19/02/2018 - 21:56

Chuyển động cùng Đồng Tháp Mười 

Thế giới đang chuyển động từng ngày, triết lý liên kết của họ là “Muốn đi nhanh thì đi một mình, nhưng muốn đi xa thì phải đi cùng nhau”. Ở tiểu vùng Đồng Tháp Mười của ĐBSCL- Tiền Giang, Long An và Đồng Tháp đang áp dụng triết lý này để liên kết.

Khác biệt trong “cánh đồng hở”

Mở đầu câu chuyện về liên kết ở tiểu vùng Đồng Tháp Mười- ông Lê Minh Hoan, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp, nói ngay: “Xu thế ngày nay là người ta tìm đến sự khác biệt: những sản phẩm khác biệt, những trải nghiệm khác biệt, những nét văn hóa khác biệt. Và đâu đâu trên khắp thế giới này đều có thể tìm ra sự khác biệt và người ta làm giàu trên sự khác biệt đó. Đồng Tháp Mười là một hệ sinh thái đặc biệt- hệ sinh thái đất ngập nước, một “cánh đồng hở” như nhiều nhà khoa học đã khẳng định. Vậy tại sao không khai thác hệ sinh thái, nét văn hóa khác biệt để tạo ra những sản phẩm mang thương hiệu chung cho Đồng Tháp Mười”. Sản phẩm đó có thể là những nông sản, những dịch vụ du lịch đặc trưng... và “Khai thác tài nguyên bản địa kết hợp với sức mạnh công nghệ” là điểm nhấn trong Đề án liên kết tiểu vùng.

Khởi Minh Thành Công giới thiệu sản phẩm tại diễn đàn Mekong Connect năm 2017. Ảnh: MỸ HOA

Khởi Minh Thành Công giới thiệu sản phẩm tại diễn đàn Mekong Connect năm 2017. Ảnh: MỸ HOA

Ông Lê Minh Hoan kể lần đầu khi tổ chức tọa đàm giữa 3 tỉnh bàn về liên kết, có chuyên gia đặt ra câu hỏi cho từng người mong muốn Đồng Tháp Mười 20, 30 năm sau sẽ như thế nào? “Chín người mười ý”, một viễn cảnh được vẽ ra bởi nhiều người thật sinh động. Ông nói vui: “Nếu muốn được tất cả thì có thể không được gì cả!”. Một trong những vấn đề làm cho chủ trương liên kết khó khăn là tìm ra mô hình điều hành. Trong khi chưa có mô hình đủ rõ, 3 tỉnh thống nhất nguyên tắc liên kết là dựa trên sự tự nguyện và luân phiên điều hành, liên kết nhưng không làm mất đi sự năng động trong chỉ đạo, điều hành của mỗi địa phương.

Sự quyết tâm của ba địa phương đã mở màn bằng Hội chợ - Triển lãm sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao Tiểu vùng Đồng Tháp Mười hồi tháng 11-2017 tại Long An. “Gần 450 chủng loại giống cây trồng - vật nuôi - thủy sản các loại, với khoảng 100 giống mới, chủ yếu là giống cây trồng lần đầu đưa ra thị trường và đang trong quá trình thử nghiệm của ba địa phương được “sô” hàng tại hội chợ. Sản phẩm sản xuất theo quy trình ứng dụng công nghệ cao từ khâu nhân giống, sản xuất, sơ chế, bảo quản. Mỗi sản phẩm là quyết tâm của lãnh đạo ba địa phương, sự kết tinh trí tuệ, công sức của các nhà khoa học, doanh nghiệp và nông dân”- Bí thư Tỉnh ủy Long An- Phạm Văn Rạnh chia sẻ.

Mục tiêu lớn của tiểu vùng Đồng Tháp Mười là xây dựng chuỗi ngành hàng và phát triển thương hiệu nông sản đặc trưng của tiểu vùng. Theo đó, ba ngành hàng nông nghiệp liên kết là: Lúa gạo chất lượng cao-đặc sản-hữu cơ; trái cây đặc sản; thủy sản đặc sản-sinh thái. 22 huyện của ba địa phương có cùng hệ sinh thái đất ngập nước sẽ cùng khai thác “chiếc bánh” tài nguyên bản địa và làm bàn đạp tiến xa hơn trong liên kết lớn hơn trong không gian vùng ĐBSCL, cả nước. Nếu chỉ tính riêng về cây lúa, tiểu vùng Đồng Tháp Mười có 350 ngàn ha, sản lượng hằng năm trên 3 triệu tấn. Và Láng Sen (Long An), Tràm Chim (Đồng Tháp) nằm trong hai khu Ramsar của thế giới cũng sẽ góp phần thực hiện ý tưởng về “Một hành trình 3 điểm đến” mà 3 tỉnh đã bàn cách đây không lâu trong mối liên kết với TP Hồ Chí Minh để khai thác du lịch. Bí thư Tỉnh ủy Long An- Phạm Văn Rạnh cho rằng, “Một hành trình 3 điểm đến” dựa trên nhu cầu thực tế phát triển và thống nhất, không áp đặt ý chí của lãnh đạo ba tỉnh.

Làm cho chiếc bánh lớn hơn

“Chắc chắn không thể khép kín việc liên kết tiểu vùng chỉ trong nội bộ 3 tỉnh. Tiểu vùng nằm giữa 2 trung tâm động lực của ĐBSCL và Đông Nam bộ, do đó, trong Đề án chúng tôi đã tính đến việc liên kết với TP Hồ Chí Minh và Cần Thơ. Ngoài ra, dựa trên vị trí địa lý giáp biên giới, chúng tôi cũng có tầm nhìn đến Phnom-Penh, Campuchia”- ông Lê Minh Hoan khẳng định. Để không gian liên kết rộng hơn, trong Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, Đồng Tháp đã xây dựng những mối liên kết hợp tác và hợp tác xã là linh hồn của Đề án. ““Tư duy cùng thắng”, “buôn có bạn, bán có phường” đang cần được thay thế cho tư tưởng “một mình một chợ”. Không hợp tác thì làm sao xây dựng thương hiệu tập thể cho nông sản- yếu tố cốt tử để tạo niềm tin với người tiêu dùng. Tôi quan niệm rằng, liên kết không phải là chia phần chiếc bánh đang có, mà làm chiếc bánh ngày càng to hơn để cùng hưởng lợi từ giá trị gia tăng đó”- ông Lê Minh Hoan ví von.

Tham dự Hội nghị thu hút đầu tư vào Đồng Tháp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nói: “Liên kết là từ khóa để Đồng Tháp thành ngôi sao sáng!”. Câu chuyện “chiếc bánh lớn” cho tài nguyên bản địa, hay cuộc hành trình chinh phục nông nghiệp công nghệ cao của doanh nghiệp Đồng Tháp luôn có dấu ấn đồng hành của chính quyền tỉnh. Theo ông Phạm Minh Thiện, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Cỏ May, doanh nghiệp mong muốn kêu gọi sự đoàn kết từ doanh nghiệp -nông dân để tạo nguồn lực cùng nhau hợp tác, chuyển giao công nghệ trong sản xuất nông nghiệp để cùng đi xa. “Cỏ May đã mở quán cà phê tại TP Hồ Chí Minh kết hợp với trình diễn ẩm thực- bữa cơm từ nông sản đặc sản. Chúng tôi muốn giới thiệu các sản phẩm nông sản từ gạo, cá phi lê, nấm rơm, rau, củ quả… của Cỏ May đến với người tiêu dùng. Cỏ May hiện đã xuất khẩu cá tra phi lê vào Mỹ, nhưng chúng tôi chấp nhận tốn thời gian để đưa cá tra chế biến đi vào thị trường nội địa. Đây chính là kỳ vọng lớn của doanh nghiệp”- ông Thiện nói.

Cũng với mục tiêu làm gia tăng giá trị cho tài nguyên bản địa, Ngô Chí Công đã thành lập Công ty TNHH SXTM&DV Khởi Minh Thành Công ở TP Cao Lãnh, Đồng Tháp. Từ hoa sen tươi- một loài hoa đặc trưng của tỉnh đã được Công “biến tấu” thành sản phẩm sen ướp. Sau nhiều lần thất bại, Công đã hoàn thiện sản phẩm hoa sen ướp với màu sắc tự nhiên và bảo quản lâu, bán với giá 100.000 đồng/bông. Năm 2017, Công tạo thêm sản phẩm tranh lá sen, khay lá sen, nón lá sen, bóp, ví, sổ tay sen... mang đậm bản sắc quê hương. Sản phẩm không chỉ tiêu thụ ở Đồng Tháp mà còn vươn lên TP Hồ Chí Minh và niềm vui nhân đôi khi anh đem sản phẩm giới thiệu trong Tuần lễ cấp cao APEC 2017 diễn ra tại TP Đà Nẵng, Công đã nhận được đơn đặt với 200 chiếc nón lá sen của khách hàng Đà Nẵng.

Ở “vương quốc” trái cây Tiền Giang, tháng 12-2017, vú sữa Lò Rèn Vĩnh Kim, huyện Châu Thành- nằm trong 22 huyện tiểu vùng Đồng Tháp Mười cũng rộn ràng với lô hàng xuất đi Mỹ. Ông Đoàn Văn Sang, Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất Chế biến nông sản Cát Tường, tâm sự: “Công ty đã có thời gian dài cùng chính quyền địa phương và đồng hành cùng bà con trồng vú sữa. Chúng tôi mong rằng, lô hàng đầu tiên xuất khẩu sang Mỹ sẽ thành “đốm lửa” lan rộng sang các thị trường khác”. Quyền Giám đốc Sở NN&PTNT Tiền Giang- Cao Văn Hóa cho rằng: “Ngành nông nghiệp đang đầu tư cải tạo và hoàn thiện hệ thống thủy lợi phục vụ sản xuất, chuyển giao quy trình canh tác tiên tiến cho nông dân chuyên canh vú sữa Lò Rèn. Để sản phẩm đi xa hơn”. Thông tin từ ngành chức năng Tiền Giang, tới đây, xoài cát Hòa Lộc- Cái Bè cũng thuộc tiểu vùng Đồng Tháp Mười sẽ bay sang trời Tây.

Không kém cạnh trong phát triển tài nguyên bản địa, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Long An lần thứ X, nhiệm kỳ 2015-2020 đã đưa 3 cây trồng (lúa, rau, thanh long) và 1 vật nuôi (bò thịt) là các sản phẩm chủ lực. Bí thư Tỉnh ủy Long An- Phạm Văn Rạnh thông tin qua hai năm thực hiện đã có những kết quả rất tích cực, nhất là sự đồng thuận, hưởng ứng của người dân, doanh nghiệp, nhà khoa học... Đến năm 2020, chương trình sẽ hoàn thành các mục tiêu, để đóng góp nhiều hơn cho quá trình phát triển tiểu vùng Đồng Tháp Mười. Chốt lại vấn đề liên kết tiểu vùng Đồng Tháp Mười, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp Lê Minh Hoan, nói chắc nịch. “Tất nhiên, quy mô lớn sẽ có những bất lợi nhất định, nhưng nếu các địa phương “cùng ngồi lại thì không gì là không thể!”.

Tiểu vùng Đồng Tháp Mười có 22 huyện, thị xã, thành phố với khoảng 730 ngàn ha, chiếm 18% diện tích ĐBSCL. Các địa phương đang hoàn thiện Đề án liên kết phát triển bền vững tiểu vùng Đồng Tháp Mười giai đoạn 2018-2020.

THU HÀ - MỸ HOA

Chia sẻ bài viết