18/01/2024 - 09:13

Ðoàn đại biểu Quốc hội TP Cần Thơ đề nghị:

Ðẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án cao tốc Châu Ðốc - Cần Thơ - Sóc Trăng 

Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) TP Cần Thơ vừa giám sát tình hình triển khai thực hiện dự án cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, giai đoạn 1, dự án thành phần 2 đoạn đi qua địa bàn TP Cần Thơ. Qua giám sát cho thấy, chủ đầu tư dự án đoạn qua địa bàn thành phố đã hoàn thành việc lập báo cáo nghiên cứu khả thi, công tác lập thiết kế kỹ thuật, dự toán dự án và triển khai bồi thường thiệt hại cho người dân bị ảnh hưởng đạt 99,19%... Tuy nhiên, hiện nay dự án đang thiếu nguồn cát san lấp, chưa triển khai thực hiện di dời đường điện cao thế, chưa hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng…

Ðoàn ÐBQH thành phố khảo sát thực địa dự án cao tốc Châu Ðốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, đoạn đi qua địa bàn huyện Cờ Ðỏ.

Dự án cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, đoạn đi qua địa bàn thành phố dài 37,4km, có tổng mức đầu tư 9.725 tỉ đồng. Dự án do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng TP Cần Thơ làm chủ đầu tư. Thời gian thực hiện từ năm 2022 đến năm 2027. Qua 2 năm triển khai thực hiện, công tác giải phóng mặt bằng dự án đạt 99,19%. Ông Lê Minh Cường, Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng TP Cần Thơ, cho biết: “Dự án cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, đoạn đi qua địa bàn thành phố, cần khoảng 7 triệu mét khối cát san lấp. Hiện nay, nguồn cát san lấp đang chờ UBND tỉnh An Giang cấp phép để khai thác với trữ lượng khoảng 2,2 triệu mét khối. Như vậy, dự án vẫn đang thiếu gần 5 triệu mét khối cát, đây là khó khăn lớn nhất mà dự án gặp phải trong quá trình thi công”.

Để giải quyết khó khăn về nguồn cát, UBND thành phố đã có văn bản gửi UBND tỉnh Tiền Giang, Vĩnh Long đề nghị hỗ trợ. Nhiều đại biểu trong đoàn giám sát lo ngại dự án sẽ chậm tiến độ so với kế hoạch đề ra. Ông Đào Chí Nghĩa, Phó trưởng Đoàn ĐBQH thành phố, cho biết: “Nhiều dự án cao tốc đang triển khai thực hiện, nguồn cát san lấp đang thiếu hụt là điều không thể tránh khỏi. Tôi đề nghị chủ đầu tư phải chủ động hơn nữa trong việc tìm kiếm nguồn cát san lấp; đồng thời, nghiên cứu, đề xuất những vật liệu khác thay thế cát san lấp để tiến hành thi công, đảm bảo tiến độ dự án và phát huy hiệu quả công trình mang lại”.

Ngoài khó khăn về nguồn cát san lấp, đoàn giám sát ghi nhận về công tác giải phóng mặt bằng, còn khoảng 28 hộ dân chưa thống nhất giá bồi thường. Ông Trần Xuân Phương, Phó Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Thạnh, cho biết:  “Dự án đi qua địa bàn huyện dài 9,2km, có 283 hộ dân bị ảnh hưởng. Địa phương đã phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ các hộ dân. Tuy nhiên, còn 26 hộ dân chưa đồng thuận với phương án bồi thường về nhà, đất. Huyện đang tổng hợp ý kiến, kiến nghị của người dân và sẽ bàn giải pháp giải quyết cụ thể trong thời gian sớm nhất để bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư và đơn vị thi công”.

Còn tại huyện Thới Lai, ông Huỳnh Thanh Phường, Phó Chủ tịch UBND huyện Thới Lai, cho biết dự án cao tốc đi qua huyện với chiều dài 13,8km. Công tác giải phóng mặt bằng của địa phương cơ bản hoàn thành, các hộ dân bị ảnh hưởng của dự án cơ bản đồng tình, ủng hộ thực hiện dự án. Tuy nhiên, vẫn còn 2 hộ dân chưa đồng thuận với phương án đền bù liên quan đến giá đất và vật kiến trúc. Thời gian tới, địa phương sẽ tiếp tục tuyên truyền, vận động người dân bàn giao mặt bằng sớm nhất cho đơn vị thi công.

Qua làm việc với chủ đầu tư dự án, ông Nguyễn Văn Dũng, Trưởng Ban Đô thị của HĐND thành phố, đề nghị Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng TP Cần Thơ tăng cường công tác phối hợp, kiểm tra, giám sát đơn vị thi công nhằm hạn chế tình trạng công trình sau khi đưa vào sử dụng bị xuống cấp, hư hỏng. Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng TP Cần Thơ lưu ý yêu cầu đơn vị thi công cam kết khi sử dụng các phương tiện xà lan hoặc xe tải lưu thông vận chuyển, phục vụ dự án trên đường thủy, đường bộ, nếu xảy ra hư hỏng, phải khắc phục hoàn trả lại hiện trạng ban đầu, đảm bảo quyền và lợi ích của người dân...

Ông Nguyễn Văn Thuận, Trưởng Đoàn ĐBQH thành phố, Giám đốc Công an thành phố, Trưởng đoàn giám sát, cho biết: “Dự án cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, đoạn qua địa bàn thành phố được Ban Thường vụ Quốc hội và Chính phủ quan tâm vì sau khi hoàn thành sẽ kết nối các trung tâm kinh tế, cửa khẩu và cảng biển, đáp ứng nhu cầu vận chuyển hàng hóa, tạo động lực, không gian phát triển cho vùng ĐBSCL. Do đó, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng TP Cần Thơ cần tăng cường phối hợp đẩy mạnh công tác tuyên truyền để người dân trong dự án thống nhất phương án bồi thường thiệt hại, sớm bàn giao mặt bằng cho đơn vị thi công; đồng thời, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát các đơn vị thi công nhằm đảm bảo tiến độ và chất lượng công trình”

Bài, ảnh: THANH THƯ

 

Chia sẻ bài viết