20/03/2022 - 08:35

“Ma lực của cội nguồn”
Bi kịch của con lai trong chiến tranh 

“Ma lực của cội nguồn” là tiểu thuyết mới nhất của nhà văn Nguyễn Trí vừa được NXB Hội Nhà văn phát hành quý I-2022. Cũng là bối cảnh xã hội trước và sau giải phóng, cũng là những phận người “ngoi lên từ đáy” quen thuộc, nhưng “Ma lực của cội nguồn” lại có điểm nhấn mới. Đó là viết về những người con lai sinh ra trước năm 1975 và những ám ảnh về nguồn cội.

Tiểu thuyết có mở đầu lôi cuốn khi tạo ra được những bí ẩn và sự tò mò của nhiều người về quán karaoke Thiên Thanh ở phố núi Q. Có 4 tay chơi khét tiếng Sài Thành thâm nhập Thiên Thanh nhiều lần chỉ để diện kiến Năm Cang, quản lý của quán. Khi gặp được Năm Cang, những bí mật về Thiên Thanh cùng quá khứ của Linda Đen, một con lai Mỹ và là chủ quán karaoke cũng dần được hé lộ…

Dưới sự dẫn dắt của Năm Cang, những vị khách đặc biệt được nghe kể về những phận đời đầy éo le, ngang trái ở vùng Mười xóm Chợ thuộc thị trấn P. ở một tỉnh miền Trung vào mấy chục năm trước. Người đọc, người nghe sẽ có lúc bị rối bởi có khoảng 30 nhân vật trong tiểu thuyết. Ai cũng có số phận ly kỳ hoặc những bôn ba sóng gió gắn liền với lịch sử. Vì thế, những trang viết đặc quánh tư liệu và chi tiết khiến người đọc đôi lúc bị “ngộp” và cảm giác như bị lạc giữa “mê cung” do Nguyễn Trí giăng ra. Giữa “mê cung” ấy, số phận những người con lai là sợi dây kết nối và dẫn đường giúp độc giả lần tìm được lối ra.

Nhân vật chủ chốt của tác phẩm là Linda Đen - kết quả của một mối tình mẹ Việt - cha là lính Mỹ da đen. Cô bị bỏ rơi khi mới lọt lòng và được Năm Cang lượm về, giao cho vợ chồng người bạn hiếm muộn nuôi dưỡng. Tuy nhiên, khi người mẹ nuôi sinh được con, cô bé bị đối xử tệ bạc, không được đi học và làm việc quần quật như một người ở không công. Điều làm cô bé buồn nhất chính là sự kỳ thị, xa lánh của mọi người bởi màu da của mình. Sau này, Năm Cang giúp cô đi Mỹ theo diện bảo lãnh con lai, qua đó, cô tìm được cha ruột và có cuộc sống như ý. Thế nhưng, đau đáu trong tâm hồn của Đen là những ký ức ở Việt Nam, là khao khát tình mẫu tử. Nên khi đã trưởng thành, cô quay về Việt Nam nhờ Năm Cang tìm mẹ ruột để báo hiếu cho bà, giúp đỡ anh chị em, họ hàng của mình. Đồng thời, đầu tư, phát triển kinh tế trên vùng đất đã nuôi cô thuở ấu thơ…

Đường dây buôn bán con lai giả làm con nuôi cho những người muốn sang Mỹ định cư được phơi bày cặn kẽ trong tác phẩm. Không may mắn như Đen, hàng loạt những số phận con lai khác lại có cuộc đời bế tắc, bởi sau khi đến Mỹ, họ bị bỏ rơi, phải tự mưu sinh và phần lớn rơi vào những tệ nạn xã hội. Có những người lại mơ ước được trở về Việt Nam như Thanh, chồng Đen, bởi dù sao, nơi ấy vẫn có dòng máu của người mẹ yêu dấu, vẫn có những kỷ niệm tuổi thơ đáng nhớ. Và đó chính là “ma lực của cội nguồn” ở những đứa trẻ lai…  

Một điểm sáng khác trong tác phẩm chính là tư tưởng nhân văn khi viết về những người phụ nữ vì loạn lạc mà trải qua nhiều cay đắng tủi nhục khi làm gái bán hoa. Không chỉ viết về bi kịch trong quá khứ, tác giả cũng gióng lên hồi chuông cảnh báo về những mặt trái của xã hội hiện tại, những bi kịch của một bộ phận giới trẻ sống sa đọa, không lý tưởng, không mục đích.

“Ma lực của cội nguồn” không chỉ là câu chuyện buồn về những đứa con lai trong chiến tranh mà còn giúp độc giả tìm ra câu trả lời: Nguồn cội là gì? Quê hương, gia đình là đâu? Hạnh phúc thật sự là gì?

CÁT ĐẰNG

Chia sẻ bài viết