02/09/2017 - 14:29

“Đại dịch” thuốc lá hoành hành Indonesia 

Tại Indonesia ngày nay, người ta dễ dàng nhìn thấy nhiều trẻ nhỏ “phì phèo” thuốc lá. Song, điều đáng nói là những đứa trẻ này đều được các thành viên trong gia đình ủng hộ việc hút thuốc trong bối cảnh người dân địa phương tại Indonesia nghĩ rằng hút thuốc lá là biểu tượng của quá trình chuyển đổi từ thời thơ ấu sang tuổi trưởng thành.

Ardi Rizal, 8 tuổi, cậu bé Indonesia từng “nổi tiếng” khắp thế giới vì hút 40 điếu thuốc/ngày khi mới 2 tuổi. Ảnh: CNN 

30% trẻ em hút thuốc trước tuổi 10

Trước một ngôi nhà tại làng Butuh ở miền Trung Indonesia, một nhóm trẻ ngày nào cũng tập trung tại đây để “phì phèo” thuốc lá.

Muslihin, 13 tuổi, nói với phóng viên hãng thông tấn Thổ Nhĩ Kỳ Anadolu rằng cậu ta thường mua thuốc lá từ các quầy bán thuốc xung quanh nhà mình nhưng đôi khi, cha mẹ cậu mua thuốc cho cậu. Muslihin cho biết cậu không hút thuốc mỗi ngày, chỉ hút khi nào muốn hút.

Còn Lutfianto, 11 tuổi, nói rằng cậu đã hút thuốc từ khi lên 6 tuổi sau khi thấy cha và bạn bè cậu hút. “Em rất vui khi vừa hút vừa trò chuyện với bạn” - Lutfianto nói.

Muslihin và Lutfianto chỉ là 2 trong số hàng trăm đứa trẻ hút thuốc lá đang sống tại các ngôi làng thuộc quận Kaliangkrik, tỉnh Trung Java, nằm dưới chân núi Sumbing  - một khu vực trồng cây thuốc lá nổi tiếng.

Tại đây, không ai ngăn cản chúng hút thuốc lá, kể cả chính quyền địa phương. Lilik Setiawan, trưởng làng Butuh, cho biết trẻ em trong khu vực hầu hết bắt đầu hút thuốc khi chúng lên 10 tuổi, sau khi cắt bao quy đầu.

“Sau lễ cắt bao quy đầu, trẻ em nhận rất nhiều tiền từ dân làng để mua thuốc lá” – ông Setiawan cho biết.

Hiện số trẻ em hút thuốc tại Indonesia đang vượt tầm kiểm soát. Theo số liệu của Bộ Y tế Indonesia, trong năm 2010, 30% trẻ em Indonesia hút thuốc trước 10 tuổi.

Trong khi đó, năm 2013, có đến hơn 57% nam giới và hơn 42% thanh thiếu niên tuổi từ 13-15 ở Indonesia hút thuốc lá, cao hơn nhiều so với số người hút thuốc tại Mỹ, vốn lần lượt là 17% và 8,2%.

Hơn 217.000 người chết vì thuốc lá   mỗi năm

Một ước tính gần đây cho thấy, hơn 217.000 người chết vì các bệnh liên quan đến hút thuốc lá mỗi năm ở Indonesia, trong đó chủ yếu là bệnh tim và các bệnh về đường hô hấp như khí phế thũng, ung thư phổi.

Hiện Indonesia có tỷ lệ người hút thuốc lá ở nam giới cao nhất châu Á, với 76% số người hút. Và chi phí dành để điều trị các bệnh liên quan đến thuốc lá hàng năm chiếm khoảng 0,29% GDP của nước này.

Indonesia là một trong những nước không ký kết Công ước khung về Kiểm soát Thuốc lá của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) mà theo đó nhiều biện pháp đánh thuế được đưa ra nhằm giảm nhu cầu tiêu thụ thuốc lá.

Do đó, thuốc lá tại Indonesia có giá cực kỳ rẻ và các chương trình quảng cáo thuốc lá tại đây không hề bị cấm – “thủ phạm” chính gây ra tình trạng tiêu thụ thuốc lá ngày càng gia tăng tại Indonesia.

Dù có số người hút thuốc lá nhiều nhất thế giới nhưng các quy định về buôn bán thuốc lá của Indonesia rất lỏng lẻo, khiến nước này ngày càng trở thành điểm đến hấp dẫn đối với các nhà sản xuất thuốc lá đa quốc gia muốn mở rộng phạm vi hoạt động của mình trong bối cảnh họ phải chịu nhiều áp lực trước những quy định nghiêm ngặt về thuốc lá tại quê nhà.

Hồi đầu tháng 8, Tập đoàn Thuốc lá Nhật Bản thông báo đã mua tất cả cổ phần của hai chi nhánh thuộc hãng sản xuất thuốc lá đinh hương lớn nhất Indonesia PT Gudang Garam với giá 667 triệu USD. 

TRÍ VĂN 
​(Theo CNN, The Daily Star, Anadolu Agency)

Chia sẻ bài viết