23/10/2020 - 09:31

Xử lý nước thải nông thôn: Cần giải pháp đồng bộ 

Sau 10 năm triển khai thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, bộ mặt nông thôn ngày càng khang trang, xanh, sạch, đẹp hơn. Tuy nhiên, nước thải nông thôn chiếm tỷ trọng lớn nhưng lại phân tán trên diện rộng và thuộc đối tượng không phải cấp phép xả thải vào nguồn nước nên khó khăn cho công tác quản lý. Điều này đặt ra bài toán nan giải về việc xử lý nước thải sinh hoạt nông thôn với giải pháp căn cơ, đồng bộ và bền vững.

Trên địa bàn TP Cần Thơ xây dựng nhiều mô hình thu gom bao bì thuốc bảo vệ thực vật, giảm thiểu ô nhiễm nguồn nước.

Trên địa bàn TP Cần Thơ xây dựng nhiều mô hình thu gom bao bì thuốc bảo vệ thực vật, giảm thiểu ô nhiễm nguồn nước.

Nước thải sinh hoạt xả “vô tư”

Theo khảo sát của Bộ Tài nguyên và Môi trường, năng lực xử lý nước thải trên toàn quốc chỉ đạt 14,5%. Ðiều này có nghĩa là hơn 85% lượng nước thải sinh hoạt còn lại được xả trực tiếp ra môi trường không qua xử lý hoặc được xử lý sơ bộ. Số liệu mới nhất cho thấy, năm 2020, lượng nước thải chưa xử lý ở khu vực nông thôn là 90%. Tuy chiếm tỷ trọng lớn nhưng nước thải nông thôn phân tán diện rộng nên khó thu gom, xử lý.

Tại TP Cần Thơ, công tác bảo vệ môi trường luôn được lãnh đạo thành phố quan tâm chỉ đạo sâu sát, xem trọng, là một trong những nội dung cơ bản của phát triển bền vững. Tuy nhiên, cùng với phát triển kinh tế - xã hội, vùng nông thôn của thành phố cũng đang đối mặt với nguy cơ ô nhiễm từ nước thải phát sinh từ các hoạt động sinh hoạt, sản xuất nông nghiệp, chăn nuôi… Theo kết quả quan trắc môi trường nước ở các điểm quan trắc tại các huyện, chất lượng môi trường nước mặt ở các kênh rạch, môi trường nước dưới đất ở các khu vực nông thôn, đa số các thông số vẫn còn trong giới hạn cho phép. Tuy nhiên, vẫn còn có một số chỉ số vượt ngưỡng như: BOD5, COD, TSS, DO, Coliform.

Ông Lưu Tấn Tài, Phó Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ Môi trường TP Cần Thơ, cho biết: Hiện nay nước thải nông thôn phát sinh từ hoạt động dân sinh và sản xuất trên địa bàn thành phố cũng như nhiều địa phương khác là phân tán, chưa có biện pháp thu gom triệt để. Trong công tác quản lý nước thải, UBND thành phố phân cấp trách nhiệm quản lý của các cơ quan chuyên môn và trách nhiệm của UBND cấp huyện, xã về nước thải nông thôn.

Hiện nay, nước thải sinh hoạt của người dân phát sinh tại khu vực nông thôn chủ yếu được xử lý bằng hầm tự hoại 3 ngăn tại các hộ gia đình người dân sinh sống. Ðối với nước thải phát sinh trong quá trình sản xuất, kinh doanh dịch vụ khu vực nông thôn, Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố hướng dẫn một số chủ cơ sở lập phương án bảo vệ môi trường và quan trắc môi trường tự lưu và thực hiện tại cơ sở. Tại các khu chợ, việc xử lý nước thải sinh hoạt của các chợ mới thành lập hoặc chợ được cải tạo, nâng cấp thì phải xây dựng hệ thống xử lý nước thải đảm bảo vệ sinh môi trường. Ðối với các chợ cũ, hiện nay thành phố đã ban hành kế hoạch cải tạo nâng cấp các khu chợ của thành phố bằng hình thức xã hội hóa. Một số khu vực nông thôn trên địa bàn thành phố cũng có những khu vực nuôi, vùng nuôi thủy sản tương đối lớn, lượng nước thải này cũng được chủ dự án quản lý, xử lý nước thải ao nuôi theo đúng quy định về bảo vệ môi trường.

Cần có các giải pháp đồng bộ

Thời gian qua, việc xử lý nước thải sinh hoạt nông thôn đã bước đầu tiếp cận các mô hình xử lý nước thải phân tán cụm dân cư, hộ gia đình. Một số địa phương đã thí điểm mô hình xử lý nước thải sinh hoạt nông thôn quy mô hộ gia đình, liên hộ theo hình thức phân tán hoặc bán tập trung như: An Giang, Hà Tĩnh, Thái Nguyên… Một số địa phương đã bước đầu quan tâm đến thu gom và xử lý nước thải sinh hoạt nông thôn, tìm giải pháp phù hợp với đặc thù phân bổ dân cư và điều kiện thực tế.

Tuy nhiên, quá trình xử lý nước thải nông thôn vướng không ít khó khăn. Bà Nguyễn Thị Phương Mai, Phó Viện trưởng Viện Khoa học Môi trường, Tổng cục Môi trường, cho biết: Nhiều địa phương xây dựng các mô hình xử lý nước thải nông thôn nhưng chưa thành công. Nguyên nhân do không bóc tách được dòng thải, công nghệ chưa phù hợp, thiếu kinh phí vận hành cũng như nguồn nhân lực phù hợp. Do vậy, để nâng cao hiệu quả công tác thu gom, xử lý nước thải sinh hoạt nông thôn cần thực hiện đồng bộ các biện pháp từ tổ chức quản lý, chính sách hỗ trợ và giải pháp công nghệ phù hợp, xây dựng các mô hình thí điểm để kinh nghiệm và phổ biến nhân rộng. Các địa phương cần tăng cường trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm xử lý nước thải nông thôn, nhất là các mô hình phù hợp…

Ông Lưu Tấn Tài cho rằng: Ðể đảm bảo hoạt động dân sinh, sản xuất và bảo vệ môi trường nước, cần có các giải pháp thiết thực để nâng cao hiệu quả quản lý nước thải tại khu vực nông thôn. Trong đó, hoàn thiện chính sách pháp luật về bảo vệ môi trường nông thôn; điều chỉnh, hoàn thiện bộ tiêu chí xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025, đặc biệt là tiêu chí về môi trường để phù hợp với tình hình thực tế, có tính khả thi. Các địa phương xây dựng quy chế quản lý, hương ước, quy ước nhằm huy động sự tham gia bảo vệ môi trường của người dân. Bên cạnh đó, thực hiện các chính sách khuyến khích việc quản lý chất thải nông thôn; xây dựng cơ chế hỗ trợ phát triển các dịch vụ môi trường ở nông thôn. Ðồng thời, tiếp tục đẩy mạnh và đa dạng hóa hoạt động tuyên truyền nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường ở khu vực nông thôn…

Theo bà Nguyễn Hoàng Ánh, Phó Vụ trưởng Vụ Quản lý chất lượng môi trường, Tổng cục Môi trường, cần nghiên cứu thí điểm và áp dụng nhân rộng các mô hình công nghệ về xử lý nước thải sinh hoạt theo các quy mô hộ gia đình, khu/cụm dân cư. Đồng thời, áp dụng các công nghệ phù hợp đảm bảo sau khi xử lý nước đạt chuẩn kỹ thuật về bảo vệ môi trường trước khi xả ra nguồn tiếp nhận.

Bài, ảnh: T. TRINH

Chia sẻ bài viết