21/08/2018 - 21:58

Liên kết sản xuất theo quy trình sạch nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm cây ăn trái 

 

ĐBSCL có nhiều loại trái cây đặc sản chất lượng ngon, hương vị đặc trưng và được trồng với diện tích lớn, khá tập trung. Đây là tiềm năng và cơ hội để các địa phương mở rộng thị trường xuất khẩu. Tuy nhiên, để sản phẩm cây ăn trái ĐBSCL tự tin “xuất ngoại” thì việc cải tiến quy trình sản xuất, chế biến để tạo sự ổn định về chất lượng, đảm bảo an toàn thực phẩm là cần thiết. Trao đổi với Báo Cần Thơ về vấn đề này, Tiến sĩ Võ Hữu Thoại, Phó Viện trưởng Viện Cây ăn quả miền Nam, cho biết:

- Theo số liệu thống kê từ Cục Trồng trọt, tổng diện tích cây ăn trái của cả nước đến cuối năm 2017 đạt 923.900ha. Trong đó, ĐBSCL là vùng sản xuất cây ăn trái lớn nhất cả nước, với 335.430ha (chiếm gần 36,3%). Những địa phương có diện tích trồng cây ăn trái lớn của vùng ĐBSCL, gồm: Tiền Giang (74.935ha), Vĩnh Long (44.338ha), Hậu Giang (34.864ha), Sóc Trăng (29.107ha), Bến Tre (28.283ha), Đồng Tháp (25.670ha)… Các loại cây ăn trái chủ lực ở vùng ĐBSCL có thể kể đến: xoài, bưởi, nhãn, cam, dứa, sầu riêng, thanh long, chôm chôm, quýt...

Hiện trái cây Việt Nam đã có mặt trên 60 quốc gia, vùng lãnh thổ và kim ngạch xuất khẩu không ngừng gia tăng. Năm 2016, tổng kim ngạch xuất khẩu rau quả của nước ta đạt khoảng 2,45 tỉ USD; đến năm 2017 tăng lên 3,5 tỉ USD (trong đó trái cây chiếm 2,67 tỉ USD, tương đương 73%) . Đây là thành tích rất đáng được khích lệ của ngành cây ăn trái, trong đó có sự đóng góp rất lớn của nhà sản xuất và nhà xuất khẩu hoạt động trong lĩnh vực này.

Xin ông cho biết điểm nổi bật trong việc tổ chức sản xuất, tiêu thụ sản phẩm cây ăn trái vùng ĐBSCL thời gian qua ?

- Điểm nổi bật phải kể đến là một số vùng sản xuất cây ăn trái tập trung được hình thành; từng bước nâng cao năng suất, chất lượng hàng hóa và mang lại hiệu quả kinh tế cao. Những vùng sản xuất cây ăn trái tập trung này có khả năng cung ứng với sản lượng lớn, chất lượng khá ổn định, đáp ứng được yêu cầu của khách hàng. Hiện nay, một số vùng sản xuất cây ăn trái tập trung ở ĐBSCL được cấp mã code xuất khẩu sang các thị trường khó tính: Mỹ, Nhật, Hàn Quốc, Úc, New Zealand... Điển hình như: thanh long (Tiền Giang), nhãn (Bến Tre, Cần Thơ, Vĩnh Long, Tiền Giang), chôm chôm (Bến Tre), xoài (Đồng Tháp, An Giang). Ngoài ra, sản xuất cây ăn trái theo quy trình GAP đang được nhà vườn đặc biệt quan tâm, nhất là phục vụ cho thị trường xuất khẩu. Nhiều nhà vườn chủ động thay đổi tập quán canh tác theo truyền thống, bước đầu hình thành các tổ hợp tác (THT), hợp tác xã (HTX) liên kết sản xuất cây ăn trái theo tiêu chuẩn GAP và được chứng nhận. 

Trong khâu tiêu thụ, mối liên kết giữa nhà vườn, THT, HTX với các doanh nghiệp, siêu thị ngày càng được thắt chặt thông qua hợp đồng tiêu thụ sản phẩm trái cây. Hiện nay, sản phẩm của HTX Hòa Lộc (Tiền Giang), HTX xoài Mỹ Xương (Đồng Tháp), HTX chôm chôm Tiên Phú (Bến Tre), Câu lạc bộ bưởi Năm Roi GlobalGAP (Hậu Giang), HTX bưởi da xanh Mỹ Thạnh An (Bến Tre), HTX thanh long Tầm Vu (Long An),... phần lớn đều được đảm bảo đầu ra nhờ việc liên kết, ký kết hợp đồng tiêu thụ…

Dây chuyền sản xuất nước ép trái cây tại Công ty Cổ phần Vườn Trái Cửu Long, TP Cần Thơ.
Dây chuyền sản xuất nước ép trái cây tại Công ty Cổ phần Vườn Trái Cửu Long, TP Cần Thơ.

Đâu là những tồn tại cần khắc phục trong chuỗi giá trị trái cây ĐBSCL, thưa ông?

 - Mặc dù chúng ta có nhiều điều kiện thuận lợi, nhưng việc phát triển sản xuất và tiêu thụ trái cây vẫn còn những tồn tại, hạn chế như: vấn đề về đầu tư, chính sách; nguồn nhân lực và đào tạo; quy mô, tổ chức, liên kết sản xuất; tác động của biến đổi khí hậu và dịch hại; hạ tầng cơ sở, công nghệ, chế biến… Hiện nay, sản xuất cây ăn trái của vùng chủ yếu nhỏ lẻ và vườn tạp nên chưa phù hợp cho sản xuất mang tính hàng hóa (chất lượng không đồng đều và ổn định). Nhìn chung, THT hoặc HTX sản xuất còn ít về số lượng, chưa có các mô hình sản xuất tập thể làm ăn thật sự hiệu quả để làm mô hình mẫu. Hình thức liên kết sản xuất - tiêu thụ giữa doanh nghiệp và nông dân trong những năm qua từng bước được hình thành và phát triển nhưng chưa nhiều, từng mô hình chỉ phát huy hiệu quả ở những giai đoạn nhất định. Việc tiêu thụ phải qua nhiều khâu trung gian, hệ thống lưu thông, phân phối trái cây ở thị trường nội địa đã hình thành nhưng phân bố chưa hợp lý và rộng khắp. Từ đó gây nên tình trạng thừa - thiếu cục bộ ở nơi này hay nơi khác, giá cả biến động mạnh.

Vùng ĐBSCL chịu ảnh hưởng nghiêm trọng của hiện tượng biến đổi khí hậu. Tình trạng xâm nhập mặn và khô hạn ảnh hưởng trực tiếp tới sinh trưởng và phát triển của các loại cây ăn trái. Mặt khác, biến đổi khí hậu còn dẫn đến sự phát sinh của một số dịch hại nguy hiểm mới xuất hiện, như: sùng đục gốc, sâu đục trái, nhện hại rễ, rệp dính, bệnh hại trên cây ăn trái (cây có múi, cây nhãn, cây xoài, sầu riêng) làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến năng suất cây ăn trái. Ở một khía cạnh khác, đến nay các cơ sở sơ chế, đóng gói, bảo quản trái cây chưa nhiều dẫn đến thất thoát sau thu hoạch còn khá lớn. Chưa có nhiều kho mát (cool room) để tồn trữ trái cây, nên trái cây phải tiêu thụ ngay. Kết cấu hạ tầng nông thôn một số nơi chưa tốt làm trở ngại cho việc mở rộng mô hình GAP, vận chuyển, phân phối sản phẩm. Bên cạnh đó, các nước trong khu vực có điều kiện tương đồng trong việc sản xuất trái cây nhiệt đới đang cạnh tranh gay gắt với Việt Nam ngay trên thị trường trong nước, khu vực và quốc tế là: nhãn (Trung Quốc, Thái Lan), chôm chôm, măng cụt, sầu riêng (Thái Lan, Malaysia), bưởi, cam, quýt (Trung Quốc),...

Vậy theo ông cần những giải pháp nào để trái cây vùng ĐBSCL phát triển hiệu quả, bền vững?

- Trước hết ở khâu quy hoạch sản xuất, các địa phương trong vùng cần chọn một số loại cây ăn trái chủ lực, tiến hành lập quy hoạch vùng trồng. Từ đó, tổ chức công bố, công khai quy hoạch đến tận người dân để biết và thực hiện theo đúng quy hoạch. Nhà nước cần có cơ chế, chính sách và hỗ trợ trong việc tạo cầu nối trong liên kết sản xuất, tiêu thụ theo chuỗi giá trị. Theo đó, khuyến khích doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp lớn đầu tư, liên kết với nông dân trong chuỗi giá trị cây ăn trái chủ lực trồng tập trung từ sản xuất đến thu mua, bảo quản, chế biến và xuất khẩu. Đồng thời, cần đẩy mạnh công tác nghiên cứu khoa học, khảo sát thị trường, tăng cường tiếp thị và quảng bá, lựa chọn hình thức sản xuất theo chuỗi giá trị tiên tiến cho một số sản phẩm trái cây chủ lực phục vụ tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.

Sản xuất cây ăn trái theo GAP là hướng đi đúng nhằm cung ứng cho thị trường sản phẩm trái cây an toàn, thân thiện và bền vững với môi trường, là xu thế phát triển tất yếu chung của toàn cầu. Tuy nhiên, do quy mô sản xuất tại mỗi nông hộ còn nhỏ nên cần phải liên kết lại với nhau thành THT, HTX sản xuất theo GAP để có sản lượng trái cây lớn, đáp ứng được nhu cầu thị trường nội địa và xuất khẩu. Song song đó, cần hỗ trợ xây dựng nhiều hơn nữa các mô hình trình diễn không chỉ ứng dụng tiến bộ kỹ thuật mà còn xây dựng được chuỗi giá trị bền vững để bà con nông dân tham quan, học tập. Từ đó, gắn kết với nhau trong sản xuất, kết nối với doanh nghiệp trong khâu tiêu thụ sản phẩm, đảm bảo có nhiều mô hình phát triển ngày càng mạnh và bền vững.  

Xin cảm ơn ông!

MỸ THANH (thực hiện)

Chia sẻ bài viết