25/03/2019 - 12:31

“Ðất lề quê thói” 

Sau gần mười tập phim được công chiếu, phim “Gia đình là số 1” phần 2 - phiên bản Việt hóa (do Điền Quân M&E sản xuất, phát trên kênh HTV7 lúc 19 giờ 55 phút từ thứ hai đến thứ năm hằng tuần) tạo được nhiều tiếng cười cho khán giả.

Tuy nhiên, chừng ấy tập phim phát sóng đã bị nhiều bậc phụ huynh phản ứng về nhân vật Thám Hoa và con gái Lam Chi. Thám Hoa là cô giáo, con gái của ông Tú Tài - giám đốc một công ty thực phẩm. Là cô giáo và đã làm mẹ, nhưng Thám Hoa có cách hành xử và nói năng vô cùng đáng xấu hổ. Những đoạn cô vặt mắc, kiêu ngạo và “nói trên đầu” cha mình khiến người xem phải tức giận. Đành rằng có tình huống cô không bằng lòng cho cha mình có người yêu, nhưng cách thể hiện như vậy là hỗn hào, nhất là với một giáo viên. Thật bất nhẫn với cảnh Thám Hoa triệu tập mọi người trong nhà và hạch hỏi ba mình như một phạm nhân để cho thấy ông có người yêu!

Không vừa lòng, Lam Chi lại giãy nảy, lăn ra sàn nhà mà la làng. Ảnh chụp màn hình

Với cô bé Lam Chi, con gái Thám Hoa, đó là một nhân vật rất không nên cho trẻ em xem, nhất là trong giờ chiếu sum họp gia đình như vậy. Thái độ vô lễ, hỗn hào, “coi trời bằng vung” của cô bé mới 7-8 tuổi làm cho người xem phản cảm. Ai đời một đứa trẻ mà nói chuyện xấc xược, “trên đầu trên cổ” cha mình; trong khi người cha e dè, đôi khi sợ sệt. Kể cả với ông ngoại và mẹ, Lam Chi cũng muốn mọi người phải phục tùng. Việc Lam Chi luôn nói bé là “mẹ thiên hạ”, “không biết sống sao cho vừa lòng mọi người” không tạo được tiếng cười mà chỉ thấy đó là một đứa trẻ vô giáo dục. Hay khi hai chị em Tâm Ý, Tâm Anh vào gia đình Lam Chi giúp việc, bé kiêu ngạo, thẳng thừng chê người khác hôi thúi, ngắt nhéo, thậm chí tát vào mặt người khác một cách vô cớ… “Nổi da gà” nhất là những câu Lam Chi thốt ra như “Ba bỏ con ra, để con đi giết nó!”. 

Hàng xóm nhà tôi có hai bác lớn tuổi ở quê lên chơi với cháu nội tuổi gần bằng bé Lam Chi trong phim. Bác gái cứ than rằng: “Cháu nó thích xem phim nên tối nào cũng không bỏ lỡ. Nhưng tôi với ông nhà phải ngồi kế bên “thuyết minh” suốt: Nói chuyện như bạn vậy là hỗn nghe con, Đừng làm giống bạn như vậy là xấu”.

Đành rằng đây là phim Việt hóa, phải theo nguyên bản bên xứ Hàn Quốc. Tuy nhiên, không phải phim mua bản quyền nước ngoài là xa rời văn hóa, thuần phong mỹ tục Việt Nam. Có muốn thể hiện tính cách nhân vật: ngang bướng, bất cần… thì cũng trong chừng mực chứ không thể “bứt dây thả tuốt” như vậy. Ngay chính Nhật Trung, đạo diễn của phim, khi trả lời báo chí cũng bày tỏ sự lo lắng về nhân vật Lam Chi. “Tôi ngại làm vì nhân vật Heri ở bản gốc là cô bé rất hỗn, không phù hợp với người xem Việt. Nếu làm không khéo, vừa hại phim vừa ảnh hưởng đến diễn viên nhí”, đạo diễn Nhật Trung nói. Và đúng là ông đã không thể phá dớp lo âu của chính mình. Phải chi kịch bản lột tả nhân vật Lam Chi có nét bướng bỉnh song đáng yêu của một đứa trẻ thì hay biết mấy.

Ông bà ta nói: “Đất lề quê thói”, “Nhập gia tùy tục”, đã là phim Việt và chiếu trên đài truyền hình Việt, phục vụ người Việt thì cần gần gũi và phù hợp với văn hóa, truyền thống bản địa.

ÐĂNG HUỲNH

Chia sẻ bài viết