17/09/2017 - 16:23

“Giấy thông hành” vào kênh siêu thị 

Thế nào là nông sản sạch và an toàn? Làm thế nào để đưa nông sản vào kênh siêu thị và các chợ đầu mối? Đó là những vấn đề được cả nông dân và các nhà phân phối đang quan tâm.

Trái cây đặc sản được trưng bày tại Hội chợ nông sản sạch và an toàn.

Phải bán những thứ thị trường cần…

Lâu nay, nhà nông hay than phiền giá cả nông sản luôn bấp bênh, mất mùa được giá, trúng mùa thì mất giá và đôi khi thất mùa cũng rớt giá. Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng đó là do cung- cầu. Nông dân thường quen bán những thứ mình có hơn là bán những gì thị trường cần. Vào mùa trái cây, trên các quốc lộ, đến các con đường ven đô thị của ĐBSCL,  đi đâu cũng gặp chôm chôm, sầu riêng, măng cụt, ổi… đổ thành đống, bán đầy. Bán như vậy thì làm sao được giá cao?!

Ông Năm Thượng, một thương lái ở huyện Chợ Lách (Bến Tre) có nhiều năm cung cấp trái cây cho các siêu thị, chợ đầu mối tại TP Hồ Chí Minh, chia sẻ: “Muốn nhà vườn thoát khỏi cảnh giá cả bấp bênh, Nhà nước phải có qui hoạch sản xuất từng vùng, từng loại trái cây, đầu ra phải theo nhu cầu thị trường.

Hơn nữa, phải có hệ thống kho lạnh trữ hàng, để khi trái cây rớt giá thì trữ lại, chờ giá lên…”. Không chỉ trái cây mà lúa gạo, cá tra, con tôm… của ĐBSCL cũng cùng chung số phận. Những năm gần đây, nghề nuôi và chế biến cá tra xuất khẩu lao đao, nông dân thua lỗ, bỏ ao. Doanh nghiệp xuất khẩu cá tra nợ người nuôi cá, nợ ngân hàng… phá sản.

Mặc dù nông dân ĐBSCL đã từng bước nuôi trồng, sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGap, Organic… nhưng việc tiêu thụ sản phẩm vẫn gặp nhiều khó khăn. Một trong những nguyên nhân chính là do tình trạng sản xuất tự phát, manh mún, nhỏ lẻ. Theo kinh nghiệm của các hợp tác xã (HTX) thành công trong tiêu thụ hàng hóa nông sản, có hợp đồng bao tiêu sản phẩm, nông dân sẽ an tâm sản xuất hơn.

Ông Huỳnh Thanh Bình, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Hợp tác xã Nông nghiệp thủy sản Thắng Lợi, huyện Vĩnh Thạnh, TP Cần Thơ, chia sẻ: “Trong tình hình thị trường xuất khẩu cá tra thường xuyên biến động về giá cả, hộ thành viên nuôi cá của HTX gặp rất nhiều khó khăn, có lúc người nuôi lỗ nặng".

"Nghề nuôi cá tra xuất khẩu đòi hỏi nguồn vốn rất lớn, nguồn vốn chủ yếu là vay ngân hàng, nếu thua lỗ không trả vốn và lãi đúng hạn thì ngân hàng ngừng cho vay, coi như phải “treo ao”. Để khắc phục tình trạng này, HTX đã ký hợp tác đầu tư với công ty chế biến, là mô hình liên kết giữa người sản xuất với doanh nghiệp, giúp hộ thành viên không cần phải đầu tư quá nhiều vốn nhưng đảm bảo đầu ra, có thu nhập ổn định, bất chấp thị trường biến động.”

 “Giấy thông hành”

Thị trường tiêu dùng hàng hóa nông, thủy sản ngày càng khó tính. Người tiêu dùng không chỉ đòi hỏi hàng hóa chất lượng cao mà còn phải đảm bảo sạch và an toàn. Ông Trần Thế Như Hiệp, Viện Kinh tế Xã hội TP Cần Thơ, cho biết: Hiện nay, ĐBSCL có khoảng 300.000ha trồng rau, củ, quả an toàn, tập trung ở Vĩnh Long, Tiền Giang, An Giang, Trà Vinh, Sóc Trăng…

Rau sạch ở ĐBSCL không chỉ tiêu thụ trong vùng mà còn cung cấp cho thị trường TP Hồ Chí Minh, và xuất khẩu sang Campuchia, Trung Quốc… Mặc dù sản xuất rau an toàn (RAT) đã được chú trọng nhưng hiệu quả mang lại từ chuỗi cung ứng sản phẩm này chưa được người dân tiếp cận đầy đủ.

Chỉ riêng TP Cần Thơ, vấn đề “lệch pha” giữa cung và cầu của chuỗi cung ứng này được xác định là do giá bán và đầu ra sản phầm RAT chưa có sự khác biệt nhiều so với rau chưa an toàn. Quy hoạch vùng sản xuất RAT chưa phù hợp, thiếu sự liên hệ giữa các tác nhân trong kênh phân phối từ nông dân cho đến thương lái, nhà bán sỉ, lẻ, siêu thị… Hệ lụy là đầu ra sản phẩm RAT gặp khó khăn, chuỗi cung ứng chưa thật sự hoàn thiện.

Ông Phạm Nhật Trường, Phó Giám đốc kinh doanh hệ thống siêu thị Co.opMart, đã nhiều năm ký hợp đồng với các tỉnh ĐBSCL thu mua trái cây, thủy sản, thịt gia súc, gia cầm… với tổng sản lượng tiêu thụ hơn 2.000 tấn/ tháng, tương đương 45 tỉ đồng.

Ông Trường cho rằng: “Saigon Co.op luôn đặt yêu cầu nhà sản xuất, hộ nông dân phải đảm bảo quy trình sản xuất đạt tiêu chuẩn an toàn, cải tiến chất lượng, bao bì mẫu mã, kết hợp ứng dụng khoa học kỹ thuật cao vào sản xuất và công nghệ xử lý sau thu hoạch để có sản phẩm chất lượng tốt nhất, có giá trị dinh dưỡng cao, tốt cho sức khỏe.

Sản phẩm đưa vào kinh doanh tại hệ thống phải đảm bảo được sản xuất theo qui trình đạt tiêu chuẩn an toàn, được các cơ quan chức năng cấp chứng nhận như rau quả an toàn hoặc đạt tiêu chuẩn VietGAP, GlobabGAP, Organic…, và đáp ứng các tiêu chí chất lượng đảm bảo an toàn thực phẩm về dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, an toàn đối với sức khỏe con người. Tất cả các sản phẩm phải được kiểm tra định kỳ, hoặc đột xuất”.

Hầu hết các siêu thị đều yêu cầu sản phẩm phải có “có giấy thông hành” nếu muốn vào siêu thị. Đó là những tiêu chuẩn về chất lượng, về an toàn thực phẩm.

Ông Ramon Marquina- Giám đốc bộ phận thu mua Auchan Retail Việt Nam, hiện có 11 siêu thị trên toàn quốc và sắp tới sẽ mở thêm tại TP Cần Thơ, chia sẻ: “Chúng tôi muốn cung cấp các sản phẩm có chất lượng với giá hấp dẫn để mọi người có thể thưởng thức thực phẩm ngon và sống tốt tại nhà mình. Tôi cho rằng sản phẩm của Việt Nam có rất nhiều tiềm năng". 

"Chúng tôi trông đợi từ nhà sản xuất Việt Nam là chất lượng và nguồn gốc sản phẩm đảm bảo 100%. Làm việc trực tiếp với các nhà sản xuất, đối tác lâu dài, để kiểm soát toàn bộ qui trình. Auchan luôn sẵn sàng hỗ trợ và đầu tư cho các nhà cung cấp để cùng nhau phát triển và thay đổi cuộc sống của gia đình Việt Nam”- ông Ramon Marquina nói.

Bài, ảnh: Huỳnh Biển

Chia sẻ bài viết