05/07/2016 - 20:20

“Dòng sông không trôi” chở nặng tình người

"Cái đáng quý của người trẻ tuổi như Trạng là biết ghi nhớ cội nguồn, tìm về những xa xưa vang bóng, mà đôi khi lớp trẻ bây giờ không chú ý và cả chẳng quan tâm…"- nhà thơ Trần Hoàng Vy đã nhận xét về tập truyện ngắn "Dòng sông không trôi" (NXB Văn hóa- Văn nghệ, quý II-2016) của tác giả Lê Quang Trạng như thế. Dường như đó cũng là những cảm nhận "không dễ gì trôi" của độc giả khi thưởng thức những trang viết chở nặng tình người của anh.

19 truyện ngắn trong "Dòng sông không trôi" thật ngắn. Mỗi truyện chỉ vài ba trang sách, không cầu kỳ câu từ, văn phong hay bút pháp thể hiện. Nhưng trang viết của Lê Quang Trạng khiến người đọc không thể đọc thoáng qua mà cứ tò mò, suy xét rồi ngẫm nghĩ. Bối cảnh trong các truyện là vùng sông nước Mỹ Luông, Chợ Mới, An Giang- quê hương của Trạng; rồi anh đưa người đọc đến với Tràm Chim, Bảy Núi, Long Xuyên… để trải rộng tình đất, tình người trong từng mẩu chuyện.

      Ảnh: DUY KHÔI

Mỗi truyện ngắn trong "Dòng sông không trôi" là một mảnh ghép: tình yêu đôi lứa, những tấm lòng nặng tình xứ sở, những mảnh đời bất hạnh, những "chiếc lá rách" đùm bọc nhau giữa cuộc đời… để làm nên một bức họa đầy nhân văn. Mở đầu cho tập truyện "Dòng sông không trôi" là truyện ngắn cùng tên, câu chuyện về nhân vật anh Hai nặng lòng với mối tình thời trẻ. Người yêu anh đã đi lấy chồng về bên kia kinh xáng, đã không còn cùng anh đi học, đã vắng những lá thư… nhưng đến già anh vẫn chờ, vẫn đợi: "Ngoài kia dòng sông chở những khóm lục bình tim tím vẫn trôi... nhưng dòng sông chở tình yêu trong lòng anh Hai tôi làm sao trôi được..." (trang 10). Hay là anh Dìa trong truyện "Dìa" suốt đời cứ ám ảnh cái chết của em gái nhỏ đến nỗi tâm trí mơ màng, thường nhảy xuống sông mò tìm em. Dìa dọn đi biệt xứ để khỏi thấy cảnh cũ, "nhưng nơi đây, dòng kinh vẫn có khúc chảy ra sông lớn, vẫn có ai đó giống em nó" (trang 87).

Đọc truyện của Lê Quang Trạng cứ thấy nỗi buồn man mác trong từng dòng chữ cùng nỗi trăn trở của một người trẻ với lối sống ở đời. Một ông Từ đình làng ra đi trong nỗi khắc khoải về chiếc bia đình cổ xưa; những lão Chía, bà Tư… vì bạc tiền mà quên câu nhân nghĩa. Tác giả không lên án, anh cho những nhân vật của mình dung hòa, yêu thương nhau hết thảy, dù đôi lúc hơi muộn màng. Lúc anh kể với tư cách làm người ngoài cuộc, lúc lại để mình là người trong cuộc với nhân vật xưng tôi, bằng cái nhìn thâm trầm, bao dung. Dù vậy, "Dòng sông không trôi" của Lê Quang Trạng vẫn có sức hút đặc biệt với tò mò về những phận người trong từng truyện rồi sẽ ra sao. Tập truyện còn đặc biệt ở ngôn ngữ mộc mạc, dân dã nhưng khá trau chuốt, mang phong vị của người miền Tây.

"Dòng sông không trôi" là cuốn sách được NXB Văn hóa- Văn nghệ tuyển chọn vào Tủ sách 9X năm 2016. Đây là quả ngọt của tác giả sinh năm 1996 quê An Giang. Những năm gần đây, Lê Quang Trạng xuất hiện trong làng văn học trẻ ĐBSCL như một nhân tố mới bởi cách thể hiện sáng tạo, mới lạ và dành nhiều giải thưởng văn học. Dù còn đang là sinh viên nhưng sức viết của Lê Quang Trạng khá tốt, vẫn góp mặt thường xuyên trên các trang báo chuyên ngành. Người ta tìm ở thơ, văn Lê Quang Trạng chất mộc mạc "già trước tuổi" của chàng trai tuổi 20.

"Dòng sông không trôi" ghi dấu ấn tác giả trẻ Lê Quang Trạng trong làng văn. Nhưng nhiều người tin rằng, dòng viết của anh thì sẽ mãi trôi, hòa vào dòng chảy văn chương Việt.

ĐĂNG HUỲNH

Chia sẻ bài viết