15/02/2020 - 20:12

“Đi Tây”-câu chuyện của một người trẻ 

“Đi Tây” (NXB Dân Trí) là tự truyện của Doan (tên thật là Nguyễn Ngọc Linh) về quá trình du học tại Pháp và tìm ra định hướng nghệ thuật cùng những đam mê. Câu chuyện phản ánh cuộc sống và suy nghĩ của một bộ phận thanh niên còn loay hoay trước ngưỡng cửa cuộc đời, không biết mình nên học gì, làm gì và tương lai sẽ ra sao?

Tựa sách cùng những lời giới thiệu có phần tự trào của tác giả và những trang viết đầu tiên khiến người đọc nghĩ rằng đây là một tác phẩm châm biếm. Nhưng không, càng đọc càng thấy người viết rất nghiêm túc trong từng câu chữ. “Đi Tây” đơn giản chỉ là một tự truyện, một lời tâm sự của tác giả về hành trình đi tìm chính mình. Do đó, tác phẩm nặng về tính tự sự và không có kịch tính, cao trào. Bù lại, những lời chia sẻ chân thành, những suy nghĩ tích cực của người viết và những thông tin, kiến thức về hội họa của tác phẩm giúp người đọc hiểu hơn về mỹ thuật và những người theo đuổi con đường này.

Tác giả Nguyễn Ngọc Linh hiện là họa sĩ và giảng dạy Giải phẫu học nghệ thuật ở Hà Nội. Để có được kết quả đó, anh đã mất nhiều năm trả lời cho câu hỏi: mình muốn gì, ngành nghề nào là phù hợp? Thi rớt đại học, Linh đã làm đủ thứ việc để kiếm sống, từ làm thợ scan hình cho tiệm xăm, thợ vẽ tranh tường, chạy bàn quán ăn… Đi làm chán, anh lại muốn đi học. Thi đậu và theo học tại Trường Đại học Mỹ thuật chỉ được một thời gian, Linh lại bỏ ngang vì thấy ngành học không phù hợp, không hứng thú học tập. Loay hoay mãi, Linh quyết định đi Pháp du học về mỹ thuật. Nhưng khi sang trời Tây, mọi thứ không hề đơn giản như anh nghĩ. Sự khó khăn về kinh tế cùng người mẹ khó tính khiến anh càng thu mình trong thế giới đi học rồi về nhà. Cuộc sống nhàm chán đều đều trôi qua cho đến khi Linh phát hiện ra cuốn sách dạy về giải phẫu học trong một tiệm sách cũ. Từ đây, anh chuyển sang vẽ về giải phẫu học và đam mê nghiên cứu. Một lần nữa, Linh bỏ học, anh trở về Việt Nam và chọn cho mình một hướng đi riêng trong sự nghiệp…

Đọc sách, có thể thấy một Nguyễn Ngọc Linh hoang mang, vô định giữa dòng đời khi không có ước mơ, hoài bão, không tìm được niềm vui và ý nghĩa cuộc sống. Thậm chí việc anh đi du học ban đầu cũng chỉ để thỏa mãn cái tôi, muốn có tấm bằng đại học nước ngoài về “lấy le” với thiên hạ. Linh chỉ thoát ra cái vòng luẩn quẩn và sự nhàm chán khi tìm thấy niềm đam mê nghiên cứu và vẽ về giải phẫu học, một chuyên ngành rất khó, đòi hỏi sự kiên trì, nhẫn nại và ý chí cao. Linh đã khiến thầy cô, bạn bè và nhiều người thán phục những tác phẩm về giải phẫu học của mình, về khả năng vẽ bằng bút bi trực tiếp mà không cần phác thảo bằng bút chì, bằng những bài thuyết trình, thực hành đầy sáng tạo và ấn tượng, bằng buổi triển lãm tranh đầu tiên tại trường…

“Đi Tây” còn có những trang viết ấm áp tình người khi Linh kể về những người xa lạ ở Pháp đã giúp đỡ anh trong lúc khó khăn, những người tử tế hỗ trợ anh vì tình bạn, vì yêu thích hội họa và đánh giá cao nghị lực, ý chí của một sinh viên nước ngoài… Đặc biệt, suy nghĩ tích cực của tác giả về điều anh theo đuổi góp phần truyền cảm hứng cho những người xung quanh: “Điều quan trọng hiện tại là cần phải dồn hết sức lực, thời gian và đầu óc cho Giải phẫu học, thứ công cụ duy nhất mà tôi tin rằng sẽ giúp tôi vẽ đẹp. Tôi muốn thấy và đánh giá những tác phẩm không chỉ đẹp, mà trong cái đẹp đấy còn chứa đựng sức nặng của kiến thức, của sự tìm tòi, của những năm tháng dày công nghiên cứu”.

CÁT ĐẰNG

Chia sẻ bài viết
Từ khóa
Đi Tây