21/04/2020 - 07:59

YouTube thay đổi chính sách, nghệ sĩ có lợi 

YouTube và các nghệ sĩ trong ngành công nghiệp âm nhạc đã từng có căng thẳng xoay quanh các vấn đề tác quyền. Tuy nhiên, điều đó đang dần được cải thiện với các chính sách mới của YouTube.

Sự thay đổi này đến từ nỗ lực 2 năm qua của nhà sản xuất âm nhạc Lyor Cohen (ảnh, trái) - cựu lãnh đạo tại Warner Music Group, đầu quân cho YouTube năm 2018. Nhiệm vụ của Lyor Cohen là xoay chuyển sự căng thẳng giữa YouTube và ngành công nghiệp âm nhạc vì YouTube trả tác quyền ít hơn các nền tảng âm nhạc trực tuyến khác.

Nguyên nhân căng thẳng được cho bắt nguồn từ DMCA (Digital Millennium Copyright Act - Luật Bảo vệ bản quyền tác giả của Mỹ), đã bảo vệ YouTube khỏi trách nhiệm pháp lý đối với việc vi phạm bản quyền các nội dung được người dùng tải lên, chỉ khi phát hiện thì YouTube đưa ra yêu cầu gỡ bỏ. Điều đó đồng nghĩa, người giữ bản quyền phải lựa chọn: phải cấp phép cho YouTube sử dụng nội dung; còn không thì nội dung ấy xuất hiện trên YouTube, bị Content ID (hệ thống vân tay kỹ thuật số) phát hiện và gắn cờ vi phạm. Trong các cuộc đàm phán tác quyền, YouTube luôn có nhiều lợi thế hơn các dịch vụ âm nhạc trực tuyến như Spotify và Apple Music. Khi đó, Stephen Cooper, Giám đốc điều hành Warner Music Group, bày tỏ bất bình: “Ngay cả khi YouTube không có tác quyền, âm nhạc của chúng tôi vẫn xuất hiện trên nền tảng của họ nhưng chúng tôi không thu được đồng nào”.

Lyor Cohen hiểu nguyên nhân này và trong hơn 2 năm qua ông đã không ngừng đưa YouTube trở thành nền tảng quảng cáo tốt hơn, đồng thời khởi động lại gói dịch vụ trả tiền YouTube Music Premium (ra mắt tháng 5-2018). Với những thay đổi đó, năm 2019, dịch vụ này có 20 triệu thuê bao trả phí và 5 triệu người sử dụng bản dùng thử miễn phí, tăng 60% so với năm 2018. Với khoản thu phí này, YouTube dùng nó để chi trả cho các nghệ sĩ. Tính đến nay, YouTube đã chi 12 tỉ USD phí tác quyền âm nhạc toàn cầu, gấp 3 lần so với năm 2016.

Một số công ty thu âm cho biết YouTube có khả năng sẽ trở thành nguồn doanh thu lớn nhất của họ vào năm 2025. Lyor Cohen vạch ra chiến lược: “Mọi người bắt đầu nhận ra YouTube rất nghiêm túc trong dịch vụ thuê bao. YouTube có hai phân nhánh mục tiêu rõ ràng: một dành cho quảng cáo và một cho thuê bao”. Điều này khiến các hãng thu âm ngày càng thấy thoải mái hơn trong việc tiếp cận YouTube, bởi lẽ họ kiếm được nhiều lợi ích hơn từ các công cụ và chương trình khác nhau. Điển hình như tính năng Premieres (công chiếu) của YouTube, được Taylor Swift sử dụng từng thành công khi công chiếu MV đĩa đơn “ME!”, từ đó phá vỡ kỷ lục lượt xem trong 24 giờ của nghệ sĩ solo lẫn nữ nghệ sĩ. MV của cô đạt 65,2 triệu view, vượt qua “Thank U, Next” của Ariana Grande (55,4 triệu).

Theo thống kê mới nhất từ Alphabet (công ty mẹ của Google, cũng quản lý YouTube), YouTube có doanh thu quảng cáo 15,1 tỉ USD trong năm 2019, gần gấp đôi doanh thu năm 2017 (8,15 tỉ USD); lượng người đăng ký cũng tăng cao. Với 2 tỉ người dùng đăng nhập hằng tháng và 20 triệu người đăng ký nhạc trả tiền trên toàn cầu, một số nguồn tin cho biết YouTube sẽ trả hơn 3 tỉ USD/năm tiền tác quyền. Đây là con số khổng lồ. Năm 2019, Spotify trả cho các công ty âm nhạc 4,8 tỉ USD dù sở hữu lượng thuê bao trả tiền gấp 6 lần YouTube. Đối với lĩnh vực phân phối, YouTube góp phần thúc đẩy tính cạnh tranh trong ngành âm nhạc. Ngoài Spotify, Apple Music, Amazon, các hãng thu âm giờ đây có thêm YouTube để lựa chọn.

BẢO LAM (Billboard)

Chia sẻ bài viết