04/10/2020 - 10:30

Ðiện ảnh châu Á thay đổi 

Cũng như ngành công nghiệp điện ảnh toàn cầu, phim ảnh châu Á cũng thiệt hại nặng nề bởi dịch COVID-19. Đại dịch đã làm thay đổi các nền điện ảnh lớn của châu lục, đồng thời đòi hỏi sự sáng tạo, thích ứng để tồn tại và hồi sinh.

“Deliver Us From Devil” của điện ảnh Hàn Quốc. Ảnh: www.themoviebeat.com

►Sự hồi phục của điện ảnh Hàn Quốc

Hàn Quốc là một trong số hiếm quốc gia có nền điện ảnh hồi phục khi đại dịch COVID-19 đi qua. Ðến nay có thể khẳng định điện ảnh xứ Kim Chi vẫn “sống khỏe” giữa đại dịch, dù thiệt hại trước đó không nhỏ.

Tháng 2 và 3 là giai đoạn u ám của ngành công nghiệp điện ảnh Hàn Quốc, khi các biện pháp nghiêm ngặt khống chế dịch bệnh được thực thi. Lượng vé sụt giảm đến hơn 11,3 lần, trong khi rất nhiều tác phẩm phải hoãn chiếu, hủy kế hoạch sản xuất. Nhưng chỉ vài tháng sau, điện ảnh Hàn Quốc đã nhanh chóng hồi phục. Từ giữa tháng 6, rạp chiếu phim tại Hàn Quốc đã liên tiếp xuất hiện những kỷ lục phòng vé mới. Các phim nội địa rục rịch ra rạp và thắng lớn, như: “Alive”, “Peninsula”, “Steel Rain 2: Summit”... 

Theo thống kê từ Hội đồng Ðiện ảnh Hàn Quốc, “Alive” đã có tới hơn 204.000 lượt khán giả đến rạp xem trong ngày đầu ra mắt, điều rất hiếm khi dịch bệnh vừa mới được kiểm soát. Phim cũng nhanh chóng mang về hơn 13 triệu USD tại phòng vé xứ Kim Chi và đứng đầu danh sách phim ăn khách trong vòng ba tuần trước khi “Peninsula” ra mắt. Sau đó, chính là sự áp đảo của “Peninsula” - tác phẩm được cho là phần hậu truyện của “Train to Busan”. Trong ngày đầu ra mắt, “Peninsula” đã bán được 350.000 vé, trở thành phim có lượng vé bán ra trong ngày khởi chiếu cao nhất tại Hàn Quốc trong năm 2020. Theo thống kê, doanh thu phòng vé toàn cầu của “Peninsula” hiện tại là 35,9 triệu USD với hơn 1 triệu USD từ thị trường Bắc Mỹ. Cuối tháng 7-2020, “Steel Rain 2: Summit” cũng nhanh chóng ra mắt và cũng đang đà thắng lớn với hơn 12,3 triệu USD doanh thu toàn cầu. Mới đây, “Deliver Us From Devil” ra mắt vào cuối tháng 8, đã mang về doanh thu áp đảo với 26,5 triệu USD doanh thu sau 11 ngày ra mắt.

Có thể thấy, điện ảnh Hàn Quốc đang có dấu hiệu hồi phục tốt. Những phim có doanh thu phòng vé thắng lớn đều là phim nội địa, với những câu chuyện độc đáo, riêng biệt và mới mẻ; ngôn ngữ điện ảnh đặc trưng Hàn Quốc, vì thế còn tạo được sức hút ở thị trường quốc tế, mà “Peninsula” là ví dụ tiêu biểu.

►Bollywood tìm lối thoát

Toàn Ấn Ðộ có 10.000 rạp chiếu phim đã bị đóng cửa. Không có dấu hiệu cho thấy khán giả sẽ quay trở lại ngay khi rạp chiếu được mở cửa trở lại. Ngành công nghiệp điện ảnh trị giá 2,6 tỉ USD của Ấn Ðộ đang tê liệt vì dịch bệnh. Số phim mới sản xuất chỉ đếm trên đầu ngón tay.

Trong quá khứ, Bollywood là nơi sản xuất nhiều phim nhất thế giới, khi bình quân mỗi năm giới thiệu với công chúng hơn 1.000 tác phẩm. Theo Komal Nahta, nhà phân tích thương mại điện ảnh, ngành công nghiệp điện ảnh Ấn Ðộ đã bị thiệt hại hơn 330 triệu USD và phải hủy bỏ rất nhiều dự án. Nhiều tác phẩm được kỳ vọng, như: “Sooryavanshi”, “Coolie No.1”, “Radhe”, “Brahmastra”, “83” đều đang trong tình trạng trì trệ. Theo báo cáo từ công ty tư vấn Ormax Media, doanh thu phòng vé ở Ấn Ðộ ước tính đạt 1,4 tỉ USD vào năm 2019, tăng gần 12% so với năm 2018. Trong đó, doanh thu chính là đến từ các phim Ấn Ðộ, còn phim Hollywood chỉ chiếm 15% tổng doanh thu phòng vé tại Ấn Ðộ. Vì vậy, khi phim nội địa không được sản xuất và ra rạp thì nền công nghiệp điện ảnh Ấn Ðộ chắc chắn sẽ tuột dốc không phanh.

Trước thực trạng này, các nhà sản xuất hướng đến giải pháp phát hành phim mới trên nền tảng kỹ thuật số, thay vì chờ đợi cho đến khi dịch bệnh được kiểm soát, rạp chiếu hoạt động trở lại và công chúng chịu đếp rạp xem phim. Ðạo diễn Mahesh Bhatt cho biết: “Chúng tôi quyết định hướng đến các nền tảng kỹ thuật số vì không thấy tình hình trước mắt ở rạp chiếu có dấu hiệu lạc quan. Ðây là lựa chọn tốt nhất vào lúc này và buộc phải thế”.

Tính khả thi từ nền tảng kỹ thuật số có thể giúp các nhà sản xuất phim tại Ấn Ðộ giải quyết những khó khăn về tài chính trước mắt. Chẳng hạn, nền tảng xem phim trực tuyến Hotstar đã thu hút 300 triệu người dùng trong năm 2019. Hay tác phẩm “Gulabo Sitabo” được Amazon Prime mua bản quyền phát hành trên hệ thống xem phim trực tuyến, đã thu hút khoảng 20-30 triệu lượt xem. Dù vậy, nhà phân tích Komal Nahta tin rằng việc phát hành trực tuyến các phim mới chỉ là giải pháp tình thế và sẽ nhanh chóng bị loại bỏ khi tình hình dịch bệnh được kiểm soát và rạp chiếu ổn định trở lại.

BẢO LAM (Theo Korea Herald, Hollywoodreporter)

Chia sẻ bài viết