14/07/2015 - 21:42

Hy Lạp trong cơn khủng hoảng nợ

“Canh bạc” cuối của Thủ tướng Tsipras

Chỉ vài giờ sau khi đạt được thỏa thuận ban đầu về gói cứu trợ trong cuộc đàm phán cam go với giới lãnh đạo châu Âu, Thủ tướng Hy Lạp Alexis Tsipras lại đối mặt với sức ép phản đối công khai từ các nghị sĩ cả trong lẫn ngoài đảng Syriza cầm quyền, buộc ông phải tính tới khả năng cải tổ nội các, thậm chí có thể kêu gọi tiến hành bầu cử trước thời hạn.

Theo thỏa thuận giữa Hy Lạp và 18 nước thành viên Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone), Athens sẽ từ bỏ lời hứa chấm dứt thắt lưng buộc bụng trước đây. Thay vào đó, Thủ tướng Tsipras được yêu cầu thúc giục Quốc hội Hy Lạp thông qua các đề xuất cải cách trước ngày 15-7 để đổi lấy gói cứu trợ tài chính ngăn Athens bị vỡ nợ trị giá 86 tỉ euro. Theo một số điều khoản cụ thể của nhóm chủ nợ quốc tế do Đức dẫn đầu, Chính phủ Hy Lạp phải thông qua điều luật cắt giảm trợ cấp, tăng thuế giá trị gia tăng, kiểm soát chặt chẽ các thỏa thuận lợi ích cộng đồng và hạn chế chi tiêu công. Tuy Athens bị buộc phải bán 50 tỉ euro tài sản công nhưng Thủ tướng Đức Angela Merkel cho biết khoảng 12,5 tỉ euro thu được sẽ tái đầu tư ở Hy Lạp.

Người dân Hy Lạp đốt cờ của đảng Syriza trước tòa nhà Quốc hội ở Thủ đô Athens trong cuộc biểu tình phản đối châu Âu ngày 13-7. Ảnh: AFP

 

Phát biểu sau cuộc họp kéo dài 17 tiếng tại Brussels (Bỉ) hôm 13-7, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Jean-Claude Juncker bác bỏ nhận định của Thủ tướng Malta Joseph Muscat cho rằng Hy Lạp đã bị làm "bẽ mặt" sau các điều kiện khắc khổ phải chấp nhận. Theo ông, không có người chiến thắng và cũng không có kẻ thua cuộc sau thỏa thuận này bởi đây chỉ là thương lượng đặc trưng của châu Âu. Nhận định về điều này, chuyên gia cao cấp Jacob Kirkegaard thuộc Viện Kinh tế Quốc tế Peterson (Mỹ) cũng cho rằng đây là hướng giải quyết tốt nhất mà Hy Lạp có thể nhận được. Tuy nhiên, Giáo sư Eswar Prasad tại Đại học Cornell cho rằng thỏa thuận này tuy kéo Athens trở về từ bờ vực phá sản nhưng sẽ còn rất lâu để đảm bảo kinh tế nước này có thể trụ vững dài hạn trong Eurozone.

Bỏ qua tính khả thi của thỏa thuận, giới quan sát nhận định khó khăn đối với Thủ tướng Hy Lạp mới chỉ bắt đầu khi ông Tsipras cần tranh thủ sự chấp thuận của Quốc hội nước này trước phiên họp dự kiến diễn ra trong ngày 15-7. Điều này phải dựa trên phiếu bầu của các đảng đối lập thân châu Âu trong bối cảnh nội bộ Chính phủ Hy Lạp đứng trước bất ổn khi nhiều nghị sĩ thuộc đảng cầm quyền Syriza đang "nổi loạn" sau những nhượng bộ mà ông Tsipras buộc phải chấp nhận. Trong một tuyên bố, lãnh đạo đảng cánh hữu Hy Lạp Độc lập đồng thời là Bộ trưởng Quốc phòng Panos Kammenos khẳng định sẽ không xé bỏ cam kết chống thắt lưng buộc bụng vốn giúp họ giành chiến thắng trong cuộc bầu cử hồi tháng Giêng. Ngoài ra, Chủ tịch Quốc hội Hy lạp Zoe Constantinopoulou cũng được xem là trở ngại lớn khi ông kiên quyết phản đối các đề xuất của châu Âu.

Tình hình này dấy lên câu hỏi lớn về tương lai của chính phủ do Thủ tướng Tsipras lãnh đạo. Nhiều nguồn phương Tây ngày 13-7 cho biết, ông Tsipras đã tính tới chuyện cải tổ nội các và cả phương án kêu gọi bầu cử sớm nếu Quốc hội Hy Lạp cự tuyệt thỏa thuận mà ông và lãnh đạo châu Âu đã đạt được. Bộ trưởng Bộ Lao động Hy Lạp Panos Skourletis trước đó cảnh báo các điều khoản không khả thi như vậy có thể dẫn đến việc tổ chức bầu cử sớm trong năm nay. Hiện tại, có khoảng 30 trong số 149 nhà lập pháp thuộc đảng Syriza có thể sẽ bỏ phiếu chống lại chính phủ. Nhiều cuộc gặp riêng cũng được tổ chức cuối hôm 13-7. Và nếu Quốc hội Hy Lạp thật sự không thông qua các đề xuất khiến thỏa thuận đổ bể, các ngân hàng nước này có nguy cơ vỡ nợ và Hy Lạp sẽ là quốc gia đầu tiên bị buộc phải rời khỏi Eurozone. Hiện tại, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) vẫn giữ mức tín dụng trong khuôn khổ chương trình hỗ trợ khẩn cấp để duy trì hoạt động hệ thống ngân hàng Hy Lạp trong tuần này.

MAI QUYÊN (Theo Reuters, AP)

Chia sẻ bài viết