Trong bài phát biểu tại diễn đàn an ninh Đối thoại Shangri-La ở Singapore hồi năm ngoái, Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida đã công bố một sự thay đổi quan trọng trong chính sách đối ngoại thời hậu chiến của xứ hoa anh đào. Ông Kishida nói rằng trong hơn nửa thế kỷ qua, vai trò quốc tế của Nhật Bản chủ yếu “đóng góp trong lĩnh vực kinh tế” nhưng giờ là lúc Tokyo phải đảm nhận vai trò toàn diện hơn, vì “trách nhiệm mà Nhật Bản phải gánh rất nặng nề”.

Thủ tướng Nhật Bản Kishida phát biểu tại Ðối thoại Shangri-La ở Singapore hồi năm ngoái. Ảnh: AFP
Trong bài phát biểu đó, Thủ tướng Kishida nói về những bất ổn ngày càng tăng trong môi trường an ninh khu vực. Ông tuyên bố Nhật Bản sẽ không đứng yên trong bối cảnh nhiều nước tìm cách thách thức trật tự dựa trên luật lệ tại khu vực. Và Đông Nam Á là nơi có thể chứng kiến rõ nhất sự quyết đoán về địa chính trị mới của Nhật Bản.
Mới đây, nhà lãnh đạo xứ Mặt trời mọc đã có chuyến công du lịch sử tới Philippines và Malaysia để khởi động sáng kiến Hỗ trợ An ninh chính thức (OSA) mới, vốn nhằm tăng cường khả năng an ninh hàng hải của các quốc gia có cùng chí hướng trong khu vực. Trong chuyến thăm Manila, ông Kishida trở thành nhà lãnh đạo Nhật Bản đầu tiên phát biểu trong phiên họp chung của Quốc hội Philippines. Ông cho biết sáng kiến OSA sẽ cung cấp khoản tài trợ trị giá 4 triệu USD để Hải quân Philippines mua hệ thống radar ven biển. Ngoài ra, Nhật Bản còn dự kiến tài trợ thêm 5 tàu cho Lực lượng bảo vệ bờ biển Philippines (PCG). Còn tại nước láng giềng Malaysia, nơi hưởng lợi lớn từ sáng kiến OSA, Thủ tướng Kishida tuyên bố mở rộng hỗ trợ an ninh hàng hải và hợp tác phát triển.
Không những vậy, Nhật Bản cũng đang tăng cường nỗ lực nhằm mang lại giải pháp thay thế đối với sáng kiến “Vành đai, Con đường (BRI)” của Trung Quốc, vốn gặp nhiều trở ngại trong những năm gần đây. Chẳng hạn, các cam kết của Nhật về cơ sở hạ tầng thời kỳ “tiền COVID-19” đối với 6 nền kinh tế lớn nhất khu vực được định giá lên tới con số 367 tỉ USD, lớn hơn nhiều so với mức 255 tỉ USD của Trung Quốc. Trong khi đó, các hoạt động liên quan đến BRI của Trung Quốc trong 5 năm qua đã giảm 40% do suy thoái kinh tế, gián đoạn chuỗi cung ứng liên quan tới COVID-19, khó khăn về nợ cũng như các rào cản về pháp lý ở các quốc gia tiếp nhận.
❝Từ ngày 9-20/11, quân đội Mỹ, Philippines, Nhật Bản và Hàn Quốc tiến hành cuộc tập trận KAMANDAG 7 để nâng cao khả năng sẵn sàng chiến đấu của quân đội. Theo tuyên bố của Thủy quân lục chiến Mỹ, cuộc tập trận KAMANDAG (từ viết tắt trong tiếng Philippines nghĩa là “Sự hợp tác của các chiến binh trên biển”) diễn ra tại một số địa điểm trên khắp Philippines, bao gồm các đảo Luzon, Tawi-Tawi, tỉnh Palawan, tỉnh Batanes và thành phố Zamboanga. |
Về nhiều mặt, Nhật Bản đang nhanh chóng nổi lên như một đối tác chiến lược toàn diện nhất của các quốc gia Đông Nam Á, nổi bật nhất là Philippines. Trên thực tế, 2 đồng minh của Mỹ này đang thúc đẩy thỏa thuận mới gọi là Thỏa thuận Tiếp cận Tương hỗ nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các cuộc tập trận quân sự chung quy mô lớn giữa 2 nước trong tương lai. Mặt khác, Tokyo và Manila đang xây dựng nền tảng liên minh 3 bên Nhật Bản - Philippines - Mỹ nhằm ngăn chặn bất kỳ hành động nào của Trung Quốc nhằm vào Đài Loan.
Trong thập niên qua, nhờ vào chính sách đối ngoại chủ động của cố Thủ tướng Shinzo Abe, Nhật Bản dần nổi lên như một đối tác an ninh hàng hải quan trọng của Đông Nam Á. Thực tế, Nhật Bản gần như toàn tâm giúp PCG trở thành lực lượng được cho là đáng gờm nhất khu vực Đông Nam Á. Trong những năm gần đây, Nhật Bản còn tham gia một số hoạt động quân sự mang tính bước ngoặt của Philippines. Đơn cử, Lực lượng phòng vệ Nhật Bản hồi năm 2018 lần đầu trong thời kỳ hậu chiến đã triển khai một đơn vị xe bọc thép tham gia cuộc tập trận Balikatan giữa Philippines và Mỹ. Năm ngoái, Nhật Bản còn đánh dấu một cộc mốc quan trọng khác khi triển khai chiến đấu cơ tham gia tập trận chung với Không quân Philippines. Còn đầu năm nay, Nhật Bản lần đầu tiến hành cuộc tập trận bảo vệ bờ biển 3 bên với Philippines và Mỹ tại vùng biển Manila. Ngay sau đó, cuộc tuần tra chung 4 bên gồm Nhật Bản, Mỹ, Úc và Philippines cũng đã được triển khai ở Biển Đông trong bối cảnh căng thẳng gia tăng giữa Manila và Bắc Kinh trong khu vực.
Theo giới phân tích, mối quan hệ an ninh được mở rộng với các quốc gia Đông Nam Á nói chung, Philippines nói riêng không chỉ trở thành trụ cột trong chính sách quốc phòng mới của Nhật Bản mà còn cho thấy vai trò an ninh ngày càng lớn hơn của Tokyo ở châu Á.
TRÍ VĂN (Theo The Interpreter)