Trong những ngày cả nước đang chuẩn bị hướng về Giỗ Tổ Hùng Vương (mùng 10 tháng 3 Âm lịch), câu chuyện về Hoàng tử Lang Liêu với sự tích bánh chưng, bánh dày thường được nhắc lại, với niềm tự hào về nền văn hóa ngàn năm và lan tỏa nét đẹp về đạo hiếu cùng lối sống trách nhiệm của người xưa. Qua đó, góp phần lan truyền tinh thần Lang Liêu trong xã hội hiện đại…
Hội thi gói bánh chưng ở Phú Thọ.
Bánh chưng bánh dày.
Thuở còn thơ, mỗi tối khi ngọn đèn dầu được thắp lên dưới mái nhà tranh, chúng tôi thường được nghe người lớn đọc truyện thơ nôm, kể chuyện cổ tích ngày xửa ngày xưa, trong đó có chuyện bánh chưng bánh dày. Lớn lên đi học, chúng tôi tiếp tục được đọc và nghe thầy cô giáo giảng giải sâu hơn về tấm lòng hiếu nghĩa của Hoàng tử Lang Liêu. Cũng vì vậy mà sau này mỗi lần về đất Tổ dâng hương tưởng nhớ các Vua Hùng, bao giờ trong tâm tưởng tôi cũng nhớ về Lang Liêu- Hùng Chiêu Vương.
Truyền thuyết và Ngọc phả Hùng Vương cho biết, Hoàng tử Lang Liêu là con thứ của Vua Hùng thứ sáu- Hùng Huy Vương, sống tại làng Dữu Lâu của kinh đô Phong Châu xưa, nay là phường Dữu Lâu, thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ. Hoàng tử Lang Liêu thông minh, hiếu thuận, siêng năng làm lụng ruộng nương, sống gần gũi hòa đồng với nhân dân.
Khi tuổi đã cao, nhân dịp lễ mừng thọ của mình, Vua Hùng Huy Vương muốn chọn người kế vị ngôi báu nên lệnh cho tất cả hoàng tử, mỗi người dâng lên một mâm cỗ để làm lễ vật tuyển chọn. Các hoàng tử đua nhau lên rừng xuống biển tìm kiếm những sản vật ngon lạ quý hiếm. Hoàng tử Lang Liêu thì lại suy nghĩ về lễ vật bằng tấm lòng của một người con có hiếu với cha. Vị Hoàng tử chọn gạo nếp thơm, đậu xanh, thịt lợn và lá dong - tất cả do tự mình nuôi trồng, đem gói làm bánh. Bánh chưng hình vuông, bánh dày hình tròn tượng trưng cho “Trời tròn đất vuông” theo quan niệm của con người thời bấy giờ và triết lý “Âm dương ngũ hành”.
Mặc dù không cao lương mỹ vị như mâm cỗ lễ vật của các vị hoàng tử khác, nhưng bánh của Hoàng tử Lang Liêu lại được vua cha chọn vì “Bánh thì ngon, ý thì hay, tâm đức thì trong sáng”. Trên hết là tấm lòng hiếu thảo của người con đối với bậc sinh thành và sự gắn bó, nâng niu sản vật gần gũi từ lao động lương thiện của chính mình. Đức hiếu sinh cùng sự tích bánh chưng, bánh dày của Lang Liêu từ ấy được truyền tụng từ đời này sang đời khác, trở thành một nét văn hóa truyền thống sinh động trong đời sống tinh thần lẫn vật chất của người Việt. Tục gói bánh chưng ngày Tết được trao truyền và các hội thi gói, nấu bánh chưng, giã bánh dày được tổ chức vào dịp Giỗ Tổ ở đền Hùng đã lan toả, trở thành sinh hoạt có ý nghĩa.
Hoàng tử Lang Liêu sau khi được vua cha Hùng Huy Vương truyền ngôi, trở thành vị Vua Hùng thứ bảy, đế hiệu Hùng Chiêu Vương. Đức độ và anh minh, chăm lo chính sự, lấy nhân nghĩa làm gốc trị vì thiên hạ nên nhà vua được trăm họ hết lòng thần phục, yêu quý. Vua Hùng Chiêu Vương cũng thường lên đỉnh núi Nghĩa Lĩnh cúng tế trời đất, dâng hương tổ tiên, cầu xin mưa thuận gió hoà cho mùa màng tươi tốt, nhân dân ấm no, đất nước thịnh vượng. Nhà vua còn cùng vợ là bà Lăng Thị Tiêu lãnh đạo, chỉ huy quân dân Văn Lang đánh thắng đội quân xâm lược nhà Ân từ phương Bắc, giữ yên bờ cõi.
***
Sau khi Vua Hùng Chiêu Vương băng hà, nhân dân làng Dữu Lâu mà ông gắn bó đã dựng miếu thờ ghi nhớ công đức, gọi là “Dữu Lâu Vũ Miếu”. Ban đầu miếu làm hoang sơ, tường đất, mái lá cọ, cho tới những năm 1800, thời nhà Nguyễn, mới xây miếu lại bề thế hơn gồm 3 gian, tường gạch, mái ngói âm dương, bên trong có tầng gác gỗ đặt ban thờ, long ngai, bài vị và các đồ tế khí…
Mới đây, về thăm đất Tổ, chúng tôi dự định tìm đến làng Dữu Lâu xưa dâng hương ở ngôi miếu tưởng nhớ Hoàng tử Lang Liêu, nhưng một bạn văn người Việt Trì cho biết ngôi miếu này không còn. Bài vị của Hoàng tử Lang Liêu được nhân dân rước về thờ chung với Tản Viên Sơn Thánh và Cao Sơn Quý Minh tại đình làng Dữu Lâu.
Cùng với đất nước, kinh đô Phong Châu xưa đã có nhiều đổi mới trong mấy mươi năm qua. Người dân đất Tổ luôn mong muốn chính quyền khôi phục lại ngôi miếu Lang Liêu- Hùng Chiêu Vương trên vị trí cũ ở Dữu Lâu để có nơi thờ tự một vị vua có công với nước, một hoàng tử sống gần dân, một người con hiếu thảo, một tấm gương sáng cho hậu thế. Đó có lẽ cũng là nguyện vọng của nhân dân cả nước hướng về cội nguồn và giáo dục con cái về đạo nghĩa của Lang Liêu.
Anh bạn nhà văn cho biết, cuối năm 2018, tại thành phố Việt Trì đã diễn ra “Hội thảo: Cơ sở khoa học và thực tiễn để khôi phục đền thờ Lang Liêu- Hùng Chiêu Vương” do Liên hiệp các Hội Khoa học kỹ thuật Việt Nam phối hợp với tỉnh Phú Thọ tổ chức. Hội thảo khẳng định sự cần thiết khôi phục đền thờ Lang Liêu tại làng Dữu Lâu xưa, đáp ứng lòng mong mỏi của nhân dân, bảo tồn phát huy những giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể, khai thác giá trị đời sống tâm linh phục vụ phát triển kinh tế du lịch. Chắc chắn đền thờ Lang Liêu sẽ là một trong những điểm đến thu hút của đất Tổ trong hệ thống các di tích gắn với tín ngưỡng thời đại Hùng Vương.
Đó là một tin vui. Những nhân vật có công với nước và gần gũi với đời sống tinh thần người Việt cần được quan tâm tôn thờ, để lan tỏa những giá trị văn hóa, nếp sống, tinh thần yêu lao động có từ ngàn đời của ông cha ta. Đền thờ Lang Liêu không chỉ là điểm văn hóa tâm linh mà cần trở thành điểm sinh hoạt cộng đồng, nhằm tôn vinh tinh thần đạo nghĩa và ý thức trách nhiệm công dân, giữ gìn hiếu đạo của thế hệ trẻ thông qua một hình tượng nhân văn độc đáo trong cội nguồn dân tộc.
Phan Hoàng