13/10/2017 - 14:35

“Hiệp sĩ” trên sông Ngã Bảy 

Ngót hơn 40 năm qua, ông Hồ Văn Tân (57 tuổi, khu vực 1, phường Ngã Bảy, thị xã Ngã Bảy, tỉnh Hậu Giang) cứu sống nhiều trường hợp thoát khỏi miệng “Thủy thần” trên sông Ngã Bảy. Không ai giao trách nhiệm, nhưng ông Tân xem đó là việc nghĩa, cần phải làm và xem như “cái nghiệp trời định”.

Duyên nợ với dòng sông

Ngồi trầm buồn trên chiếc xuồng tam bản, được neo đậu tại ngã tư dòng sông Ngã Bảy, rít mạnh hơi thuốc lá, ông Tân chậm rãi kể về cuộc đời mình: “3 tuổi, tôi bị bệnh, nhưng gia đình nghèo, không có tiền chữa trị, thành ra bị teo luôn chân phải”. Anh em trong gia đình đều lành lặn và có gia đình riêng. Ông Tân bán bánh mì, bánh cam dọc theo bờ kè sông Ngã Bảy để mưu sinh.

Ông Tân sống một mình trên chiếc xuồng tam bản ở ngã tư sông Ngã Bảy. Ảnh: HOÀI NIỆM

Không lành lặn như anh em trong nhà, nhưng sinh ra ở vùng sông nước, ông biết bơi từ nhỏ và có biệt tài lặn hơi rất dài. Nhiều người ở bến chợ hay nhờ ông lặn vớt hàng hóa, vật dụng bị rớt dưới sông, rồi cho ông tiền cà phê. Lâu dần thành thói quen, ông Tân nhận thấy nghề bán bánh không mấy phù hợp với mình, nên quyết định chuyển sang mưu sinh bằng nghề thợ lặn. “Trên bờ, tôi xách không nổi 10kg, nhưng xuống nước thì một vài trăm ký đối với tôi là chuyện nhỏ. Mình nương vào sức nước để đưa vật nặng lên bờ”- ông Tân chia sẻ.

Với ông Tân, chiếc xuồng là nhà, ngôi nhà vô định như chính cái nghề mà ông chọn để gắn bó. Ông Tân cho biết, những lần trục vớt ghe, tàu lớn chở cát đá hơn trăm tấn bị chìm, ông mất rất nhiều công sức và nguy hiểm luôn rình rập ở đáy sông. Những lần đó, ông phải dùng ống hơi và dây thừng cột quanh người, lặn vài ba tiếng dưới đáy sông để xúc hết cát, đá ra khỏi ghe, rồi dùng thùng phuy để tạo hơi nâng chiếc ghe lên mặt nước. Có khi lặn một mình, ống hơi bị tuột, ông phải cố hết sức ngoi lên mặt nước, nếu không kịp, mất mạng như chơi.

Trên người thợ lặn ấy, chỉ độc nhất chiếc quần xà lỏn, ướt rồi lại khô. Làn da đen sạm và đôi mắt lúc nào cũng đỏ ngầu vì lặn ngụp dưới sông. Ông Tân hay nói vui: “Cái nghề này, miễn khô tóc là hết tiền”. Có tiền, ông Tân mua  gạo nấu cơm, không tiền thì ăn mì gói. Nhưng có những bữa ăn dang dở vì phải lặn xuống sông cứu người.

Hiệp sĩ trên dòng sông

Mưu sinh bằng nghề thợ lặn, ông Tân rành từng đoạn nông, sâu trên dòng Ngã Bảy như lòng bàn tay của mình. Hễ nghe có người gặp nạn trên dòng sông, ông lập tức nổ máy, chạy ra ứng cứu. Cứu hết người sống, ông lặn mò người kém may mắn chìm dưới lòng sông, hỗ trợ người gặp nạn vớt đồ đạc, ghe máy.

Ông Tân nói: “Với người dân vùng sông nước thì cái ghe, cái máy là gia nghiệp, “cần câu cơm” để nuôi sống gia đình. Làm cái nghề này, không sân si, không tham lam, tơ tưởng đến tài sản, tiền bạc của khổ chủ thì mới bền, mới khỏe”.

Ông Tân nhớ lại năm ông 20 tuổi, hôm ấy mới đi lặn mò kim loại về, đang buộc dây ghe, thì nghe tiếng kêu cứu giữa ngã tư sông. Không suy nghĩ, ông Tân nhảy xuống dòng nước đang chảy xiết, bơi ra giữa dòng vớt cùng lúc 2 người. Hỏi ra mới biết, đó là 2 vợ chồng, quê tận Cà Mau đi mót lúa mùa về, ghe chở khẳm, gặp ngay dòng nước xoáy, người chồng bị cụt mất một chân nên xử lý không kịp, khiến ghe bị lật úp. Sau khi cứu người, ông Tân còn giúp họ trục vớt ghe, rồi “vét túi” mua xăng để họ về quê. Nhớ ơn, khoảng một tháng sau họ gửi lên tặng người “hiệp sĩ” đã cứu mình 10kg gạo. Và từ đó, ông kiêm luôn nghề “hiệp sĩ” trên dòng sông Ngã Bảy.

Mới đầu năm nay, ông vo gạo nấu cơm chiều, nghe bà con trên bờ kè, la thất thanh: “Có người trượt chân, té xuống sông”. Quăng nồi cơm sang một bên, ông bơi một mạch ra giữa dòng, vớt cụ bà đưa vào bờ. “Được mọi người hỗ trợ, khoảng 3 phút sau bà cụ tỉnh lại, cám ơn tôi rối rít”- ông Tân cười hào sảng.

Khi được hỏi vì sao suốt hơn 40 năm qua, ông chỉ neo nơi bến sông này, mà không dời đi nơi khác, ông Tân thật thà: “Vị trí này có hố xoáy sâu gần 20m ngay ngã tư, rất nhiều ghe đi ngang bị chìm vì không lường được dòng chảy. Neo ghe vị trí này dễ ứng cứu cho bà con. Đặc biệt đây là nơi duyên tình vợ chồng tôi gá nghĩa nên không muốn rời đi”.

Cách nay 20 năm, trong lần cứu vớt ghe của người thương buôn ở Sóc Trăng, khi lên bờ, ông bắt gặp ánh mắt trìu mến của cô gái con người chủ ghe. Cảm thương phận đời của ông Tân, cô cùng ông gá nghĩa trăm năm nhưng không có một cái đám cưới đàng hoàng. Vợ chồng ông Tân có một cô con gái, nhưng gia cảnh nghèo khó, đường học của con gái ông cũng đứt giữa chừng. Học hết lớp 9, thương cha mẹ nghèo khó, con gái ông nghỉ học để đi làm thuê và thuận tiện chăm sóc người mẹ bệnh tật.

Hơn 40 năm mưu sinh trên dòng sông, cuộc đời ông Tân trải qua rất nhiều gian truân. Người vợ không chê ông nghèo đã cùng ông đi suốt quãng đường 20 năm qua nhưng giờ bệnh tật làm bà yếu dần, không thể cùng ông mưu sinh trên dòng sông nữa, thời gian bà nằm viện nhiều hơn thời gian ở nhà… Lau vội dòng nước mắt khi kể về cuộc đời của mình, nhìn xa thẳm về phía mặt trời đang buông dần xuống ngã tư sông, ông vẫn kỳ vọng “ngày nào còn mưu sinh trên dòng sông này, vẫn tiếp tục cứu những người không may gặp nạn”.

HOÀI NIỆM

Chia sẻ bài viết