23/05/2018 - 16:29

“Mãi yêu em” – Cái kết đắng cho sự độc chiếm trong tình yêu 

Mở đầu bằng một câu chuyện tình yêu đẹp và lãng mạn, nhưng về sau nhiều điều bất thường diễn ra và cái kết khiến nhiều người tỉnh thức. Với tiểu thuyết “Mãi yêu em” (NXB Phụ nữ), nhà văn người Áo Daniel Glattauer mang lại cho độc giả một câu chuyện hấp dẫn, đầy bất ngờ về tình yêu.

Judith, 37 tuổi, thông minh, xinh đẹp, là cô chủ một cửa hiệu bán đèn. Hannes, 42 tuổi, kiến trúc sư lịch lãm, ân cần, chu đáo. Quen biết sau một sự cố tại cửa hàng bán phô-mai, họ nhanh chóng yêu nhau. Những ngày đầu, Judith hạnh phúc trước tình yêu cuồng nhiệt, si mê của Hannes. Anh quan tâm và lo cho cô từ những việc rất nhỏ, luôn tìm cách làm cô vui và tạo được ấn tượng tốt với tất cả bạn bè, người thân của Judith. Mọi người chúc mừng cô vì đã tìm được một người đàn ông lý tưởng. Tuy nhiên, qua nhiều sự việc, Judith dần nhận ra Hannes có tính chiếm hữu rất cao và can thiệp quá sâu vào cuộc sống riêng của cô. Khi không còn chịu đựng được nữa, cô đề nghị chia tay. Từ đó, chuỗi ngày kinh khủng bắt đầu ập đến với Judith…

Tiểu thuyết gồm 15 giai đoạn, tương ứng với 15 chương và có thể phân ra làm 3 phần. Đầu tiên là quá trình quen biết, yêu nhau của hai nhân vật chính; tiếp theo là giai đoạn chia tay và khủng hoảng tâm lý của Judith; cuối cùng là sự thật hé lộ khi bức màn bí mật về Hannes được vén lên.

Từ một câu chuyện diễm tình ngọt ngào, lãng mạn ban đầu, tác giả khéo léo chuyển thành một tác phẩm tâm lý kinh dị với liên tiếp những bất ngờ, bí ẩn lôi cuốn người đọc hồi hộp theo dõi đến tận cùng. Cái hay của tác phẩm chính là khắc họa nhân vật sắc nét và xây dựng nên những chi tiết nhỏ nhưng rất đắt giá. Các chi tiết ấy khi được liên kết và xâu chuỗi với nhau tạo nên một đường dây cốt truyện mạch lạc, dẫn đến sự thật sau cùng.

 Khó ai ngờ, một người đàn ông lịch lãm và yêu chân thành lại trở nên nguy hiểm, bệnh hoạn khi không có được tình yêu như mình muốn. Tác giả khiến người đọc trải qua nhiều cảm xúc: yêu - ghét - tội nghiệp - ghê sợ đối với nhân vật Hannes. Còn Judith gây ấn tượng bằng sự cá tính, thông minh và nhạy cảm. Lúc đầu, độc giả đồng cảm với cô, lo lắng cho cô nhưng sau đó lại cho rằng cô “tự kỷ ám thị”, tự làm khổ mình đến nỗi phải vào bệnh viện tâm thần điều trị. Sự lắt léo trong diễn biến tâm lý nhân vật và tình huống câu chuyện khiến người đọc bị lừa hết lần này đến lần khác. Chỉ đến khi “ván bài được lật ngửa” thì mọi chuyện mới kết thúc.

“Mãi yêu em” gửi đến thông điệp ý nghĩa: tình yêu chỉ đẹp khi có sự tôn trọng từ hai phía.

CÁT ĐẰNG

 

 

 

Chia sẻ bài viết
Từ khóa
Mãi yêu em