01/01/2015 - 16:39

Xuất khẩu đạt mức kỷ lục 150 tỉ USD

Năm 2014, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam đạt mức tăng trưởng hết sức ấn tượng 13,6%, nâng giá trị kim ngạch lên mức kỷ lục 150 tỉ USD trong bối cảnh nền kinh tế thế giới nói chung và nước ta nói riêng còn nhiều khó khăn.

Đây cũng là năm thứ ba liên tiếp Việt Nam đạt thặng dư thương mại ở mức cao chưa từng có 2 tỉ USD. Kim ngạch xuất khẩu của nền kinh tế nước ta tăng cả về quy mô lẫn tốc độ so với năm 2013. Hầu hết các mặt hàng xuất khẩu chủ lực đều tăng khá, trong đó nhóm hàng công nghiệp chế biến, chế tạo chiếm tỷ trọng cao nhất trên 73% và 16 nhóm hàng có kim ngạch xuất khẩu đạt trên 2 tỉ USD.

Thành quả xuất khẩu chính là một động lực quan trọng, góp phần cải thiện tốc độ tăng trưởng kinh tế và tác động tích cực đến các chỉ số kinh tế vĩ mô của Việt Nam năm 2014. Mức xuất siêu 2 tỉ USD không chỉ giúp cải thiện cán cân thương mại, cán cân thanh toán của Việt Nam mà còn góp phần tăng dự trữ ngoại hối quốc gia lên mức cao nhất từ trước đến nay (hiện đạt trên 35 tỉ USD).

 Chế biến xuất khẩu thủy sản. Ảnh: TTXVN

Việc kiểm soát nhập khẩu đã được thực hiện khá hiệu quả và linh hoạt, nên nhóm hàng cần nhập khẩu như máy móc thiết bị, nguyên nhiên vật liệu chiếm tỷ trọng gần 90% nhập khẩu, trong khi nhóm hàng cần kiểm soát nhập khẩu và nhóm hàng hạn chế nhập khẩu mỗi nhóm hiện chiếm tỷ trọng chưa đến 5% nhập khẩu. Nhờ vậy, mục tiêu ổn định tỷ giá, kiềm chế lạm phát đã được hiện thực hóa.

Tuy nhiên, bên cạnh những mặt tích cực, hoạt động xuất khẩu của Việt Nam đã bộc lộ rõ yếu kém nội tại chưa được cải thiện hoặc khắc phục. Mẫu số chung là kim ngạch xuất khẩu tuy cao nhưng giá trị gia tăng vẫn thấp. Chúng ta vẫn chủ yếu xuất thô nông lâm thủy sản và nhiên liệu-khoáng sản nên dù có sản lượng cao nhưng giá trị gia tăng lại thấp. Nhóm hàng công nghiệp chế biến-chế tạo như điện thoại, điện tử, dệt may, giày dép hiện chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu hàng xuất khẩu nhưng vẫn hầu hết là gia công lắp ráp, do vậy giá trị gia tăng cũng thấp.

Mặt khác, tăng trưởng xuất khẩu chủ yếu vẫn nhờ vào khối doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) bởi riêng khối này đã chiếm với tỷ trọng trên 2/3 tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước. Xuất siêu đạt được cũng do khối doanh nghiệp FDI, trong khi các doanh nghiệp trong nước vẫn đang nhập siêu lớn.

Ngoài ra, nhập khẩu từ Trung Quốc chiếm gần 30% toàn bộ nhập khẩu của nước ta. Cụ thể, nhập siêu của ta từ nước láng giềng phương Bắc này lên gần 29 tỉ USD, cao hơn mức 23,7 tỉ USD năm 2013. Một tồn tại khác là tỷ lệ xuất khẩu trên GDP của Việt Nam hiện lên đến trên 80% và điều này cho thấy kinh tế nước ta tuy cởi mở nhưng lại lệ thuộc quá nhiều vào xuất khẩu. Đây là yếu tố có thể khiến nền kinh tế Việt Nam dễ bị tổn thương khi thương mại toàn cầu sụt giảm mạnh. Cuối cùng, tốc độ tăng trưởng xuất khẩu đang xu hướng giảm dần, từ 34,2% năm 2011 xuống 18,2% năm 2012, từ 15,4% năm 2013 xuống còn 13,6% năm 2014.

Các dự báo cho biết tổng kim ngạch xuất khẩu trong năm 2015 của nước ta chỉ tăng hơn 10%. Tuy nhiên, các nền kinh tế lớn và là thị trường tiêu thụ hàng hóa trọng điểm của nước ta như Mỹ, Liên minh châu Âu (EU), Đông Nam Á, Nhật Bản vốn được dự báo sẽ khôi phục nhanh trong năm 2015 có thể tạo ra đòn bẩy mạnh cho xuất khẩu của Việt Nam. FDI dự kiến sẽ tăng cao khi nhiều khả năng hầu hết các hiệp định thương mại tự do Việt Nam đang đàm phán sẽ được hoàn thành trong khoảng 6 tháng đầu năm 2015, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp mở rộng thị trường xuất khẩu. Đây cũng là thời cơ không thể tốt hơn để các doanh nghiệp nước ta chủ động phát triển ngành công nghiệp phụ trợ, đảm bảo cung ứng nguyên phụ liệu, linh phụ kiện cho các ngành sản xuất trong nước nói chung và các ngành xuất khẩu nói riêng.

ĐỨC TRUNG

Chia sẻ bài viết