Cùng với thông báo bình thường hóa quan hệ ngoại giao Cuba - Mỹ của Tổng thống Barack Obama và Chủ tịch Raul Castro, chính quyền hai nước hôm 17-12 đã đồng loạt trả tự do cho các tù nhân gián điệp. Giới phân tích nhận định sự trao đổi này là bước đột phá giúp phá băng quan hệ căng thẳng dai dẳng suốt hàng thập niên qua giữa Havana và Washington.
Cụ thể, Havana phóng thích một người Cuba làm việc cho tình báo Mỹ tên là Rolando "Roly" Sarraff Trujillo, được Tổng thống Obama mô tả là một trong những điệp viên quan trọng nhất của Washington tại "hòn đảo tự do". Văn phòng Tình báo Quốc gia Mỹ cho hay Trujillo đã giúp phanh phui hàng loạt chiến dịch do thám tồn tại rất lâu của Havana trên lãnh thổ Mỹ và đã bị giam cầm cách đây gần 20 năm. Ngoài ra, Cuba cũng trả tự do cho Alan Gross, người mà Mỹ gọi là "nhân viên hỗ trợ nhân đạo" nhưng bị Cuba bắt giam năm 2009 với cáo buộc cung cấp thiết bị thu thập thông tin bất hợp pháp.

Chủ tịch Raul Castro (thứ ba từ phải sang) đón tiếp "5 anh hùng" Cuba sum họp hôm 17-12. Ảnh: Reuters
Trong khi đó, phía Mỹ trao trả 3 điệp viên còn lại trong nhóm "5 người Cuba" theo cách gọi của Washington, bị kết án tù năm 2001 (hai người kia đã được phóng thích hồi đầu năm nay). Gerardo Hernandez, thủ lĩnh đường dây điệp báo này, là người bị mức án nặng nề nhất với 2 án tù chung thân cộng 15 năm tù giam. Hernandez bị buộc tội "đồng lõa giết người" vì báo tin giúp không quân Cuba bắn hạ 2 máy bay loại nhỏ của một tổ chức lưu vong gốc Cuba đến Havana rải truyền đơn chống chính quyền Fidel Castro năm 1996. Nhà tình báo 49 tuổi này nói rằng sứ mạng của nhóm là tìm ra những kẻ lưu vong tại bang Florida chủ mưu hàng loạt vụ khủng bố gây tang thương cho nhân dân Cuba. Bọn này được cho đã tổ chức đánh bom chuyến bay Cuba số hiệu 455 trên bầu trời biển Caribe năm 1976 làm 73 người thiệt mạng, trong đó có đội đấu kiếm trẻ quốc gia Cuba.
Tại Cuba, những điệp viên ngụy trang xâm nhập các nhóm lưu vong và căn cứ quân sự Mỹ được gọi là "5 anh hùng". Hernandez tâm sự với một nhà báo Mỹ: "Cuba không có máy bay không người lái để tiêu diệt khủng bố ở nước ngoài nên phải gởi người đi thu thập thông tin để bảo vệ nhân dân trước những kẻ khủng bố. Tôi nghĩ người dân Mỹ cũng có chung tình cảm muốn bảo vệ đất nước mến yêu của mình khi đưa người xâm nhập vào các nhóm al-Qaeda để ngăn chặn khủng bố. Và nước Mỹ cần hiểu rằng Cuba đã bắt đầu cuộc chiến chống khủng bố cách đây 50 năm".
KIẾN HÒA