19/02/2018 - 22:12

Phát triển đa mục tiêu Tứ giác Long Xuyên 

Ba “trụ cột” chính trong Đề án Liên kết phát triển bền vững tiểu vùng Tứ giác Long Xuyên (TGLX)-An Giang, Kiên Giang, Hậu Giang và TP Cần Thơ là phát triển bền vững kinh tế, xã hội và môi trường. An Giang được phân công “chủ xị” soạn đề án liên kết, mặc dù còn trong giai đoạn hoàn thiện sau góp ý của các bộ, ngành Trung ương và địa phương, nhưng đã xác định được 7 liên kết trọng tâm để hướng đến không gian liên kết rộng hơn.

Nhận diện thách thức

TGLX và vùng Đồng Tháp Mười là hai “túi nước” khổng lồ của ĐBSCL, có khả năng hấp thu, tạm trữ một khối lượng nước khổng lồ để điều hòa dòng chảy, giảm ngập lụt cho vùng giữa trong mùa lũ và bổ sung dòng chảy nước ngọt vào mùa khô, cân bằng mặn-ngọt cho vùng ven biển. Với những đặc thù này, 2 tiểu vùng có lợi thế cực lớn để phát triển nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản nước ngọt. Đây cũng là hai trụ cột chính của kinh tế đồng bằng.

Đầu tư kết cấu hạ tầng nông nghiệp được tỉnh An Giang quan tâm thực hiện. Trong ảnh: Đồng ruộng được xây dựng đê bao bảo vệ, ứng dụng kỹ thuật sản xuất hiện tại tỉnh An Giang.

Đầu tư kết cấu hạ tầng nông nghiệp được tỉnh An Giang quan tâm thực hiện. Trong ảnh: Đồng ruộng được xây dựng đê bao bảo vệ, ứng dụng kỹ thuật sản xuất hiện tại tỉnh An Giang.

TGLX có tổng diện tích hơn 500.000ha, dân số khoảng 1,6 triệu người. Thời điểm đầu những năm 1980, sản lượng lúa toàn vùng chỉ khoảng 600.000 tấn/năm. Để khai thác tiềm năng TGLX, Chính phủ và các địa phương đã triển khai nhiều chương trình lớn. Trong cuộc khai hoang, vỡ đất ấy, hàng loạt kênh đào để rửa phèn, thoát lũ ra biển Tây kết hợp xây cống ngăn mặn; di dân - cấp đất, hỗ trợ tài chính phát triển sản xuất… đã tạo nên sức sống mới cho vùng TGLX. Sản lượng lương thực của tiểu vùng đóng góp cho vùng ĐBSCL từng tăng đều qua từng năm. Hiện TGLX đã trở thành vùng trọng điểm sản xuất lúa gạo lớn nhất khu vực ĐBSCL, với tổng sản lượng đạt khoảng 5 triệu tấn/năm.

Tiềm năng là vậy, song ở “Hội nghị Diên Hồng” - Hội nghị về phát triển bền vững vùng ĐBSCL thích ứng biến đổi khí hậu, do Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì tại Cần Thơ vào tháng 9-2017, Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Vương Bình Thạnh đã nêu 3 thách thức mà tiểu vùng TGLX và cả đồng bằng đang hứng chịu. “Biến đổi khí hậu và nước biển dâng; sự phát triển nội tại vùng còn bất cập; các đập thủy điện và công trình ngăn dòng chảy chính ở các quốc gia thượng nguồn là 3 thách thức lớn cần giải quyết. Các đập thủy điện và các công trình ngăn dòng đã gây ra hiện tượng “nước đói phù sa”, đất đai không được bồi đắp và bổ sung dinh dưỡng gây bạc màu, ảnh hưởng đến nông nghiệp, an ninh lương thực bị đe dọa”- ông Thạnh dẫn chứng.

PGS.TS Lê Anh Tuấn, Phó Viện trưởng, Viện Nghiên cứu BĐKH- Trường Đại học Cần Thơ, cho rằng: “Các địa phương đầu nguồn sông Cửu Long nhiều năm nay đầu tư xây dựng đê bao khép kín để sản xuất lúa vụ 3. Việc xây dựng hệ thống đê bao này đã làm ngập lụt gia tăng ở các địa phương hạ nguồn. Nhất là vào thời gian nước đổ kết hợp với triều cường, nước biển dâng làm cho vùng hạ nguồn bị ngập càng sâu. Do đó, cần có giải pháp liên kết vùng TGLX để hạn chế tình trạng trên”. Tác động của biến đổi khí hậu đã đuổi tận cửa trên từng tiểu vùng của ĐBSCL, các địa phương đều nhận biết được điều đó, song một kịch bản ứng phó mang tầm địa phương sẽ không thể giải quyết vấn đề lớn của biến đổi khí hậu. Bởi tác động này không có ranh giới và sự tổn thương cũng không giới hạn. Do vậy, 4 địa phương đã ngồi lại để bàn kế hoạch liên kết trong tiểu vùng, thảo luận sôi nổi vào tháng 10-2017 tại Cần Thơ. Có lãnh đạo một địa phương đề xuất: “Không cần xây đề án một cách toàn diện, có thể vừa làm vừa rút kinh nghiệm. Vấn đề là phải giải quyết những thách thức trước mắt để tiến đến mục tiêu lớn hơn”.

Bắt tay phát triển

Các chuyên gia đã chỉ rõ rằng, cũng như các tiểu vùng khác ở ĐBSCL, Tiểu vùng TGLX lâu nay thiếu liên kết, mỗi tỉnh theo đuổi mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội riêng. Điều này đã dẫn đến nhiều chồng chéo, mâu thuẫn, không phát huy được sức mạnh chung. Ví dụ như sản phẩm trùng lắp, cạnh tranh không cần thiết; cơ sở hạ tầng thiếu kết nối, gây khó khăn trong vận chuyển nông sản, hàng hóa; việc bố trí không gian phát triển cũng chưa hài hòa với lợi thế giữa các địa phương. Hệ thống cung ứng dịch vụ logistics cho ngành nông nghiệp còn rời rạc. Hệ thống đường thủy, đường bộ chưa thông suốt trong từng tỉnh và toàn vùng, làm gia tăng thời gian vận chuyển nông sản đến thị trường, làm tăng tỷ lệ tổn thất và chi phí vận chuyển.

Ngoài ra, việc thiếu liên kết và hợp tác trong chuỗi giá trị ngành hàng nông nghiệp đã làm thị trường và giá cả nông sản luôn bấp bênh, thiếu ổn định, mất cân đối cung - cầu. Mức độ tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu của sản phẩm nông nghiệp, nhất là gạo, cá tra, rau màu và một số sản phẩm trồng trọt, chăn nuôi khác của vùng còn hạn chế. Đầu ra chủ yếu là bán sản phẩm thô, khả năng cạnh tranh của nông sản kém và chưa có thương hiệu... Ông Đào Anh Dũng, Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ, cho rằng: “Những thách thức mà vùng TGLX đang phải hứng chịu, việc liên kết trong tiểu vùng TGLX trở nên hết sức cấp bách, vừa nhằm phát huy những cơ hội và thế mạnh chung, đồng thời cũng nhằm khắc phục những điểm yếu và thách thức trên”.

Theo đó, Đề án Liên kết phát triển bền vững tiểu vùng TGLX nhằm thực hiện Quyết định số 593/QĐ-TTg ngày 26-4-2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Quy chế thí điểm liên kết phát triển kinh tế - xã hội vùng ĐBSCL giai đoạn 2016-2020. Thạc sĩ Nguyễn Hữu Thiện, chuyên gia độc lập về sinh thái ĐBSCL, cố vấn chuyên môn của ban điều hành Đề án Liên kết phát triển bền vững tiểu vùng TGLX, lâu nay bốn tỉnh trong tiểu vùng đều theo đuổi mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội riêng lẻ đã tạo ra nhiều chồng chéo và mâu thuẫn, không phát huy được sức mạnh chung.

Lãnh đạo 3 tỉnh An Giang, Kiên Giang, Hậu Giang và TP Cần Thơ đã thống nhất 7 lĩnh vực liên kết phát triển bền vững tiểu vùng TGLX. Đề án này có thể được Tổ chức Bảo tồn thiên nhiên quốc tế (International Union For Conservation Of Nature - IUCN) tài trợ nguồn vốn lên tới 150 triệu đô-la Mỹ. Ông Lâm Quang Thi, Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang, Phó Ban Thường trực Đề án Liên kết phát triển bền vững tiểu vùng TGLX, nói: “Đề án đã tranh thủ ý kiến đóng góp của các bộ, ngành Trung ương và 4 địa phương. Chúng tôi hoàn chỉnh và đã gửi đề án đến Bộ Kế hoạch và Đầu tư để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trong thời gian sớm nhất. Sau đó tiến hành xây dựng đề án chi tiết”.

Với lợi thế trung tâm vùng ĐBSCL và là “thành viên” của TGLX, TP Cần Thơ đang chuẩn bị nguồn lực để hỗ trợ cho vùng. “Cần Thơ còn là trung tâm về công nghiệp, tài chính, thương mại cho toàn vùng và nhiều doanh nghiệp chế biến lớn. Đặc biệt, Đại học Cần Thơ là một đại học lớn của khu vực và cả nước, đóng góp quan trọng về nhân lực cho vùng. Khi liên kết TGLX, TP Cần Thơ phát huy sức mạnh tổng hợp đó để tham gia các chương trình của Đề án”-ông Đào Anh Dũng nói.

Tiểu vùng TGLX rồi sẽ kết dính với nhau về môi trường - kinh tế - xã hội. Mục tiêu cuối cùng của Đề án là nhằm xây dựng tiểu vùng TGLX phồn thịnh, nâng cao chất lượng sống của người dân. Việc liên kết này vừa bổ sung những khiếm khuyết do điều kiện tự nhiên đặc thù, vừa gia tăng hiệu quả kinh tế theo quy mô, đảm bảo sự quản lý thống nhất toàn vùng. Đồng thời phát triển đa mục tiêu TGLX để vùng trở thành nơi đáng sống.

7 lĩnh vực mà tiểu vùng TGLX liên kết để phát triển tới năm 2030 là: quy hoạch, kế hoạch; sản xuất và xúc tiến thương mại nông nghiệp, thủy sản; du lịch; quản lý nguồn nước, bảo vệ môi trường thích ứng với biến đổi khí hậu; thu hút đầu tư; thiết lập hệ thống thông tin vùng; và xây dựng thể chế chính sách.

HÀ VĂN

Chia sẻ bài viết