06/12/2024 - 08:43

Ðể hàng hóa Việt rộng đường thâm nhập thị trường EU 

EU nằm trong tốp 6 thị trường xuất, nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam. Chính phủ đang tích cực hỗ trợ doanh nghiệp (DN) tận dụng lợi thế từ các hiệp định thương mại quốc tế, nổi bật là Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) và Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) để đưa hàng hóa sang thị trường này. Tuy nhiên, thị trường EU đòi hỏi nghiêm ngặt về tiêu chuẩn kỹ thuật, quy định về an toàn thực phẩm, môi trường... đòi hỏi DN Việt cần chuẩn bị kỹ lưỡng để đáp ứng các yêu cầu của sân chơi mới đầy tiềm năng nhưng cạnh tranh cao này. 

Thủy sản là một trong những mặt hàng có nhiều tiềm năng xuất khẩu sang EU.

Cơ hội và thách thức

Theo số liệu Hải quan Việt Nam, sau 4 năm EVFTA có hiệu lực (từ tháng 8-2020), EU hiện là đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam, với kim ngạch xuất khẩu 4 năm ước tính đạt hơn 200 tỉ USD, tăng trưởng từ 12-15%/năm. Trong đó, dẫn đầu là Hà Lan, tiếp đến là Ðức, Italia, Bỉ, Pháp… Các mặt hàng của Việt Nam xuất khẩu mạnh vào EU gồm: máy móc và thiết bị điện, giày dép, thiết bị, lò phản ứng, thiết bị cơ khí, hàng may mặc và phụ kiện, sắt thép, cà phê, trà, gia vị…

Ðánh giá về thị trường Anh, ông Nguyễn Cảnh Cường, nguyên Tham tán thương mại Việt Nam tại Anh, cho biết: Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Vương quốc Anh (UKVFTA) mở ra cơ hội lớn cho DN Việt Nam với việc xóa bỏ trên 99% dòng thuế trong vòng 6 năm. Các sản phẩm có nhu cầu nhập khẩu cao tại Anh có thể kể đến như cá basa, tôm đông lạnh; cá ngừ đóng hộp; sản phẩm dệt may thân thiện với môi trường, từ sợi tự nhiên; giày da, giày thể thao chất lượng cao và giá cả cạnh tranh; đồ gỗ thiết kế tinh tế, phù hợp với xu hướng nội thất hiện đại và các sản phẩm cà phê, hạt điều, rau quả tươi, thực phẩm chế biến.

Mặc dù là thị trường tiềm năng, mở ra nhiều cơ hội cho DN Việt. Song khi đưa hàng hóa sang thị trường này, DN phải đối mặt với không ít trở ngại khi phải đáp ứng xu hướng tiêu dùng xanh, sạch của EU với tiêu chuẩn ngày càng cao. Ðơn cử như xuất khẩu các ngành hàng nông, lâm sản, các nhà khai thác và DN phải chứng minh sản phẩm đều không liên quan đến phá rừng và hợp pháp (tuân thủ tất cả luật hiện hành có liên quan có hiệu lực tại quốc gia sản xuất). Gần đây, EU thực hiện Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM), nghĩa là đánh thuế carbon đối với tất cả hàng hóa xuất khẩu sang thị trường này dựa trên cường độ phát thải khí nhà kính trong quy trình sản xuất tại nước sở tại. Bên cạnh đó, những biến động vĩ mô về lạm phát, khủng hoảng kinh tế, giá cả leo thang, nhu cầu về năng lượng tăng cao khiến người tiêu dùng ở thị trường EU có xu hướng thắt chặt chi tiêu và chỉ tập trung vào các hàng hóa tiêu dùng thiết yếu cũng làm ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động xuất khẩu sang các quốc gia EU.

Nỗ lực chinh phục thị trường

Ðể hàng hóa Việt rộng đường thâm nhập thị trường EU, theo ông Ðinh Sỹ Lăng, Vụ Thị trường châu Âu - châu Mỹ, Bộ Công Thương, DN nên tìm hiểu tính cách, đặc điểm tiêu dùng của người tiêu dùng từng nước. Chẳng hạn, người Ðức không thích sử dụng đồ nhựa và thích dùng đồ gỗ; thích ăn thủy hải sản hơn thịt, chỉ dùng những sản phẩm đóng gói có ghi rõ tên sản phẩm, nơi sản xuất, các điều kiện bảo quản và sử dụng, mã số và mã vạch. Người Hà Lan rất ưa thích những sản phẩm mới lạ. Các sản phẩm tươi sống nhưng đóng gói nhỏ có khả năng bảo quản lâu cũng đang là những sản phẩm được ưa chuộng thời gian gần đây. Mặc dù họ rất quan tâm đến giá cả và khuyến mại nhưng họ sẵn sàng trả giá cao để mua sản phẩm có chất lượng tốt hơn những sản phẩm khác cùng loại. Người Italia chú trọng vào chất lượng trước, sau đó là đa dạng, phong phú chủng loại sản phẩm.

Các chuyên gia cho rằng, các dòng sản phẩm thân thiện với môi trường, thương mại công bằng gắn với trách nhiệm xã hội thời gian qua của Việt Nam nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ của người tiêu dùng. Do đó, DN Việt nên tiếp tục theo xu hướng này để đáp ứng yêu cầu thị trường cũng như tranh thủ sự hỗ trợ mạnh mẽ từ các nhà bán lẻ EU. Cùng với đó, tập trung cho xuất khẩu chính ngạch và tuân thủ theo các bước: nghiên cứu và chuẩn bị, xây dựng hệ thống quản lý chất lượng, nâng cao chất lượng sản phẩm, xây dựng mối quan hệ với nhà cung cấp, đảm bảo tuân thủ các quy định pháp luật, xây dựng thương hiệu, xuất khẩu chính ngạch.

Lưu ý riêng về thị trường Anh, ông Nguyễn Cảnh Cường cho biết: “Người tiêu dùng Anh đánh giá cao chất lượng, tính bền vững và giá trị khác biệt của sản phẩm. Họ sẵn sàng chi trả cao hơn cho các sản phẩm đáp ứng tiêu chuẩn chất lượng và thể hiện cam kết bảo vệ môi trường. Chẳng hạn, thiết kế bao bì sản phẩm phải thân thiện môi trường, sử dụng chất liệu tái chế, dễ phân hủy. Thông tin trên bao bì cần rõ ràng với tên sản phẩm, thành phần, hướng dẫn sử dụng, xuất xứ và màu sắc tinh tế, tông màu nhã nhặn, tránh màu đỏ và các màu sặc sỡ sẽ phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng Anh. Ðồng thời, khuyến nghị DN cần sử dụng marketing kỹ thuật số và trí tuệ nhân tạo (AI), tham gia hội chợ thương mại quốc tế; áp dụng tiêu chuẩn Anh để hàng hóa vào thị trường này thuận lợi”.

Ðể phòng tránh những rủi ro khi tham gia các giao dịch thương mại quốc tế, ông Nguyễn Thành Hưng, Chuyên gia tư vấn cao cấp của Chính phủ, Tổ trưởng Tổ giúp việc Ban chỉ đạo quốc gia về hội nhập quốc tế Văn phòng Chính phủ, lưu ý DN cần đầu tư nghiên cứu, dự báo thị trường, tìm hiểu kỹ thông tin của đối tác; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực liên quan đến pháp chế và hoạt động xuất nhập khẩu. Ðồng thời, thiết lập quy trình giao kết và thực hiện hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế; các điều khoản trong hợp đồng cần được quy định cụ thể, rõ ràng; sử dụng các hợp đồng mẫu của các tổ chức, cơ quan uy tín trên thế giới. Nếu thực hiện đồng bộ các giải pháp trên có thể  giúp các DN hạn chế được các rủi ro khi giao kết và thực hiện hợp đồng, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động của DN, nhận diện rủi ro và một số vấn đề pháp lý khi xuất khẩu hàng hóa và thanh toán quốc tế.

Bài, ảnh: MỸ THANH

 

Chia sẻ bài viết