03/04/2021 - 10:31

“Bà Hai từ thiện” và lối xóm nghĩa tình 

Nằm sâu trong một con rạch của ấp Mỹ Hưng 1, xã Mỹ Hòa, thị xã Bình Minh, tỉnh Vĩnh Long, có căn nhà nhỏ nổi bật với tấm bảng “Bà Hai từ thiện”. Ở đó, có câu chuyện về đôi vợ chồng già nhân ái và những người hàng xóm nghĩa tình góp sức làm việc thiện nguyện.

Các cô chuẩn bị nguyên liệu cho bữa nấu ăn thiện nguyện.

Các cô chuẩn bị nguyên liệu cho bữa nấu ăn thiện nguyện.

“Bà Hai từ thiện” tên thật Nguyễn Thị Nuôi (66 tuổi), còn ông Hai là Nguyễn Văn Hai (70 tuổi). Sáng thứ sáu hằng tuần, nhà bà Hai lại rôm rả, đông vui. Rau củ được một nhà hảo tâm gom góp từ các tấm lòng thiện nguyện ở Cần Thơ chở qua nhà bà Hai. Các cô thì phân loại rau dưa, chuẩn bị nồi chảo; các chú thì chuẩn bị củi lửa, phụ giúp theo yêu cầu của các cô. Sáng thứ bảy, các cô chú tụ họp lại để sơ chế thức ăn, chuẩn bị sẵn sàng để hơn 2 giờ sáng chủ nhật, bếp lò nhà “Bà Hai từ thiện” lại đỏ lửa, mọi người xúm xít cho những suất ăn nghĩa tình.

Đó là công việc quen thuộc mỗi cuối tuần của bà con trong xóm nhỏ ở ấp Mỹ Hưng 1. Bếp ăn yêu thương mỗi tuần đều nấu từ 400-500 phần, khi thì cơm, khi thì cháo thập cẩm hay bánh lọt... Món ăn chay được nấu thơm lừng, màu sắc bắt mắt, ăn rất ngon. Bà Hai cho biết: Ngày Rằm tháng 4 âm lịch tới là bếp ăn từ thiện tròn 2 năm hoạt động. Trước đó, trong lúc lối xóm trò chuyện, ông bà Hai cùng các cô chú trong xóm muốn làm một việc gì đó để làm phước, giúp ích cho xã hội và ý tưởng bếp ăn từ thiện được mọi người ủng hộ, bắt tay làm ngay. “Thức ăn nấu hằng tuần chúng tôi tặng cho bà con trong xóm, trong xã và một phần tặng bà con ở Cần Thơ. Không phải chỉ người nghèo mới được nhận, bất kỳ ai muốn ăn đều có thể nhận, bao nhiêu phần tùy nhu cầu. Chúng tôi nghĩ, mình san sẻ yêu thương cho nhau để cuộc đời này thêm đẹp vậy thôi”, bà Hai chia sẻ.

Nhóm nấu ăn có 12 người và theo lời bà Hai là “ai cũng chính chứ không có ai phụ”, mỗi người một việc để bữa ăn hoàn thành đúng giờ. Tất cả cô chú trong nhóm đều đã lớn tuổi và họ tìm thấy niềm vui trong việc thiện nguyện này. Như cô Võ Thị Đó là bếp chính, đã 68 tuổi những hầu như không vắng mặt bữa nấu ăn nào. Cô kể, cứ sáng thứ bảy là lại nhà bà Hai sớm, rồi sáng chủ nhật thì 1-2 giờ đã thức để kịp chung tay với mọi người. Hay như cô Lê Thị Bảy Nhỏ, bán hủ tiếu, bánh mì chay hằng ngày trước nhà bà Hai. Từ ngày bà Hai mở bếp ăn từ thiện, cô Bảy Nhỏ đã nghỉ bán ngày chủ nhật để phụ giúp và nhường chỗ bán để phát thức ăn thiện nguyện. Cô Bảy Nhỏ cười: “Có gì đâu, mình chịu thiệt có chút xíu mà làm được việc thiện thì nên làm lắm”.

Một mô hình khác cũng “cùng tuổi” với bếp ăn từ thiện ngay tại nhà ông bà Hai là tủ quần áo từ thiện. Ông bà Hai nhận quần áo cũ từ các nhà hảo tâm ở địa phương, Cần Thơ gửi tặng và phát lại cho người có nhu cầu. Ai cần đến lựa, lấy bao nhiêu tùy ý, tất cả đều đã được nhóm thiện nguyện giặt giũ kỹ lưỡng. Bà Hai kể: “Có nhiều người lựa được mấy bộ đồ tốt cho con, hay là cái áo vừa ý cho mình, họ vui lắm. Bà con vui thì mình cũng vui”.

Sẽ là thiếu sót nếu không nhắc đến ông Hai, người giữ lửa nhân ái cho bếp ăn thiện nguyện này và cũng là ông chủ vườn thuốc nam thiện nguyện. Trong 20 năm qua, tính cả đất nhà lẫn đất mượn hàng xóm là gần 3 công đất, ông Hai dành trồng thuốc nam, chăm sóc kỹ lưỡng để tặng các phòng khám thuốc nam thiện nguyện. Trước đó nữa thì ông bà cũng có gần 5 năm săn tìm thuốc nam làm phước cứu người. Ngặt nỗi cách đây 8 tháng, ông Hai bị tai biến, dù qua cơn nguy kịch nhưng di chứng khiến ông đi lại khó khăn, cử động tay cũng không được như trước. Ông Hai tâm sự rằng, già yếu, bệnh tật là quy luật đời người nên ông điềm nhiên đón nhận. Ông chỉ buồn khi thấy vườn thuốc nam không ai chăm sóc, rồi chuyện thiện nguyện của bà Hai ông cũng không tiếp giúp được nhiều. Một nỗi niềm đầy tình thương của ông lão tuổi “thất thập”!

Buổi trò chuyện cùng ông bà Hai và những người lối xóm ở Mỹ Hưng 1 mang đến cho chúng tôi cảm giác thật an yên. Bà con chân chất, thật thà và nhân hậu, chọn cách sống cho đi để làm đẹp cuộc đời.

Bài, ảnh: DUY KHÔI

Chia sẻ bài viết