Tình cờ xem một trò chơi trên truyền hình, nghe người chơi là mỹ nhân làng giải trí giới thiệu hàng loạt danh hiệu cô đã đạt mà “chóng mặt”. Nghĩ lại, dường như đó đều là những danh hiệu lần đầu mới nghe. Sự lạm phát danh hiệu người đẹp liệu có phải là chuyện đáng mừng khi “ra ngõ gặp… hoa hậu”?
Thi nhan sắc là cách mà nhiều người chọn để “đổi đời”.
Mới đây, người đẹp Hà Thu được chọn đại diện Việt Nam tranh tài tại cuộc thi Hoa hậu Trái Đất 2017. Cô nói rằng, cô thật vinh dự khi được đại diện cho quốc gia tham dự và khẳng định “đây không phải là cuộc thi ao làng”! “Ao làng” hay “biển cả” thì hãy để công chúng đánh giá, một thí sinh sao lại “rào trước đoán sau”, dễ tạo nghi ngờ cho công chúng. Năm ngoái, người đẹp Tiền Giang- Nguyễn Thị Lệ Nam Em đã vào tốp 8 cuộc thi này, song cũng không nổi bật là bao với khả năng ngoại ngữ hạn chế và sắc vóc không thể sánh lại người ta.
Hiện nay, ngồi đếm các cuộc thi nhan sắc cả trong nước lẫn quốc tế mà người đẹp Việt Nam tham gia thật như… đếm sao trên trời. Từ người đẹp trà, cà phê, dừa đến người đẹp địa phương, trung ương, ngành nghề, trường học… Có những danh hiệu nghe rất “kêu” như Nam vương, Hoa Vương, Nữ hoàng… nhưng thực chất có mấy người biết đến.
Gần đây, làng nhan sắc Việt lại nổi lên chuyện người mẫu ùn ùn đi thi hoa hậu, hoa khôi để tìm kiếm danh vọng. Nhìn vào danh sách thí sinh Hoa hậu Hoàn Vũ 2017 toàn những cái tên quen thuộc: Hoàng Thùy (huấn luyện viên The Face 2017), Mâu Thanh Thủy (quán quân Người mẫu Việt Nam 2013), Chế Nguyễn Quỳnh Châu (thí sinh Vietnam's Next Top Model 2014, top 5 Hoa khôi Áo dài 2016), Tiêu Ngọc Linh (á quân Vietnam's Next Top Model 2014), H'Hen Niê (top 9 Người mẫu Việt Nam năm 2015), Chúng Huyền Thanh (thí sinh The Face 2016)… Rõ ràng, khi sàn diễn người mẫu đã không còn dễ đi như trước, thì tìm kiếm một danh vị hoa hậu, hoa khôi là cách để các cô gái trụ lại làng giải trí.
Một điều bất cập là trong khi hầu hết các quốc gia trên thế giới, họ tổ chức cuộc thi Hoa hậu cấp quốc gia để tìm người đẹp nhất đại diện tham gia các cuộc thi danh giá như Hoa hậu Thế giới, Hoa hậu Hoàn Vũ, còn nước ta thì rất lạ... Rất ít Hoa hậu Việt Nam tham gia các cuộc thi trên mà phần lớn do các công ty tư nhân tuyển chọn. Chính điều này cho thấy sự lộn xộn, không thống nhất và cho thấy kẽ hở của Hoa hậu Việt Nam - cuộc thi được coi là danh giá nhất hiện nay.
Một hệ lụy của việc “lạm phát” danh hiệu là “làm hư” những người đẹp. Người đẹp nào đi thi nhan sắc đều có 3 lý do giống nhau: đam mê- vì màu cờ sắc áo- vì người hâm mộ. Nhưng khi họ đã được khoác một dải băng danh hiệu, đam mê cũng mất, người hâm mộ cũng hết, còn lại là “cần câu câu tiền”. Họ xuất hiện nhẵn mặt ở các sự kiện, đóng phim, chạy sô diễn, tạo scandal để tiếp tục nổi tiếng. Không ngoa khi nhiều người trong làng giải trí gọi một số hoa hậu làm nghề… dự event (sự kiện)! Và gần đây, những vụ hoa hậu, người mẫu bán dâm; chuyện cô Hoa hậu Việt Nam trác táng, hút sách… đã vẽ lên bức tranh nhan sắc Việt những đường nét đáng xóa.
Nhiều người có lý khi đề xuất rằng, nên coi các cuộc thi nhan sắc chỉ thuần giải trí thay vì sứ mệnh văn hóa như hiện nay. Điều này sẽ gỡ bỏ những hô hào quá lố của các người đẹp khi thi nhan sắc khiến khán giả phải hổ thẹn. Đồng thời, người đăng quang các cuộc thi cũng sẽ gỡ bỏ những gánh nặng về trách nhiệm, bổn phận của người đẹp- vốn như một chiếc áo quá rộng! Mà suy cho cùng, ngay cả những ràng buộc của Hoa hậu Việt Nam, thì có mấy cô thực hiện đúng và khi đã không đúng, liệu đã có ai bị rút danh hiệu để làm gương?
Tất cả chỉ là cuộc chơi thôi!
Bài, ảnh: ĐĂNG HUỲNH