11/08/2019 - 09:02

“Bến chờ”, có người đợi! 

Thầy giáo Miệt Thứ Nguyễn Chí Ngoan vừa ra mắt tập truyện ngắn “Bến chờ” (NXB Văn hóa Văn nghệ, quý II-2019). Một quyển sách nhỏ gọn, không dày, với 10 truyện ngắn không dài. Đằng sau những trang viết ấy, tác giả sinh năm 1991 cứ  như dẫn lối người đọc về với vùng U Minh xa lắc, nơi có “bến chờ” và có người ngóng đợi...

Anh Hai” là truyện mở đầu quyển sách, gợi mở cho người đọc như một thước phim thiếu nhi vui nhộn. Anh Hai thì quậy phá “trời thần đất lở”, khiến cậu em nhiều phen phải vạ lây. Từ chuyện thử cắt gió làm em bị thương rồi chọc phá ổ ong vò vẽ bị rượt chạy không kịp thở đến cả gan tự thiến heo một mình (để giấu tiền thuê thợ chia nhau)… Thằng em ghét cay ghét đắng thằng anh vì cái tật “khỉ khọt” vậy mà anh Hai về nội với ba ít ngày thì lại thấy nhớ, thấy thương.

Từ mạch cảm xúc ấy, Nguyễn Chí Ngoan vẽ nên chân dung một vùng quê miền Tây rất thật và rất đời. Cốt truyện của mỗi truyện ngắn không quá cầu kỳ, không quá trúc trắc nhưng đủ để người đọc thấy thương, thấy giận và như đọc được cả những nỗi đau. Nỗi đau của Nhiên khi Út Đua - chồng cô không nguôi đau đáu với tình cũ, nguội lạnh với trái tim nồng ấm mà cô dành trọn trong “Sáo ơi về đâu”; là cô Hừng có phước mà không biết hưởng, cờ bạc, ngoại tình để người phải tù tội, người mất mạng, kẻ điên loạn trong “Ngày buồn quá thể”...

Sách “Bến chờ”. 

Nguyễn Chí Ngoan nhắn tin cho tôi rằng, trong 10 truyện này, em thích nhất có lẽ là “Người buông bỏ chưa”. Quả vậy, đọc truyện mới thấy sự gia công và tâm tư của Ngoan trong từng chi tiết. Thằng Út cứ ấm ức chuyện mẹ nó bị ông ngoại ruồng bỏ. Mẹ nó thì hiểu rõ hơn ai hết, bà chỉ là cái gai trong mắt cha mình khi ông ngậm đắm nuốt cay nghĩ rằng “kẻ ăn ốc người đổ vỏ”. Người ta đồn cha ruột của bà là ông già Ba Tàu bán thuốc kê đơn hoàn tán. Ngày ông ngoại thằng Út mất, mẹ thằng Út lặng lẽ tiễn ông về đất, nhặt nhạnh những ký ức. Khi hạ huyệt ông ngoại, thằng Út từ thành phố mang tờ xét nghiệm di truyền về. Chẳng ai muốn đọc, mà đọc cũng chẳng để làm gì. Từ lâu mẹ thằng Út đã xác tín rằng: “Má chỉ có một mình ông ngoại là ba. Chẳng còn một ai khác nữa”, và “Ăn cơm của người một ngày thôi đã là nợ, huống hồ má ăn cơm của ngoại suốt thời con gái”.

10 truyện ngắn, đọc truyện nào của Nguyễn Chí Ngoan sao cũng thấy những con người nhân hậu, bao dung. Cái gì cũng sẽ qua đi, con sông nào cũng lao xao sóng vỗ; ngọn bần, bụi trúc cũng trút lá theo tháng năm; chỉ có tình người ở lại, càng lâu càng thấm. Là người của miệt đồng nhưng tôi hoàn toàn bất ngờ với sự từng trải và chi li của chàng trai sinh năm 1991 này. Văn của Chí Ngoan khiến người ta thương ngay từ những tên xóm, tên làng: xóm Mù Cưa, xóm Ruốc, xóm Mù U... đến tên nhân vật: Út Đua, Lài, Nhiên, Trứ, Hừng, Nương... Nghe sao xa xôi, dân dã mà gợi bao hoài niệm. Nhưng thích thú nhất là những chi tiết tưởng chừng như không thuộc về thế hệ 9X nhưng lại được Nguyễn Chí Ngoan kể lại rất hay. Điển hình như chuyện người mẹ lấy dầu lửa, bồ hóng và lá ổi đâm nát để cầm máu cho con heo vừa bị hai anh em thiến - đó là một “bí quyết dân gian” dường như đã thất truyền; rồi chuyện về ông thầy sơn đông mãi võ bán kê đơn hoàn tán ở bến sông; thậm chí tới chuyện dỗ một đứa trẻ mới sinh khóc quấy về đêm... Chàng thầy giáo cầm bút dường như nghiên cứu rất kỹ, tìm tòi rất kỹ. Và tôi tin, vùng quê Miệt Thứ còn lưu giữ những điều rất hay và “hồi xưa” như thế để Chí Ngoan góp nhặt thành văn.

Đọc “Bến chờ” mới hay, dù bất cứ hoàn cảnh ngang trái nào, vẫn sẽ luôn có người đợi mình ở phía xa xa. Tình người, đi hoài sẽ gặp.

Bài, ảnh: Đăng Huỳnh

Chia sẻ bài viết
Từ khóa
Bến chờ