30/01/2018 - 20:54

“Hài hòa” sức dân xây dựng nông thôn mới 

Trong bối cảnh nguồn vốn ngân sách còn hạn hẹp, để tăng nguồn lực xây dựng nông thôn mới (XDNTM), nhiều địa phương tập trung huy động sức dân. Đây là giải pháp thiết thực, khẳng định vai trò chủ thể của người dân trong XDNTM. Trong đó, yếu tố mang tính quyết định đến thành công là cách thức vận động sao cho đạt được sự đồng thuận, chung tay góp sức của nhân dân.

Huy động sức dân

Năm qua, tổng số vốn người dân đóng góp cho công cuộc XDNTM của thành phố hơn 94,92 tỉ đồng. Con số này không lớn, chỉ chiếm khoảng 6,46% trong cơ cấu vốn. Tuy nhiên, điều này thể hiện sự nỗ lực và tinh thần đồng lòng của người dân đối với công cuộc XDNTM do thành phố phát động. Ông Đào Anh Dũng, Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ, đúc kết: Điểm nhấn trong XDNTM của thành phố là sự chuyển biến khá rõ nét trong nhận thức và hành động của người dân về XDNTM. Nhờ công tác tuyên truyền được các xã tập trung thực hiện giúp người dân dần hiểu rõ và đồng thuận trong thực hiện các tiêu chí về nông thôn mới. Nhiều hộ gia đình đã tự nguyện tham gia hiến đất, ủng hộ tiền mặt, hiện vật, đóng góp ngày công lao động làm đường giao thông, tham gia giám sát công trình... Người dân còn tự sửa sang hàng rào, cảnh quan môi trường, chỉnh trang nhà cửa; tăng cường liên kết trong sản xuất như vào tổ hợp tác, hợp tác xã nông nghiệp, tham gia vào mô hình "Cánh đồng lớn"...

Người dân huyện Vĩnh Thạnh tham gia làm đường giao thông nông thôn. Ảnh: MỸ THANH

Người dân huyện Vĩnh Thạnh tham gia làm đường giao thông nông thôn. Ảnh: MỸ THANH

Ông Võ Thành Nhứt, Chủ tịch UBND xã Trường Thắng, huyện Thới Lai, cho biết: "Nguồn vốn huy động được từ người dân được địa phương cân đối, bố trí phù hợp, chủ yếu là phục vụ làm lộ giao thông nông thôn, xây dựng trường học, thủy lợi nội đồng, nhà ở dân cư… Việc huy động người dân và cộng đồng dân cư đóng góp được thực hiện dân chủ, công khai, minh bạch và không có tình trạng huy động quá sức dân". Ngoài ra, theo phản ánh từ các xã, nguồn vốn đóng góp từ người dân còn tập trung cho các nội dung mang tính đột phá như: chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi; trợ giá cây con giống; tái cơ cấu ngành nông nghiệp… Đây là những lĩnh vực liên quan trực tiếp đến đời sống, góp phần cải thiện thu nhập, xóa đói giảm nghèo nên được người dân đồng tình ủng hộ.

Tại các huyện, xã XDNTM trên địa bàn thành phố, phương châm "Nhà nước và nhân dân cùng làm", "dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra và dân thụ hưởng"; phong trào "Cần Thơ cung sức XDNTM"... diễn ra sôi nổi. Ông Bùi Minh Tấn, người dân kỳ cựu ở xã Giai Xuân, huyện Phong Điền, chia sẻ: "Lúc trước cũng làm cầu, làm đường, rồi cũng tăng gia sản xuất nhưng theo kiểu "mạnh ai nấy làm". Giờ thì là cả một phong trào, được lên kế hoạch hẳn hoi rồi có cán bộ huyện, xã theo sát để giúp đỡ, giải đáp thắc mắc cho bà con. Còn người dân chúng tôi ai có công, góp công; ai có sức, góp sức; công trình đi qua nhà nào thì hộ đó nhiệt tình ủng hộ bánh, nước, trái cây...". Đó là những hình ảnh đẹp, sống động về sức dân trong XDNTM tại TP  Cần Thơ.

Nhưng không "quá trớn"

Nhiều ý kiến cho rằng, để tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức của mỗi người dân, đưa công cuộc XDNTM đạt kết quả như mong muốn thì không còn cách nào khác là đẩy mạnh vận động, tuyên truyền. Bà Trần Thị Nhung Em, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Cờ Đỏ, cho biết: "Trong năm 2018, huyện nâng cao chất lượng, hiệu quả thực hiện phong trào "Toàn dân đoàn kết XDNTM, đô thị văn minh" gắn với phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa khu dân cư". Trong đó, tập trung nâng chất gia đình văn hóa, ấp văn hóa, ý thức chấp hành pháp luật của người dân. Kết quả đạt được không chỉ giúp các xã hoàn thành, nâng chất các tiêu chí về văn hóa mà còn hướng tới nếp sống văn minh cộng đồng nông thôn mới".  Theo ông Võ Thành Nhứt, Chủ tịch UBND xã Trường Thắng, huyện Thới Lai, để nâng chất các tiêu chí nông thôn mới, xã tiếp tục dựa vào nội lực cộng đồng là chính, có sự hỗ trợ một phần từ ngân sách nhà nước, khuyến khích các thành phần kinh tế cùng tham gia, đảm bảo nguyên tắc "Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra và dân thụ hưởng".

Cuối năm 2015, Chính phủ ban hành Công văn số 2003/TTg-KTN về việc huy động vốn đóng góp của dân để thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia XDNTM. Công văn yêu cầu các địa phương chú trọng đến công tác giảm nghèo; việc huy động đóng góp phải tùy thuộc vào khả năng, hoàn cảnh của nhân dân; phải được bàn bạc dân chủ và được sự đồng tình của người dân; tuyệt đối không để tình trạng XDNTM mà tăng gánh nặng, ảnh hưởng đến đời sống người dân… Tuyệt đối không bắt buộc dân đóng góp, không huy động quá sức dân; không yêu cầu những hộ nghèo, người già, người tàn tật không nơi nương tựa, hộ khó khăn, gia đình chính sách đóng góp; tăng cường tuyên truyền để người dân hiểu và tự nguyện tham gia. Động thái này cho thấy, Chính phủ ý thức được việc huy động nguồn lực từ người dân sao cho hiệu quả, hợp lý và hài hòa; tránh tình trạng huy động quá sức, gây bức xúc trong dư luận.

Theo ông Đào Anh Dũng, Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ, để duy trì và từng bước nâng cao chất lượng các tiêu chí, ngoài quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị, rất cần sự góp sức của toàn xã hội, đặc biệt từ chính người dân - "chủ thể" của quá trình XDNTM. Và bí quyết, lời giải cho bài toán huy động sức dân là hãy đến gần và tìm hiểu họ muốn gì, cần gì? Quá trình thực hiện chủ trương, xây dựng quy hoạch, kế hoạch đều được công khai, bàn bạc dân chủ, thống nhất lộ trình thực hiện và mức đóng góp của người dân cho từng tiêu chí. Trong đó, tập trung nguồn lực thực hiện các tiêu chí ảnh hưởng trực tiếp đến người dân, góp phần nâng cao đời sống nhân dân, từ đó vừa tạo khí thế phấn khởi, hợp lòng dân vừa nuôi dưỡng sức dân để tạo nguồn lực đóng góp cho các tiêu chí khác.

MỸ THANH

Chia sẻ bài viết