05/12/2014 - 20:15

“Kẻ trộm sách” - Nỗi đau Thế chiến

Bộ phim “The Book Thief” (Kẻ trộm sách) do Mỹ sản xuất dựa trên tiểu thuyết cùng tên nổi tiếng của nhà văn Úc Markus Zusak. Đưa câu chuyện từ trang sách lên màn ảnh, đạo diễn Brian Percival và biên kịch Micheal Petroni trung thành với nội dung, cốt truyện và làm toát lên được tinh thần, giá trị của tác phẩm gốc, đem đến cho người xem một câu chuyện xúc động và nhân văn.

Phim phát sóng lúc 20 giờ, thứ bảy, ngày 6-12-2014 trên kênh Star Movies.

 Liesel đọc sách với hy vọng giúp Max hồi tỉnh.

Tiểu thuyết “Kẻ trộm sách” xuất bản năm 2005 nằm trên bảng xếp hạng những cuốn sách bán chạy nhất của “The New York Times” hơn 100 tuần liên tiếp, được đánh giá là một trong những tác phẩm kinh điển của văn học thế giới. Toàn bộ câu chuyện được lên phim qua lời kể của Thần Chết với bối cảnh tại nước Đức thời gian bùng nổ Chiến tranh Thế giới thứ hai. Gia đình ly tán, em trai chết, Liesel Meminger, cô bé 12 tuổi được giao làm con nuôi cho cặp vợ chồng nghèo hiếm muộn Hans Hubermann ở phố Thiên Đường, thành phố Munich. Thời gian đầu, Liesel luôn nung nấu ý định bỏ trốn để đi tìm mẹ ruột vì thường bị mẹ nuôi khó tính la mắng, bị bạn bè chê cười do không biết chữ... Thế nhưng, khi có được tình bạn thân thiết với Rudy - cậu bé sôi nổi, nhiệt tình và mê điền kinh; được cha nuôi dạy học chữ và thắp lên niềm đam mê đọc sách, Liesel dần thích nghi với môi trường mới và yên lòng với cuộc sống hiện tại. Vì mang ơn cứu mạng của một người bạn Do Thái, ông Hans Hubermann đã liều lĩnh chứa chấp Max - con trai ân nhân - đang bị quân đội truy bắt. Cuộc sống gia đình Liesel bắt đầu xáo trộn và đối mặt với những nguy hiểm khó lường...

Không có cảnh chiến trường đẫm máu hay những cảnh giết chóc man rợ, “The Book Thief” lột tả sự khốc liệt của chiến tranh bằng những tình tiết đơn giản, nhưng không kém phần dữ dội qua những cảnh đốt sách, truy đuổi, bắt bớ người Do Thái của quân Hitler, các gia đình ly tan, sự mưu sinh vất vả của người dân và những cái chết đau lòng. Giữa hoàn cảnh u ám đó, tình bạn trong sáng giữa Liesel và Rudy, tình yêu thương của người cha nuôi và sự chở che, đùm bọc của gia đình Liesel với Max như những ngọn lửa nhỏ sưởi ấm trái tim khán giả. Đặc biệt, sự có mặt của Max đã mở ra một thế giới mới trong tâm hồn của Liesel khi cả hai có chung niềm say mê đọc sách và anh là người truyền cảm hứng, giúp cô bé vận dụng linh hoạt ngôn từ để miêu tả thế giới bên ngoài, biểu đạt cảm xúc. Do đó, khi Max bị bệnh và rơi vào hôn mê lâu ngày, Liesel đã liều lĩnh nhiều lần đến Thư viện nhà Thị trưởng để trộm sách về đọc cho Max nghe. Những câu chuyện từ sách không chỉ giúp Max tỉnh lại mà còn được Liesel kể với mọi người khi trú bom trong hầm, giúp mọi người bớt lo lắng, sợ hãi và xích lại gần nhau hơn...

Mạch phim chậm rãi nhưng không buồn chán, dư thừa bởi đan xen trong tiếng nhạc réo rắt là những biến cố, những tình tiết được chọn lọc từ tiểu thuyết để làm nổi bật tinh thần của tác phẩm. Càng về cuối, kịch tích câu chuyện càng được đẩy lên cao khi những người bên cạnh Liesel lần lượt ra đi vì nhiều lý do. Đỉnh điểm của đau thương là lúc mọi người đang chìm trong giấc ngủ thì toàn bộ khu phố bị trúng bom, chỉ duy nhất Liesel sống sót do ngủ quên dưới hầm khi đang viết nhật ký.

Câu chuyện về sự sống và cái chết đã được các nhà làm phim thể hiện một cách nhẹ nhàng và thấm thía, để lại những dư âm sâu sắc về nỗi đau chiến tranh, về tình người và sức mạnh của sách.

CÁT ĐẰNG

Chia sẻ bài viết