02/09/2024 - 16:27

“Giấc mơ Mỹ” khốc liệt với thế hệ trẻ 

Từ lâu, người ta nói đến “Giấc mơ Mỹ” như khái niệm kết hợp giữa mong muốn sở hữu một ngôi nhà, kết hôn, sinh con và kiếm đủ tiền tiết kiệm cho cuộc sống nghỉ hưu thoải mái. Thế nhưng, trong bối cảnh hiện tại, rất ít người Mỹ tin họ dễ dàng đạt được những điều trên ngay cả khi làm việc chăm chỉ.

Giấc mơ Mỹ dường như nằm ngoài tầm với của nhiều người dân xứ cờ hoa. Ảnh: Getty Images

Cách đây 12 năm, khi Viện nghiên cứu tôn giáo công cộng hỏi 2.500 người rằng giấc mơ Mỹ “vẫn còn đúng” thì hơn một nửa trả lời có. Cùng câu hỏi, ở khảo sát của Nhật báo Phố Wall (WSJ) và Trung tâm Nghiên cứu quan hệ công chúng (NORC) tiến hành hồi tháng 7 vừa qua, con số đó giảm xuống còn khoảng 1/3.

Trong cuộc thăm dò tiến hành trên 1.500 người Mỹ trưởng thành, WSJ-NORC phát hiện khoảng cách rõ rệt giữa ước mơ với kỳ vọng đạt được. Xu hướng này nhất quán ở mọi giới tính và không phân biệt đảng phái, đặc biệt ở thế hệ trẻ vốn phải gánh nợ sinh viên, mức lãi suất cao và khó sở hữu nhà. Trong khảo sát, 89% nói rằng sở hữu một ngôi nhà là mục tiêu thiết yếu đối với tầm nhìn tương lai và chỉ 10% cho biết dễ dàng đạt được. An ninh tài chính và nghỉ hưu thoải mái cũng được 96% và 95% số người coi là quan trọng trong khi chỉ 9% và 8% đánh giá là dễ dàng.

Giấc mơ ngoài tầm với

Marquell Washington, 22 tuổi, nhớ lại hồi tiểu học các giáo viên luôn nói rằng điểm cao và bằng đại học là tấm vé giúp anh thoát khỏi khu phố Chicago hỗn loạn đang sống. Cố gắng cho tương lai, Washington là người đầu tiên trong gia đình đi học đại học. Song, anh đã bỏ học vào năm 3 và đang sống với mức lương 30.000 USD/năm cho công việc bán thời gian trong một tổ chức phi lợi nhuận. Với điều kiện hiện tại, Washington không đủ khả năng chuyển khỏi căn hộ dành cho các gia đình thu nhập thấp của mẹ anh chứ đừng nói giải quyết khoản nợ giáo dục 10.000 USD. Tuy không từ bỏ giấc mơ Mỹ, Washington thừa nhận hành trình đạt được không dễ như đã nghĩ.

Trường hợp khác là Cherish Celetti, 42 tuổi và là luật sư. Sinh trưởng trong hoàn cảnh nghèo khó giữa 9 anh chị em, Celetti tin chắc đã thực hiện được giấc mơ Mỹ khi cùng chồng mua trả góp căn hộ 5 phòng ngủ ở New York với giá 612.000 USD vào năm 2017. Song, mọi thứ trở nên khó khăn khi tiền điện, gas của gia đình tăng gấp đôi lên 2.000 USD/tháng; giá thực phẩm, bảo hiểm và nhiều hóa đơn cần thanh toán khác cho gia đình 7 người cũng tăng theo. Điều này buộc 2 vợ chồng hạ mức đóng góp hưu trí xuống gần bằng 0, hủy kế hoạch nghỉ mát và tiết kiệm tối đa. Tuy giá nhà của họ đã tăng gấp đôi và bán nó là lựa chọn tốt nhất, nhưng cả gia đình sau đó không biết đi đâu. “Chúng tôi đã có giấc mơ Mỹ, nhưng bây giờ đó là cơn ác mộng” - gia đình Celetti cho hay.

Sự chuyển dịch kinh tế đã suy yếu trong những thập kỷ gần đây và mọi người có lý khi cảm thấy cơ hội thành công của họ giảm đi. Nó cũng khiến những khía cạnh quan trọng của giấc mơ Mỹ nằm ngoài tầm với, theo cách chưa từng có ở các thế hệ trước. Nếu 90% thế hệ sinh năm 1940 ở Mỹ có cuộc sống khá hơn cha mẹ mình, chỉ ½ người sinh những năm 1980 có thể nói như vậy. Đơn cử như Lily Roark, trong khi cha cô có thể sở hữu căn nhà 8 phòng ngủ ở New Orleans với giá 160.000 USD vào đầu những năm 2000, bản thân Roark cần tới 250.000 USD cho ngôi nhà có 1 hoặc 2 phòng ngủ. Vì ưu tiên tiết kiệm tiền mua nhà, Roark và bạn đời cảm thấy không thể thực hiện bất kỳ mục tiêu sống nào khác như tổ chức đám cưới và lên kế hoạch sinh con trong khi điều đó khá dễ với cha mẹ họ vốn thu nhập ít hơn khi ở cùng độ tuổi.

Theo thăm dò của WSJ-NORC, 62% người coi hôn nhân là cần thiết với giấc mơ Mỹ của họ và chỉ 47% nói rằng mục tiêu đó dễ dàng đạt được. Kevin Murphy, 31 tuổi và đang làm cho công ty năng lượng, tin rằng ngay cả việc tìm bạn đời cũng khó khăn hơn trước bởi hẹn hò trở nên đắt đỏ. “Riêng tôi, giấc mơ Mỹ dường như xa vời hơn bao giờ hết” - Murphy cho biết.

MAI QUYÊN

Chia sẻ bài viết