15/02/2012 - 20:43

Nâng đỡ những cảnh đời bất hạnh

Ai sinh ra trên đời cũng mong được no cơm, ấm áo, có cuộc sống đầy đủ, hạnh phúc bên người thân. Thế nhưng, trong dòng chảy cuộc đời xuôi ngược vẫn có những hoàn cảnh đáng thương, rất cần sự cảm thông và giúp đỡ của cộng đồng.

Bé Đẹp và bé Trâm (từ phải qua) thui thủi bên bàn thờ cha mẹ vắn số...

Thương hai trẻ thơ bất hạnh

Gần nửa tháng nay, người dân khu vực Bình Phó A, phường Long Tuyền, quận Bình Thủy, vẫn còn thương cảm và xao lòng về sự mất mát không gì bù đắp được của gia đình ông Phạm Văn Mol, 61 tuổi khi con gái đầu lòng Phạm Thị Bích lâm bạo bệnh vừa qua đời. Bước vào căn nhà cũ kỹ, xuống cấp, tôi bắt gặp cảnh tượng đau lòng, ông bà ngoại già nua đang cố dỗ dành 2 cháu thơ là Nguyễn Ngọc Đẹp (11 tuổi, học sinh lớp 5) và Nguyễn Bích Trâm (8 tuổi, học sinh lớp 2) khóc thút thít bên bàn thờ người mẹ vắn số, cạnh bên là di ảnh người cha nghi ngút khói hương.

Vuốt mái tóc lơ thơ của Đẹp, bà ngoại hai cháu nghẹn ngào, nói: “Tui có bốn người con nhưng Bích vất vả nhất, vì là chị hai nên phải nghỉ học sớm để phụ giúp cha mẹ lo chi tiêu trong ngoài. Từ nhỏ, Bích đã đi giúp việc nhà, phụ bán quán, làm cỏ mướn...”. Năm 2000, chị Bích kết hôn với anh Nguyễn Văn Chiến (ở khu vực Bình Dương) rồi lần lượt sinh 2 con gái. Dù vợ chồng chị Bích chăm chỉ, chịu khó nhưng thu nhập từ nghề làm mướn không đủ sống. Đến năm 2006, anh Chiến không may bệnh nặng qua đời, chị Bích cùng hai con thơ về tá túc nhà cha mẹ. Hằng ngày, chị Bích lặn lội bán vé số dạo, phụ việc nhà... kiếm tiền nuôi con. Một năm sau, chị gởi hai con cho cha mẹ, đi làm ở Bình Dương để có thêm thu nhập hàng tháng, gởi về phụ giúp gia đình và nuôi con. Giọng ông Mol xúc động: “Xứ lạ quê người, giá cả đắt đỏ, lương công nhân chỉ đủ gói ghém cuộc sống hàng ngày. Khoảng vài tháng, chị Bích gởi về được 1 triệu đồng phụ nuôi con...”. Do thiếu dinh dưỡng từ nhỏ, bé Đẹp đã 11 tuổi nhưng gầy guộc, nhỏ thó như trẻ lên 6. Suốt câu chuyện, bé Đẹp ngồi đờ đẫn trong lòng bà ngoại, biếng nói, ít cười...

Cách nay 4 tháng, chị Bích thấy sức khỏe suy giảm, ăn uống thất thường, đau bụng, tiêu chảy, ói mửa liên tục... nên xin nghỉ việc trở về nhà. Gia đình đưa chị đi khám bệnh, làm các xét nghiệm cần thiết, bác sĩ kết luận chị Bích bị ung thư gan giai đoạn cuối và nhập viện điều trị khoảng nửa tháng, rồi qua đời. Nhờ có bà con chòm xóm quyên góp giúp đỡ, đám tang của chị Bích cũng chu đáo, ấm cúng. Ông Mol xúc động bày tỏ: “Tui rất biết ơn tình nghĩa của bà con đối với gia đình tui. Vợ chồng tui già rồi, sống sao cũng được,chỉ thương 2 cháu ngoại sớm mồ côi cha mẹ khi còn quá nhỏ, trong khi tui chẳng làm gì ra tiền để nuôi các cháu”.

Ông Huỳnh Trung An, Trưởng khu vực Bình Phó A, cho biết: “Gia đình ông Mol đang gặp nhiều khó khăn, thu nhập hàng ngày nhờ vào tiền công nhật làm mướn ít ỏi, không thường xuyên của ông nên việc chăm sóc thêm 2 cháu nhỏ quả không dễ dàng. Trong khi chờ đợi chúng tôi kết hợp với ngành chức năng phường làm thủ tục chính sách bảo trợ xã hội, tranh thủ các nguồn đóng góp giúp đỡ 2 cháu, rất mong được sự giúp đỡ của các nhà hảo tâm để gia đình có điều kiện chăm sóc các cháu tốt hơn”.

Ngày ngày, ông bà Bay sống chật vật trong mù lòa, tăm tối...

Lo hai cụ già neo đơn

Chúng tôi đến căn nhà cũ kỹ, xuống cấp trầm trọng, đồ đạc ngổn ngang, không thể ngờ là nơi trú ngụ qua ngày của vợ chồng cụ Hồ Văn Bay (81 tuổi) và Nguyễn Thị Mười (74 tuổi), ở khu vực Thạnh Thắng, phường Thường Thịnh, quận Cái Răng. Trời đã về chiều, trong khi nhiều gia đình quây quần bên mâm cơm, ông bà Bay vẫn ngồi co ro trên chiếc giường xiêu vẹo, bếp núc lạnh tanh, vài chiếc nồi sứt quai, tô, chén, muỗng nằm chỏng chơ. Nghe tiếng người thăm hỏi, ông bà Bay cùng nhướng đôi mắt mờ đục, từ lâu không còn trông thấy về phía cửa và lên tiếng đáp lại.

Ông Bay cho biết, vợ chồng ông đang sống nhờ vợ chồng cháu nội, chồng làm thợ hồ và vợ dệt chiếu kiếm sống. Cả hai đi làm đến nhá nhem tối mới về nên bữa ăn rất thất thường. Vả lại, cháu dâu sắp sinh con đầu lòng nên phải tranh thủ đi làm kiếm tiền. Khi chúng tôi hỏi, ông có mấy người con, sao không có ai ở chung để chăm sóc ông bà khi tuổi cao mà còn mù lòa, ông Bay cho biết: “Cha mẹ nghèo quá, tụi nhỏ phải tứ tán làm thuê kiếm sống. Tui buồn nhưng chẳng trách các con đâu”.

Mấy mươi năm trước, ông bà Bay kết hôn và sinh được 5 người con. Ông bà ra sức làm 6 công ruộng, chật vật nuôi các con khôn lớn; rồi lần lượt bán hết đất, lo dựng vợ gả chồng, giúp các con vốn liếng làm ăn. Các con ông tiếp tục nghề làm mướn, thu nhập chỉ đủ nuôi gia đình, không có khả năng chăm sóc, phụng dưỡng cha mẹ già. Lúc còn khỏe, ông bà Bay tự đi làm mướn mưu sinh, nhưng do cuộc sống lam lũ, ăn uống kham khổ nên sức khỏe ông bà suy yếu nhanh. Mười năm trước, bà Mười phát bệnh bướu cổ và do không có điều kiện khám và trị bệnh nên bướu lớn dần, rồi biến chứng làm mù mắt và suy kiệt cơ thể. Rồi, cách đây 5 năm, tự dưng mắt ông Bay mờ dần không còn trông thấy gì nữa. Chị Huỳnh Anh Thảo, cháu dâu ông bà Bay cho biết: Cuộc sống vợ chồng tôi cũng rất khó khăn, còn phải dành dụm số tiền chuẩn bị sinh con. Chính vì vậy, việc chăm sóc ông bà nội không được chu toàn. Chỉ lo khi tôi sinh xong, phải nuôi con sẽ không có ai chăm sóc ông bà”... Chúng tôi thật sự ái ngại khi nhìn cảnh hai ông bà lủi thủi sống trong tối tăm, quờ quạng, an ủi và tựa vào nhau để sống hết những ngày cuối đời...

Bà Thạch Thị Tuyết Hồng, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ phường Thường Thạnh, quận Cái Răng, nói: “Gia đình ông Bay thuộc diện nghèo, hoàn cảnh khó khăn trong phường. Các con cụ đều nghèo, bận rộn mưu sinh, không có điều kiện chăm lo cha mẹ. Thời gian qua, ông Bay được hưởng tiền bảo trợ xã hội hàng tháng. Phường luôn ưu tiên các nguồn hỗ trợ gạo, tiền, nhu yếu phẩm của các tổ chức, cá nhân chăm lo cho hai cụ, nhưng do nguồn vận động của địa phương hạn chế nên việc giúp đỡ chưa thường xuyên. Chúng tôi mong hai cụ nhận được nhiều sự giúp đỡ của các nhà hảo tâm để có bữa cơm ngon, tấm áo lành”.

Chúng tôi không thể quên ánh nhìn thơ ngây của bé Đẹp, bé Trâm và bàn tay cụ Bay siết chặt không rời như gởi gắm nỗi mong chờ sự quan tâm sẻ chia của cộng đồng. Mong rằng, các nhà hảo tâm chung tay giúp đỡ những mảnh đời bất hạnh, khốn khó để họ có được niềm vui sống, vơi đi mặc cảm thiệt thòi.

Bài, ảnh: KỲ PHƯƠNG

Chia sẻ bài viết