02/04/2023 - 09:30

Ðằng sau cuộc chia tách của Alibaba 

Sau khi Tập đoàn thương mại điện tử Alibaba bất ngờ công bố kế hoạch chia tách thành 6 công ty con, các chuyên gia nhận định động thái này không chỉ giúp ích cho hoạt động kinh doanh của Alibaba, mà còn có khả năng tạo tiền đề cho các cuộc chia tách từ những hãng công nghệ lớn khác tại Trung Quốc.

Tỉ phú Jack Ma.

Cụ thể, trong lá thư gửi đến toàn thể nhân viên hôm 28-3, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành của Alibaba - Daniel Zhang cho biết tập đoàn này sẽ thúc đẩy kế hoạch tái cấu trúc mang tên “1+6+N”. Theo đó, 6 bộ phận chia tách từ công ty chủ quản Alibaba - bao gồm Aliyun, Taobao TMall, Local Services Group, Cainiao Smart Logistics, Global Digital Commerce Group và Digital Media and Entertainment Group - sẽ độc lập trong việc điều hành hoạt động kinh doanh và niêm yết cổ phiếu của họ. “Sự thay đổi này chắc chắn là lớn, quyết liệt và chưa từng có trong lịch sử 24 năm của Alibaba” - ông Zhang nói trong thư.

Chỉ 1 ngày sau kế hoạch chia tách được thông báo, cổ phiếu niêm yết tại Hong Kong của Alibaba đã tăng 14,6%, trong khi cổ phiếu của các gã khổng lồ thương mại điện tử khác cũng tăng theo, với việc cổ phiếu của Meituan tăng 4% và Tencent tăng 1,53%. Quan trọng hơn, các nhà phân tích nhận định sự kiện tái cấu trúc tại Alibaba cho thấy một “con đường mới” nhằm xoa dịu mối quan ngại của giới chức Trung Quốc về hành vi lạm dụng độc quyền giữa những gã khổng lồ công nghệ trong nước. Ðộng thái này cũng có thể trở thành khuôn mẫu để các doanh nghiệp công nghệ tại Trung Quốc vượt qua những biện pháp giám sát gắt gao từ các cơ quan quản lý.

Trước đó, cuộc trấn áp nhằm vào giới công nghệ Trung Quốc được cho là bắt đầu từ tháng 11-2020, khi kế hoạch chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) trị giá 3 tỉ USD của Tập đoàn công nghệ tài chính Ant Group - công ty liên kết của Alibaba - bị buộc phải hủy bỏ. Kể từ đó, chính quyền Bắc Kinh đã tăng cường các quy định kiểm soát đối với các hãng công nghệ.

Kế hoạch tái cấu trúc Alibaba được thông báo sau khi xuất hiện tin tức về việc nhà sáng lập của gã khổng lồ thương mại điện tử Trung Quốc này, tỉ phú Jack Ma, đã về nước sau hơn 1 năm  sống tại Nhật. Quyết định hồi hương của ông Ma được cho là có sự thuyết phục từ tân Thủ tướng Lý Cường, người trước đó nhiều lần thể hiện sự ủng hộ đối với chính sách mở cửa của đất nước và hoan nghênh đầu tư nước ngoài.

Thủ tướng Lý Cường được đánh giá là người có tư duy thực tế và cởi mở với giới doanh nghiệp. Như hồi năm 2018, khi là Bí thư thành ủy Thượng Hải, ông Lý Cường đã vận động tỉ phú Mỹ Elon Musk (người sáng lập Hãng xe điện Tesla và  hãng hàng không vũ trụ Space) xây dựng một nhà máy sản xuất xe hơi điện tại thành phố này. Ðây cũng là cơ sở sản xuất ở nước ngoài đầu tiên của tỉ phú Musk. Thỏa thuận này sau đó mang lại tiếng vang lớn cho Trung Quốc ở châu Á. Trong thời gian làm lãnh đạo tỉnh Chiết Giang vào những năm 2010, ông Lý Cường còn được biết là có mối quan hệ thân thiết với ông Ma.

Vì những lý do nói trên, giới phân tích cho rằng việc ông Lý Cường lên nắm quyền điều hành chính phủ sẽ là điềm báo tốt cho sự trở lại nổi bật của lĩnh vực công nghệ cao trong nền kinh tế Trung Quốc.

Chia sẻ bài viết