lực điều khiển mọi vật bằng suy nghĩ. Do đó, đơn vị nghiên cứu muốn dùng cậu để làm thí nghiệm cứu sống những người sắp chết và đặc vụ Ki Hun là người đầu tiên được chọn thử nghiệm. Tuy nhiên, trên đường đi, xe chở Seobok bị phục kích, cậu trở thành mục tiêu chiếm hữu của nhiều thế lực với những tham vọng và âm mưu khó đoán. Ki Hun và Seobok đã phải dựa vào nhau để trốn tránh nguy hiểm. Hành trình ấy giúp hai người hiểu nhau hơn và mở ra một kết cục khác cho cả hai.

Là phim khoa học viễn tưởng, có kinh phí đầu tư lớn, “Người nhân bản” không thiếu những cảnh hành động máu lửa, kỹ xảo mãn nhãn, lôi cuốn. Ấn tượng hơn khi phim không bị sa đà vào cảnh đánh nhau, tranh giành người nhân bản mà chú trọng khai thác chiều sâu tâm lý và cảm xúc của nhân vật.

Lúc đầu, Ki Hun bảo vệ Seobok chỉ vì nhiệm vụ, vì cậu ấy là hy vọng sống của anh. Nhưng càng về sau, anh càng thấu hiểu và thương cảm cho số phận không thể lựa chọn của Seobok. Bởi cậu sống không có niềm vui, không có ý nghĩa, ngay cả ngủ cũng không biết, phải chịu những đau đớn, giày vò thể xác cho những lần thí nghiệm. Ðiều đó đã tác động rất lớn đến Ki Hun, khiến anh quyết định chống lại tổ chức để cứu Seobok. Trong khi đó, Seobok từ một người vô hồn, lạ lẫm với mọi thứ, đã thích thú khi tiếp xúc với thế giới bên ngoài phòng thí nghiệm. Cậu dần tìm được ý nghĩa của cuộc sống và cuối cùng quyết định hy sinh mình vì người khác. Hai mảnh ghép nhân sinh quan đối lập: một người sợ hãi cái chết và một người xem cái chết như một giấc ngủ lại dần tìm thấy sự thấu hiểu lẫn nhau, hoàn thiện bản ngã của riêng mình. Ðể rồi sự chọn lựa số phận của cả hai nhân vật đều làm khán giả day dứt, khó quên. Ðỉnh điểm của mọi mâu thuẫn, xung đột của phim được giải quyết dù bi thương nhưng khá hợp lý. Bởi vì sự sống có còn ý nghĩa gì khi con người mất đi niềm tin và mục đích sống? Bất tử hay chết đều không phải là không có giá trị!

Phim còn truyền tải thông điệp: việc nhân bản con người dù phục vụ cho mục đích gì cũng không nên, nếu kết quả nghiên cứu rơi vào tay những kẻ có dã tâm, tham vọng thì hậu họa sẽ khôn lường. Ðặc biệt, dù thành công hay thất bại, những vật mẫu thí nghiệm vẫn phải chịu những nỗi đau về thể xác lẫn tinh thần, như cách mà nhân vật Seobok đã phải chịu. 

Tuy đôi chỗ còn dài dòng, chậm rãi, làm ảnh hưởng tới mạch phim chung, nhưng phim vẫn rất ấn tượng bởi nội dung sâu sắc, đồng thời có một số chi tiết hài hước dễ thương. Diễn xuất của 2 nam diễn viên chính rất tốt, góp phần nâng tầm bộ phim, tạo được sự đồng cảm với người xem. 

CÁT ÐẰNG

Chia sẻ bài viết