12/04/2019 - 20:47

“Đòn bẩy” nâng tầm doanh nghiệp 

Khi hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới, vấn đề đặt ra cho doanh nghiệp (DN) nước ta không chỉ là nâng chất lượng sản phẩm, mẫu mã bắt mắt, giá thành cạnh tranh mà còn là trách nhiệm xã hội (CSR), đạo đức kinh doanh (RBC) của DN. Đó là cam kết của DN đóng góp cho sự phát triển bền vững thông qua việc cân bằng ba yếu tố: kinh tế, xã hội và môi trường.

Thực hành trách nhiệm xã hội trong hoạt động sản xuất kinh doanh sẽ giúp DN nâng cao lợi thế cạnh tranh so với các đối thủ. Trong ảnh: Quy trình sản xuất gạo tại Công ty Trung An, quận Thốt Nốt. Ảnh: MỸ THANH

Thực hành trách nhiệm xã hội trong hoạt động sản xuất kinh doanh sẽ giúp DN nâng cao lợi thế cạnh tranh so với các đối thủ. Trong ảnh: Quy trình sản xuất gạo tại Công ty Trung An, quận Thốt Nốt. Ảnh: MỸ THANH

Cần nhìn nhận đúng

Tại Hội thảo bàn tròn dành cho ngành chế biến thủy sản “Thực hành có trách nhiệm về lao động vì sự tăng trưởng bền vững của DN” vừa diễn ra tại TP Cần Thơ, nhiều chuyên gia cho rằng, thực hành CSR đồng nghĩa với việc DN muốn phát triển bền vững ngoài mục tiêu lợi nhuận còn phải tuân thủ các chuẩn mực về bảo vệ môi trường, phúc lợi cho người lao động, thực hiện bình đẳng giới, an toàn lao động, an sinh xã hội… Bà Shivani Kannabrihan, Cố vấn chính sách Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD), khẳng định: “Thực hành CSR hỗ trợ DN tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu nhờ vào việc đáp ứng các kỳ vọng của các khách hàng. Đây cũng là giải pháp tối ưu để DN bảo vệ giá trị hiện tại và tạo ra các giá trị mới; tăng năng suất và tạo khác biệt đối với các đối thủ cạnh tranh”.

Tuy nhiên, theo ông Lê Văn Bằng, Chuyên gia nghiên cứu, Trung tâm Nghiên cứu tài nguyên và Phát triển nông thôn, hiện nay nhận thức chưa đầy đủ về CSR của một bộ phận DN làm giảm tính tự nguyện thực hành CSR. Đơn cử như việc triển khai CSR bị nhìn nhận là quá trình phát sinh chi phí chứ không phải là khoản đầu tư, từ đó cản trở cơ hội tận dụng CSR để tăng giá trị sản phẩm và khả năng thâm nhập thị trường. Bà Lê Ngọc Diện, Phó Chủ tịch Hiệp hội Thủy sản TP Cần Thơ, chia sẻ: “Nhiều quốc gia trên thế giới có quá trình xây dựng nền sản xuất kinh doanh trong cơ chế kinh tế thị trường qua hàng trăm năm. Trong đó, cơ chế thị trường và hệ thống luật pháp đã được hoàn thiện ở mức cao, đạo đức kinh doanh đã trở thành chuẩn mực và truyền thống trong xã hội. Trong khi đó, nước ta bắt đầu xây dựng nền kinh tế thị trường từ năm 1986. Văn hóa kinh doanh, trong đó quan trọng nhất là đạo đức kinh doanh đến nay dư luận vẫn nhận định là đang bỏ ngõ. Vì vậy, vi phạm đạo đức kinh doanh đã trở thành vấn nạn nhức nhối trong xã hội hiện nay”.

Theo các chuyên gia đầu ngành, đối với lĩnh vực thủy sản, nhiều DN đã hình thành được mô hình liên kết chuỗi gắn với CSR như: Tập đoàn Minh Phú, Công ty Caseamex, Công ty Viet Nam Fish One, Công ty Ever Trust… Đồng thời, thực hiện tốt các trách nhiệm về lao động, đặc biệt là các vấn đề liên quan đến an toàn lao động, giải quyết khiếu nại, tổ chức bếp ăn, xe đưa rước công nhân… Song thực hành an toàn lao động tại các DN này vẫn chưa giải quyết được các vấn đề trọng tâm của mối nguy về bệnh nghề nghiệp; người lao động vẫn chưa hài lòng về chất lượng không khí, bếp ăn và không gian nghỉ trưa… Cho đến nay, các văn bản luật và hướng dẫn dưới luật về CSR/RBC ở Việt Nam chưa hình thành được hệ thống và còn đang điều chỉnh, sửa đổi. Chẳng hạn, thực hành CSR ở DN thủy sản thuộc phạm vi điều chính của ít nhất 8 bộ luật, hơn 10 Nghị định của Chính phủ và khoảng hơn 40 Thông tư của các cơ quan bộ và ngang bộ. Đó là chưa kể đến các văn bản của cơ quan quản lý cấp tỉnh, thành phố…

Nâng lợi thế cạnh tranh, tạo sự khác biệt

Bà Lê Ngọc Diện, Phó Chủ tịch Hiệp hội Thủy sản TP Cần Thơ, khẳng định: “Thực tế cho thấy, mức độ phát triển bền vững của DN phụ thuộc rất nhiều vào CSR/RBC và sự tăng trưởng về lợi nhuận thu được gắn liền với việc thực hành CSR/RBC. Bởi khi CSR/RBC được thực thi đầy đủ sẽ giúp DN gia tăng lợi thế cạnh tranh; bảo vệ và quảng bá danh tiếng, thương hiệu; thu hút nguồn vốn đầu tư… Trong bối cảnh hội nhập, DN Việt đang đứng trước những cơ hội cũng như những thách thức to lớn, đòi hỏi phải nâng cao năng lực cạnh tranh không chỉ bằng nguồn vốn, chiến lược kinh doanh, công nghệ, năng suất, chất lượng, mẫu mã mà còn bằng uy tín, thương hiệu và CSR/RBC”.

Ông Lê Văn Bằng, Chuyên gia nghiên cứu, Trung tâm Nghiên cứu tài nguyên và Phát triển nông thôn cho rằng, trong bối cảnh các Hiệp định Thương mại tự do đã và đang bắt đầu phát huy hiệu lực, CSR trở thành vấn đề cấp bách, là cơ hội tồn tại và phát triển của DN. Vì vậy, các bên có liên quan cần tổ chức các khóa đào tạo cho các cán bộ chuyên trách về trách nhiệm xã hội của DN (công đoàn, Hiệp hội DN, cơ sở giáo dục dạy nghề…). Đồng thời, hình thành chuỗi liên kết Hợp tác xã - DN chế biến - người mua hàng trong các dự án của các tổ chức phi Chính phủ đang triển khai tại các địa phương để thúc đẩy môi trường kinh doanh có trách nhiệm xã hội…

Theo bà Shivani Kannabrihan, Cố vấn chính sách OECD, trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế, DN Việt phải chịu nhiều áp lực từ các quy định về công khai hoạt động ứng xử có trách nhiệm trong kinh doanh; các vụ kiện về nhân quyền và môi trường; nhà đầu tư và cổ đông yêu cầu thực hiện và báo cáo về ứng xử có trách nhiệm trong kinh doanh… “Đó là lý do chúng tôi chọn Việt Nam là 1 trong 6 quốc gia để thực hiện Dự án “Chuỗi cung ứng có trách nhiệm tại châu Á”. Dự án nhằm thúc đẩy sự tăng trưởng thông minh, bền vững và toàn diện qua việc hỗ trợ cách tiếp cận và thực hành CSR/RBC được áp dụng trong các chuỗi cung ứng toàn cầu ở châu Á. Dự án cũng hướng đến việc tạo ra môi trường chính sách có lợi cho việc thúc đẩy hành vi có trách nhiệm; nâng cao năng lực thực hiện CSR/RBC dài hạn cho cộng đồng DN tại Việt Nam để cải thiện khả năng thâm nhập thị trường quốc tế…” - bà Shivani Kannabrihan nói.

MỸ THANH

Chia sẻ bài viết