08/07/2018 - 07:48

ZERO TB – tìm bệnh nhân lao còn “ẩn” trong cộng đồng 

Sau khi triển khai tại Hải Phòng, Hội An và TP Hồ Chí Minh, Dự án ZERO TB vừa được triển khai mở rộng tại Cần Thơ. Đây là sáng kiến nhằm tăng cường tìm kiếm các bệnh nhân lao còn “ẩn” trong cộng đồng. Từ đó, đưa họ vào điều trị, giảm lây truyền bệnh cho người thân và cộng đồng.

Gánh nặng lao

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), Việt Nam đứng thứ 16 trong 30 nước có tình hình dịch tễ lao cao nhất trên toàn cầu. Với mục tiêu chấm dứt bệnh lao vào năm 2030, chương trình phòng chống lao quốc gia tăng cường các can thiệp đến cộng đồng. Năm 2017, với sự hỗ trợ của đối tác quốc tế, Dự án ZERO TB được triển khai ở 3 tỉnh, thành. Sau đó, năm 2018 mở rộng tại quận Thốt Nốt và Ninh Kiều, TP Cần Thơ. ZERO TB là viết tắt của dự án Việt Nam không còn bệnh lao, liên kết các đối tác và các tổ chức cộng đồng trong hoạt động tối ưu hóa và mở rộng mô hình chăm sóc người bệnh lao toàn diện tại Việt Nam.

Xét nghiệm X-pert tại Tổ Lao, Trung tâm Y tế quận Thốt Nốt. Ảnh: H.HOA
Xét nghiệm X-pert tại Tổ Lao, Trung tâm Y tế quận Thốt Nốt. Ảnh: H.HOA

Theo báo cáo từ Bệnh viện Lao và Bệnh phổi Cần Thơ, trong vòng 5 năm (2013-2017), tỷ lệ người thử đàm phát hiện bệnh lao ở Cần Thơ chiếm 1%- 1,4 % dân số. Trong số người nghi lao thử đàm, cứ 10-12 người thử đàm thì phát hiện 1 nguồn lây AFB (+). Về thu nhận điều trị, trung bình lao các thể từ 160- 177 ca/100.000 dân, nguồn lây lao mới từ 104- 109 ca/100.000 dân. Về  lao kháng thuốc, năm 2017, phát hiện 30 trường hợp. Tất cả bệnh nhân đều được tư vấn, điều trị. Qua điều trị, 90% bệnh nhân ở tất cả thể lao khỏi bệnh. Tuy nhiên, công tác phòng, chống lao ở Cần Thơ còn nhiều khó khăn, thách thức như tỷ lệ bỏ điều trị chiếm khoảng 1,6%. Đây là nguồn lây nguy hiểm trong cộng đồng.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lê Văn Hợi, Phó Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương, Phó Trưởng ban điều hành Chương trình chống lao quốc gia, Giám đốc ZERO TB Việt Nam cho biết, Chương trình chống lao đầu tư vào Cần Thơ, kỳ vọng Cần Thơ giảm số ca mắc lao, giảm số tử vong, hướng tới thành phố không còn bệnh lao trước năm 2030. Trên cơ sở kết quả thực hiện chương trình ở Cần Thơ, mở rộng ra các tỉnh ở khu vực Tây Nam bộ. Trong dự án, huy động mạnh mẽ sự hưởng ứng của cộng đồng, các ban, ngành, đoàn thể nhằm phát hiện, sàng lọc người có nguy cơ mắc lao trong cộng đồng; ứng dụng công nghệ chẩn đoán mới nhất ở Việt Nam và thế giới nhằm phát hiện nhanh người có nguy cơ mắc bệnh lao, người mắc lao và chung tay giúp họ điều trị, tuân thủ điều trị.

Sàng lọc tại hộ gia đình

 

Đối tượng sàng lọc của dự án

Dự kiến có 9.600 người ở hai quận Thốt Nốt và Ninh Kiều được sàng lọc. Đây là những bệnh nhân đã điều trị lao từ các năm 2018, 2017, 2016 và người tiếp xúc bệnh nhân lao; người trên 70 tuổi; người có bệnh đồng mắc hen, COPD, đái tháo đường, HIV.

Theo đại diện dự án ZERO TB, dự án lồng ghép mạng lưới cộng tác viên ở cộng đồng, khi phát hiện người tiếp xúc với bệnh nhân lao hoặc người có triệu chứng nghi lao, sẽ kết nối hệ thống y tế, sử dụng công cụ kỹ thuật chất lượng, độ nhạy cao, phát hiện và điều trị sớm như X-quang sàng lọc, X-pert chẩn đoán lao trong vòng 2 giờ, độ nhạy hơn 90%. Tương lai, nhà sản xuất đang phát triển X-pert lưu động và làm tại nhà cho bệnh nhân. Ngoài ra, còn có xét nghiệm mới từ Nhật Bản, phát hiện lao trong vòng 50 phút, hiện đang thí điểm ở Hải Phòng và Bệnh viện Phổi Trung ương. Dự án đang phối hợp nhà phân phối có thể đưa đến các tỉnh, thành khác trong dự án.

Những đối tượng sàng lọc của dự án được khám, chụp X-quang phổi, trường hợp mắc lao sẽ được điều trị lao miễn phí. Đặc biệt, với những bệnh nhân nghèo, dự án xem xét hỗ trợ chi phí đi lại để khám phát hiện. Ngoài ra, dự án cũng tiến hành điều trị cho người có lao tiềm ẩn.

Bác sĩ Lê Hồng Thúy, Trưởng phòng Kế hoạch Bệnh viện Lao và Bệnh phổi Cần Thơ, thư  ký dự án cho biết, ở Cần Thơ, dự án đã tuyển chọn, tập huấn cho 16 cộng tác viên ở quận Ninh Kiều và 12 cộng tác viên ở quận Thốt Nốt. Sau đó, cộng tác viên phối hợp cán bộ y tế ở phường, xã lập danh sách bệnh nhân đã được điều trị lao các năm 2016, 2017, 2018 và những người tiếp xúc. Cộng tác viên đến từng hộ gia đình sàng lọc và chuyển phiếu chụp X-quang. Đối với những bệnh nhân có phim X-quang bất thường ở phổi sẽ chuyển gởi làm X-pert. Khi kết quả dương tính, cộng tác viên sẽ tư vấn bệnh nhân đi điều trị. Trong quá trình điều trị, cộng tác viên tiếp tục tư vấn hỗ trợ cho người bệnh.

Ngoài ra, trong dự án cũng triển khai Hệ thống thu thập dự liệu xuống tận hộ gia đình. Việt Nam là nước duy nhất trên thế giới áp dụng sáng kiến này. Dự án cấp máy tính bảng cho cộng  tác viên (theo địa bàn phụ trách). Hệ thống này liên tục cập nhật bệnh nhân lao từ khi sàng lọc đến khi hoàn thành điều trị từ trung ương đến tận các cộng tác viên và ngược lại. 

Bác sĩ Trần Mạnh Hồng, Giám đốc Bệnh viện Lao và Bệnh phổi Cần Thơ, Giám đốc dự án ZERO TB tại Cần Thơ cho biết, dự án được triển khai với các mục tiêu tăng phát hiện bệnh, cải thiện chất lượng chẩn đoán, chăm sóc toàn diện người bệnh và điều trị lao tiềm ẩn, liên kết với các cơ sở y tế ngoài mạng lưới chương trình chống lao. Thực hiện các mục tiêu này, góp phần đưa Cần Thơ trở thành thành phố không còn bệnh lao.

H.HOA

Chia sẻ bài viết