19/02/2018 - 21:41

Những cung đường kết nối 

Ba Tiểu vùng ĐBSCL: Tứ giác Long Xuyên, Đồng Tháp Mười, Duyên hải phía Đông đã có những cái “bắt tay” cùng liên kết phát triển. Liên kết, hạ tầng phải đi trước một bước- mấu chốt quyết định cho sự thành công. Hiện cầu Vàm Cống, cầu Cao Lãnh bắc qua sông Hậu, sông Tiền đã hợp long, những cung đường thiên lý trên bộ- các tuyến quốc lộ đã và đang nâng cấp, mở rộng, đầu tư mới. Một đồng bằng trù phú rồi sẽ bay cao, sánh vai cùng các vùng miền cả nước và vươn ra các châu lục. 

Kết nối đồng bằng

Hạ tầng giao thông cả thủy lẫn bộ, hàng không, cảng biển được đầu tư phát triển đồng bộ, giao thương hàng hóa giữa vùng ĐBSCL với các vùng miền và ra quốc tế cũng dễ dàng, thuận lợi hơn. Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải (GTVT) Nguyễn Nhật khẳng định: ĐBSCL là trung tâm sản xuất nông nghiệp lớn nhất cả nước. Trong những năm qua, Trung ương đã ưu tiên nguồn lực đầu tư hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông cho vùng, nhiều công trình giao thông trọng yếu đã hoàn thành, nhất là các cầu lớn như: Cần Thơ, Hàm Luông, Rạch Miễu, Cổ Chiên, Năm Căn, Đầm Cùng, Mỹ Lợi…; các cảng hàng không quốc tế Cần Thơ, Phú Quốc góp phần thu hẹp khoảng cách giữa vùng với các nước trên thế giới. 4 phương thức vận tải chủ yếu ở đồng bằng: đường bộ, đường biển, đường thủy nội địa và hàng không đang đảm nhận vai trò tích cực cho sự phát triển chung của vùng.

Cầu Hàm Luông đang phát huy hiệu quả, phục vụ các tỉnh Duyên hải phía Đông phát triển mạnh mẽ.

Cầu Hàm Luông đang phát huy hiệu quả, phục vụ các tỉnh Duyên hải phía Đông phát triển mạnh mẽ.

Nhìn về tầm quan trọng của cầu Vàm Cống và Cao Lãnh trong vai trò kết nối các tiểu vùng của ĐBSCL, Giám đốc Sở GTVT tỉnh Đồng Tháp Trần Trí Quang nói: “Dự án Kết nối khu vực trung tâm đồng bằng Mekong, gồm cầu Vàm Cống, cầu Cao Lãnh và tuyến nối N2 có ý nghĩa đặc biệt với ĐBSCL. Việc hoàn chỉnh dự án kết nối này sẽ đưa các địa phương trong vùng kết nối với nhau và kết nối với TP Hồ Chí Minh, các tỉnh miền Đông Nam bộ- khu vực phát triển năng động nhất của cả nước”. Sứ mệnh lịch sử của phà Vàm Cống, phà Cao Lãnh sẽ chấm dứt khi cầu thông xe, dù còn hoài niệm nhưng dân đồng bằng ai cũng trông chờ sự kiện này.

Chị Huỳnh Mai Nhi, phụ trách điều hành Công ty TNHH Vận tải Văn Lang tại bến xe Thốt Nốt- TP Cần Thơ, dự tính: “Hiện nhà xe xuất bến khoảng 25-26 chuyến xe/ngày, tuyến Thốt Nốt-TP Hồ Chí Minh theo hướng quốc lộ 91 qua trung tâm Cần Thơ. Nếu cầu Vàm Cống thông tuyến, xe khách Văn Lang sẽ có một số chuyến đi theo hướng cầu này đến TP Hồ Chí Minh, không qua Cần Thơ nữa. Khoảng cách sẽ rút ngắn gần 40 km và tiết kiệm thời gian vận chuyển hành khách và hàng hóa gần 1 giờ đồng hồ”. Doanh nghiệp dự tính mở rộng kinh doanh, những hộ kinh doanh dọc hai bờ sông Hậu, sông Tiền cũng trông chờ để mở điểm buôn bán nhỏ. Khí thế giao thương đang “nóng” từng ngày.

Theo dự kiến của Bộ GTVT, Dự án kết nối khu vực trung tâm đồng bằng Mekong sẽ thông tuyến những tháng đầu năm 2018. Khởi công vào năm 2013, tổng mức đầu tư 19.445 tỉ đồng, sử dụng vốn viện trợ không hoàn lại của Chính phủ Úc, vốn vay ưu đãi của Chính phủ Hàn Quốc, vốn vay ưu đãi của ADB và vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam, dự án được kỳ vọng tạo sức bật mới cho phát triển kinh tế-xã hội giữa các tiểu vùng ĐBSCL. “Dự án này sẽ hình thành thêm tuyến đường mới; đồng thời sẽ kết nối với tuyến Lộ Tẻ-Rạch Sỏi và kết nối với tuyến đường hành lang ven biển phía Nam. Khu vực phía Bắc Cần Thơ như: quận thốt Nốt, huyện Vĩnh Thạnh… sẽ phát triển nhanh khi thông dự án. Thời gian đi lại được rút ngắn giữa các tỉnh Kiên Giang, An Giang, khu vực phía Bắc TP Cần Thơ với TP Hồ Chí Minh và cả nước”- Phó Giám đốc Sở GTVT TP Cần Thơ Lê Tiến Dũng, cho biết.

Cùng đó, hàng loạt dự án đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông quan trọng, cấp bách tại vùng ĐBSCL đang đẩy nhanh tiến độ, như: tuyến cao tốc Trung Lương-Mỹ Thuận, tuyến Lộ Tẻ-Rạch Sỏi, đường Hồ Chí Minh (đoạn Năm Căn- Đất Mũi). Dự án nâng cấp quốc lộ 61B (đoạn từ Ngã Ba Vĩnh Tường đến Long Mỹ), cải tạo nâng cấp quốc lộ 63 đoạn qua tỉnh Cà Mau; xây dựng cầu Long Bình, mở rộng mặt đường quốc lộ 54 đoạn qua tỉnh Đồng Tháp. Dự án giai đoạn 2 - đầu tư nâng cấp, mở rộng và xây dựng 4 đoạn tuyến- quốc lộ 60 nối cầu Rạch Miễu đến cầu Cổ Chiên thuộc Dự án đầu tư xây dựng cầu Rạch Miễu - quốc lộ 60 (tỉnh Tiền Giang và Bến Tre)... Một đồng bằng rồi sẽ khác khi những cung đường thiên lý kết nối vùng hoàn thành.

Mong chờ ngày mới

Ở Bến Tre, thế ốc đảo đã được xóa từ khi cầu Rạch Miễu, Hàm Luông và Cổ Chiên thông xe, nhiều nhà đầu tư tìm đến tỉnh ngày càng nhiều, một số khu công nghiệp đã lấp đầy, tạo thêm việc làm cho hàng chục ngàn lao động địa phương, tăng xuất khẩu, đóng góp ngân sách cho tỉnh. “Đầu năm 2017, Bộ GTVT khởi công, tiếp tục đầu tư xây dựng 4 đoạn tuyến trên quốc lộ 60, dự kiến đến năm 2019 hoàn thành để kết nối Trà Vinh, Bến Tre với Tiền Giang, TP Hồ Chí Minh. Tỉnh Bến Tre kiến nghị đầu tư xây dựng cầu Rạch Miễu 2, Trung ương đang tìm nguồn vốn cho dự án này. Phía Đông ĐBSCL cần những dự án này để góp phần chia lửa cho tuyến quốc lộ 1A, rút ngắn khoảng cách với trung tâm kinh tế lớn nhất nước- TP Hồ Chí Minh”- Giám đốc Sở GTVT tỉnh Bến Tre Lê Văn Hoàng cho biết.

Giám đốc Sở GTVT tỉnh Đồng Tháp Trần Trí Quang cho biết, các tuyến quốc lộ 54, 80 qua địa bàn tỉnh đã nâng cấp hoàn chỉnh, đáp ứng nhu cầu đi lại và giao thương hàng hóa. Tuy nhiên, tỉnh kiến nghị Bộ GTVT xem xét đầu tư tuyến giao thông An Hữu - Cao Lãnh để tạo lực đẩy giao thương giữa Đồng Tháp với ĐBSCL và kết nối TP Hồ Chí Minh và các tỉnh miền Đông Nam bộ... TP Cần Thơ cũng kiến nghị Bộ GTVT quan tâm đầu tư nâng cấp một số đoạn trên tuyến quốc lộ 91 và đường Nam sông Hậu (đoạn nút giao IC3 đến Cảng Cái Cui)… để giải tỏa áp lực giao thông nội đô, tạo lực đẩy cho các đô thị vệ tinh phát triển.

***

Các địa phương vùng ĐBSCL đang rất kỳ vọng hạ tầng giao thông vùng sẽ được đầu tư hoàn chỉnh để kết nối vùng với những vùng miền xa, với thế giới. Trong đó, tuyến cao tốc Trung Lương- Mỹ Thuận; các cầu lớn trên sông Tiền, sông Hậu được trông chờ nhất để ai đi xa có dịp về thăm quê sẽ đi trên những cung đường mới, ngắn hơn, thoáng và hiện đại. Doanh nghiệp cũng mong chờ hàng hóa đến với những miền xa nhanh hơn, chi phí thấp hơn.

Dự kiến của Bộ GTVT giai đoạn 2017-2020, sẽ đầu tư 27 dự án quan trọng, cấp bách tại ĐBSCL, tổng kinh phí khoảng 67.336 tỉ đồng. Bộ đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ bổ sung từ nguồn dự phòng chung của kế hoạch trung hạn 2016-2020 nguồn trái phiếu Chính phủ triển khai 17 dự án với tổng mức đầu tư 22.645 tỉ đồng. Kêu gọi nguồn vốn ODA đầu tư 6 dự án với tổng mức đầu tư 34.999 tỉ đồng và kêu gọi đầu tư 4 dự án với tổng mức đầu tư 9.692 tỉ đồng.

ANH KHOA

Chia sẻ bài viết