27/09/2024 - 08:42

“Chắp cánh” ý tưởng khởi nghiệp 

Cuộc thi “Tìm kiếm ý tưởng, dự án khởi nghiệp thanh niên Cần Thơ” được Thành đoàn Cần Thơ khởi động vào trung tuần tháng 9-2024. Vòng sơ khảo thu hút 25 ý tưởng, dự án khởi nghiệp của tác giả/nhóm tác giả đến từ các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn thành phố. Với chủ đề “Mơ ước thành hiện thực”, cuộc thi không chỉ khuyến khích tinh thần sáng tạo khởi nghiệp của bạn trẻ, mà còn “chắp cánh” các ý tưởng, dự án khởi nghiệp thông qua việc kết nối, hỗ trợ phát triển sản phẩm, giúp người trẻ hiện thực hóa khát vọng làm giàu chính đáng.

Nhóm tác giả dự án “Cocovimilk” trình bày kế hoạch phát triển sản phẩm tại vòng sơ khảo cuộc thi “Tìm kiếm ý tưởng, dự án khởi nghiệp thanh niên Cần Thơ”.

Trong 25 ý tưởng, dự án khởi nghiệp tham gia vòng sơ khảo cuộc thi, có nhiều dự án thuộc các lĩnh vực công nghệ thông tin, tự động hóa, chế biến thực phẩm, nông nghiệp công nghệ cao và các thiết bị máy móc phục vụ đời sống người dân. Vũ Nhã Hân, sinh viên ngành Quản trị kinh doanh (Trường Đại học Cần Thơ), cùng các thành viên nhóm tham gia cuộc thi với dự án “Connect” - trang web kết nối các startup với các nhà đầu tư. Đây là nền tảng trực tuyến giúp quảng bá, kêu gọi hỗ trợ các dự án khởi nghiệp hoặc tiêu thụ các sản phẩm khởi nghiệp (thông qua danh mục bán hàng); đồng thời, liên kết tổ chức sự kiện, hội thảo, đào tạo, huấn luyện kỹ năng cho startup, góp phần hoàn thiện hệ sinh thái khởi nghiệp. Hân chia sẻ: “Đối với mỗi dự án khởi nghiệp, việc quảng bá hoặc kết nối đối tác, khách hàng trên nền tảng trực tuyến là xu thế tất yếu. Đó là lý do nhóm thiết kế trang web để đáp ứng nhu cầu và kết nối các startup cùng hình thành mạng lưới khởi nghiệp hỗ trợ, hợp tác phát triển. Lợi nhuận từ “Connect” tập trung chủ yếu phí quảng cáo, truyền thông, doanh thu bán hàng, hoa hồng đối với các dự án được kêu gọi hợp tác thành công”.

Theo Ban Giám khảo cuộc thi, cũng như nhóm của Hân, nhiều bạn trẻ có thế mạnh về công nghệ thông tin, vì vậy các ý tưởng, dự án khởi nghiệp trên cơ sở ứng dụng công nghệ số khá nhiều. Đây là tín hiệu tốt bởi thương mại điện tử, chuyển đổi số lĩnh vực kinh doanh ngày càng phát triển. Tiêu biểu như các ý tưởng, dự án: “Hệ thống quản lý nước thải nuôi lươn IoT”, “Thiết bị điều hòa dưỡng khí phòng lạnh”, “Hệ thống tưới nước và thắp sáng tự động cho vườn thanh long ứng dụng IoT”, “Gheday - Hệ thống đặt vé kết nối du lịch sông nước tại Cần Thơ”. Hay như các dự án khởi nghiệp liên quan đến lĩnh vực công nghệ chế biến hóa mỹ phẩm, thực phẩm: sữa dừa sáp “Cocovimilk”, “Dừa rim khóm”, son môi “Natural Lipstick”.

Vượt qua vòng sơ khảo cuộc thi, có 10 ý tưởng, dự án khởi nghiệp xuất sắc vào vòng bán kết (dự kiến diễn ra cuối tháng 9-2024). Tác giả/nhóm tác giả sẽ trình bày kế hoạch kinh doanh hoặc cách thức thực hiện ý tưởng kinh doanh, như kế hoạch quảng bá sản phẩm, tài chính và phương án nhân sự; các tác động đến cộng đồng xã hội khi dự án được triển khai; sự khác biệt, độc đáo, mới lạ của dự án.

Dự án “Cocovimilk” của nhóm sinh viên Trường Đại học Kỹ thuật - Công nghệ Cần Thơ được Ban Giám khảo đánh giá cao bởi tính khả thi và có thể kết nối đầu tư. Ngay tại vòng thi sơ khảo, các chuyên gia đã kết nối hỗ trợ ươm tạo phát triển bao gồm công nghệ chế biến quy mô lớn, mặt bằng trưng bày sản phẩm và các kỹ năng kinh doanh. Lâm Chí Tường, sinh viên ngành Quản trị kinh doanh, thành viên nhóm tác giả dự án “Cocovimilk”, chia sẻ rằng dừa sáp là đặc sản nổi tiếng của huyện Cầu Kè (tỉnh Trà Vinh) - quê hương của Tường. Vậy nên, cậu ấp ủ dự định nghiên cứu một sản phẩm từ dưỡng chất của dừa sáp, nhưng có thể bảo quản lâu, nâng cao hơn nữa giá trị của dừa sáp. Với sự hướng dẫn của thầy cô, từ tháng 11-2023, Tường bắt đầu nghiên cứu chế biến sữa dừa sáp và đặt tên là “Cocovimilk”. “Tuy sản phẩm chỉ mới thử nghiệm, nhưng em rất phấn khởi vì được vận dụng kiến thức để tạo ra một sản phẩm khởi nghiệp từ tài nguyên bản địa. Em hy vọng tiếp tục nhận được sự hỗ trợ của các đối tác để sản phẩm có thể kinh doanh trên thị trường”, Tường chia sẻ. 

Cuộc thi còn là cơ hội để người trẻ được các chuyên gia tư vấn chiến lược phát triển sản phẩm, định hướng xây dựng kế hoạch tài chính, tập huấn kỹ năng tiếp thị sản phẩm, được kết nối hỗ trợ khởi sự doanh nghiệp. Theo anh Trần Việt Tuấn, Phó Bí thư Thành đoàn Cần Thơ, đây là lần đầu tiên cuộc thi được tổ chức, đánh dấu bước ngoặt quan trọng trong việc hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp, từng bước hình thành lớp doanh nhân trẻ, đóng góp vào sự phát triển chung của thành phố. Cuộc thi nhằm khuyến khích thanh niên thể hiện sự sáng tạo và khát vọng khởi nghiệp; đồng thời tạo nền tảng vững chắc để các ý tưởng, dự án được hiện thực hóa thông qua việc kết nối các nhà đầu tư, doanh nghiệp. Các thí sinh/nhóm thí sinh còn được chuyên gia tập huấn, đào tạo về kỹ năng khởi nghiệp; tư vấn, định hướng để hoàn thiện ý tưởng, dự án khởi nghiệp; hướng dẫn và kết nối nhà đầu tư đối với các dự án khả thi...

Bài, ảnh: Q. THÁI

 

Chia sẻ bài viết