25/02/2013 - 22:02

“Mỗi ngày đến trường là một niềm vui”

 

Nếu ví nghề giáo như “người đưa đò sang sông” thì với cô Nguyễn Thị Tín, giáo viên Trường Tiểu học (TH) Trần Hưng Đạo (quận Ô Môn) là người lái đò cần mẫn, không nề hà vất vả, hết lòng đưa học trò của mình “sang sông” để tìm con chữ. Và với một nhà giáo tâm huyết, niềm hạnh phúc lớn nhất là được thấy học trò của mình thành đạt. Đây cũng chính nỗi lòng của cô Tín-một nhà giáo đã gắn bó gần nửa cuộc đời mình với sự nghiệp giáo dục.

Theo đuổi ước mơ...

Đến Phòng Giáo dục và Đào tạo quận Ô Môn, tôi được nghe thầy Nguyễn Hùng Dũng, Trưởng phòng giáo dục thường nhắc về tấm gương vượt khó, dạy giỏi của cô Nguyễn Thị Tín, Tổ trưởng Tổ 2, giáo viên lớp 2, Trường TH Trần Hưng Đạo. Dù gia đình khó khăn nhưng cô vẫn hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình, nỗ lực học tập nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ… Dù năm tháng trôi đi làm khóe mắt cô hằn những nếp nhăn nhưng mỗi lần gặp cô, chúng tôi đều cảm nhận được ngọn lửa yêu nghề luôn hừng hực cháy. Cô Tín bộc bạch: “Lớn tuổi rồi, sức khỏe không còn như xưa nhưng nghĩ đến học trò, tôi như được tiếp thêm sức mạnh để giảng dạy tốt hơn”. Con đường đến trường của cô Tín không dễ dàng, vì thế cô rất trân trọng chuyện học hành của các em…

Cô Tín là con gái thứ 2 trong gia đình có 9 anh, chị em ở xã Thới Thạnh, huyện Ô Môn (cũ). Mẹ cô là giáo viên dạy tiểu học, ba cô làm thợ may. Lúc ấy, đồng lương giáo viên ít ỏi nên nguồn thu nhập chính của cả gia đình chủ yếu trông vào nghề may của ba cô. Thế nhưng, sau những năm giải phóng, đời sống khó khăn, ba mẹ cô Tín phải làm thuê kiếm sống. Cuộc sống càng khó khăn hơn khi anh, chị em cô ở tuổi ăn, học. Vì thế, ba mẹ cô Tín buộc phải cho con nghỉ học. Là chị lớn, cô Tín hy sinh để các em cô được tiếp tục đến trường, khi ấy cô phải nghỉ học khi mới học lớp Nhì (nay còn gọi là lớp 4). Hằng ngày, cô làm thuê và đưa- rước các em đi học. Cô Tín kể: “Mùa nắng thì chị em tôi cuốc bộ, mùa nước nổi thì tôi bơi xuồng đưa các em đi học... Trong lúc ngồi chờ rước em về, tôi cũng được nghe “ké” cô giáo giảng bài. Khi em gái tôi vào học được 3 tháng (lớp 5), cô giáo hỏi tôi có muốn đi học không. Dù rất muốn đi học nhưng không tiền, không học bạ thì làm sao mà đi học nên tôi chỉ biết im lặng…”. Biết được hoàn cảnh, lại thấy cô Tín ham học nên cô giáo đã hỗ trợ tập, đóng tiền cho cô Tín được vào học cùng em gái... Hết năm lớp 5, cả hai chị em cô đều đậu vào lớp 6 ở một trường THCS của quận Ô Môn. Để có tiền trang trải việc học, ngoài giờ học, cô Tín tranh thủ thời gian cắt lúa mướn, hái rau mang ra chợ bán, ban đêm thì đi giăng lưới bắt cá... Dù vất vả nhưng cô rất vui và học cực giỏi.

Niềm vui chưa được bao lâu, năm học lớp 8, cô Tín phải nghỉ học để đi cắt lúa mướn, kiếm tiền phụ giúp gia đình. Sau vài tháng nghỉ học, thấy con gái quá ham học, ba mẹ quyết định cho cô Tín đi học lại. Học hết lớp 9, gia đình không có khả năng lo cho cô vào học cấp III, cô Tín đành an phận về nhà làm nghề may... Không lâu sau, ngành giáo dục huyện Ô Môn (cũ) tuyển sinh các lớp đào tạo giáo viên tiểu học (trình độ 9+3), lần nữa cô có cơ hội thực hiện ước mơ của mình. Sau khi hoàn thành chương trình THPT, cô Tín được cử đi học các lớp trung học sư phạm Hậu Giang (Sóc Trăng), rồi cao đẳng sư phạm, đại học (đào tạo từ xa)… 

“Mỗi ngày đến trường là một niềm vui”

Từng trải qua những năm tháng cơ cực để tìm con chữ nên cô Tín rất thương yêu học sinh của mình. Và mỗi khi đứng trên bục giảng, cô hết lòng mang những kiến thức của mình để truyền thụ cho các em. Năm 1984, cô Tín đã bắt đầu đứng lớp, cũng trong năm này, cô Tín đã lập gia đình. Niềm vui nhân đôi khi gia đình cô đón thêm một thành viên mới-cậu con trai kháu khỉnh ra đời. Năm 1989, cô về Trường TH thị trấn Ô Môn 2 giảng dạy, nay là Trường TH Trần Hưng Đạo. Cô Tín nhớ lại: “Những năm đầu đi dạy, đồng lương chỉ khoảng 47 đồng/ tháng. Cuộc sống hết sức khó khăn, nhưng nghĩ đến những ánh mắt trẻ thơ đang miệt mài tìm con chữ, hun đúc tôi phải nỗ lực vượt qua khó khăn hơn để mang kiến thức đến các em. Mới đó mà tôi đã gắn bó với nghề hơn 28 năm qua…”. Sự tận tụy yêu nghề của cô được thể hiện rõ nét qua việc đầu tư vào từng trang giáo án, qua những cử chỉ chăm chút hướng dẫn học trò của mình viết từng nét chữ… Nhờ sự chăm chút ấy, những năm qua, học trò do cô phụ trách đã “rinh” nhiều giải thưởng trong các cuộc thi, như: Viết chữ đẹp, giải Toán olympic trên mạng… Như trường hợp của em My đoạt giải Nhất cuộc thi “Viết chữ đẹp” cấp thành phố. 2 năm học gần đây, lớp học do cô phụ trách đều đạt 100% học sinh giỏi… Bản thân cô, hơn 10 năm liên tục là giáo viên giỏi cấp tỉnh, cấp thành phố; đạt giải thưởng Võ Trường Toản, vinh dự được Nhà nước tặng thưởng danh hiệu Nhà giáo Ưu tú…

Khi nhắc đến cô Nguyễn Thị Tín, cô Lê Thị Dịp Ngân, Phó Hiệu trưởng Trường TH Trần Hưng Đạo, nhận xét: “Tuy lớn tuổi nhưng cô luôn có tinh thần học hỏi, đổi mới phương pháp giảng dạy để nâng cao chất lượng giáo dục. Cô Tín là một trong những giáo viên tiêu biểu của trường…”. Nhìn vẻ bề ngoài lạc quan, ít ai ngờ rằng cuộc sống gia đình cô không mấy suôn sẻ. Sau khi sanh con chưa được bao lâu, cô và chồng đã chia tay. Từ đó, cô một mình nuôi con ăn học. Vừa nuôi con, vừa chăm sóc mẹ già nhưng không khi nào cô bê trễ công việc. Theo cô Tín, mẹ làm giáo viên nên cô ảnh hưởng nhiều từ mẹ. Ngoài phương pháp giảng dạy tích cực, để nâng cao hiệu quả giáo dục, giáo viên phải có tình yêu nghề, yêu trò- động lực giúp mình dạy thật tốt. 

* * *

Chia tay cô Tín, tôi không sao quên câu nói của cô: “Mỗi ngày đến trường là một niềm vui. Niềm vui đó đã khiến tôi lạc quan hơn, dù cuộc sống vẫn còn không ít khó khăn cần phải nỗ lực nhiều hơn!”.

Bài, ảnh: B.KIÊN

Chia sẻ bài viết