22/10/2009 - 08:53

“Cây gậy và củ cà rốt”

Chính quyền Mỹ vừa công bố chiến lược mới về Sudan, theo đó Nhà Trắng sẽ áp dụng cả những biện pháp “khích lệ và gây sức ép” nhằm thuyết phục Chính phủ Khartoum ngừng các vụ vi phạm nhân quyền ở Dafur, giải quyết tranh chấp với khu vực bán tự trị ở miền Nam Sudan và hợp tác đầy đủ hơn trong cuộc chiến chống khủng bố. Hãng tin Anh BBC ngày 20-10 nhận định Mỹ đang dùng chính sách “cây gậy và củ cà rốt” đối với Sudan.

Hàng triệu người dân Sudan trong cơn khốn khó vì cuộc xung đột ở Darfur. Ảnh: Change.org 

Theo chiến lược mới, Washington kêu gọi chính quyền của Tổng thống Omar al-Bashir dừng ngay “các hành động vi phạm nhân quyền” tại khu vực miền Tây Darfur. Song song đó, chính quyền Mỹ muốn thúc đẩy việc thực hiện Thỏa thuận Hòa bình toàn diện năm 2005 (CPA) giữa chính quyền Khartoum ở miền Bắc và lực lượng nổi dậy ở miền Nam Sudan, đảm bảo rằng nước này không trở thành căn cứ của các tổ chức khủng bố. CPA là thỏa thuận kết thúc cuộc nội chiến ở miền Nam và tiến hành cuộc tổng tuyển cử vào năm tới. Đây là sự thay đổi hoàn toàn lập trường cứng rắn của Tổng thống Mỹ Barack Obama. Trong chiến dịch tranh cử cuối năm ngoái, ông Obama cho rằng cần có chính sách nghiêm khắc hơn với Sudan.

Từ năm 1997, Mỹ đã áp đặt trừng phạt kinh tế Sudan, sau khi cáo buộc nước này là căn cứ của các phần tử khủng bố Al Qaeda. Một năm sau đó, Mỹ tiến hành ném bom một nhà máy hóa chất mà họ cho là địa điểm được dùng để chế tạo vũ khí hóa học ở Sudan. Sau vụ tấn công khủng bố ngày 11-9-2001 ở Mỹ, các cơ quan tình báo Sudan hợp tác với chính quyền Mỹ với hy vọng Washington sẽ đưa nước này khỏi danh sách các nước tài trợ khủng bố. Tuy nhiên, cuộc xung đột ở khu vực Darfur bắt đầu từ năm 2003 đã làm gia tăng căng thẳng giữa Khartoum với Washington. Mỹ lên án cuộc xung đột giữa các phần tử nổi dậy với lực lượng du kích do chính phủ Sudan bảo trợ ở Darfur, đặc biệt là từ cuối năm 2006, các tổ chức nổi dậy phân chia thành nhiều phe phái và chuyển sang hoạt động bạo lực cướp bóc.

Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton cho rằng chính sách mới của Mỹ là nhằm “chấm dứt xung đột và loại trừ tội ác chiến tranh ở Darfur”. Theo bà Clinton, Sudan bất ổn không chỉ hủy hoại tương lai của 40 triệu dân nước này, mà còn gây bất ổn cả khu vực. Có diện tích lớn nhất châu Phi, nhưng chính phủ điều hành yếu kém và cuộc nội chiến kéo dài 22 năm qua đã làm Sudan kiệt quệ, với 2,5 triệu người thiệt mạng và hàng triệu người đang sống nhờ vào viện trợ quốc tế. Hàng năm, Mỹ chi hơn 2 tỉ USD cho lực lượng gìn giữ hòa bình đa quốc gia và các tổ chức khác nhằm đem lại ổn định cho Sudan.

Các nhà phân tích cho rằng việc thông báo chính sách mới đối với Sudan cho thấy sự thống nhất trong chính quyền Tổng thống Barack Obama. Trước đó, Đại sứ Mỹ tại Liên Hiệp Quốc Susan Rice và Đặc phái viên của Tổng thống Mỹ tại Sudan, ông Scott Gration đã có những tranh cãi gay gắt về việc can dự của Mỹ đối với Chính phủ Sudan của Tổng thống Omar al-Bashir - người bị Tòa án Hình sự Quốc tế (ICC) cáo buộc phạm các tội ác chống lại loài người và các tội ác chiến tranh. Ông Gration đã tranh luận công khai về việc thực hiện một đường lối ít cứng rắn hơn với ông Bashir. Theo ông Gration thì ông Bashir có vai trò chính trong việc giải quyết tình hình ở Dafur cũng như ở miền Nam Sudan. Tuy nhiên, các quan chức nói rằng chính sách mới của Mỹ đối với Sudan sẽ không có sự nhượng bộ lớn nào đối với ông Bashir, khiến nhiều người hoài nghi về sự thành công của chính sách “cây gậy và củ cà rốt” mà Nhà Trắng đang định áp dụng đối với Sudan.

N. MINH (Theo FT, Reuters, AP và BBC)

Chia sẻ bài viết