27/04/2021 - 08:23

Xu hướng thời trang bền vững 

Ðại dịch COVID-19 đã khiến hầu hết các chương trình biểu diễn, sự kiện ra mắt sản phẩm của ngành công nghiệp thời trang bị trì hoãn. Tuy nhiên, khó khăn lại tạo ra chuyển biến tích cực về nhận thức khi các nhãn hàng quan tâm nhiều hơn đến trách nhiệm với môi trường, qua những bộ sưu tập thể hiện sự phát triển bền vững.

Chiếc túi K/Kushion phiên bản da xương rồng.

Có một sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức của các nhãn hàng thời trang, kể cả những thương hiệu lớn, đó là thể hiện trách nhiệm với môi trường sống và phải giảm thiểu lãng phí tài nguyên. Vì vậy, nhiều đơn vị sử dụng nguyên liệu tái chế, hay chuyển hóa vật liệu cũ, thừa trong ngành công nghiệp để sáng tạo thành những sản phẩm mới. Xu hướng “xanh hóa” này là nhằm hạn chế tối đa tác động xấu của ngành công nghiệp may mặc đối với con người và môi trường.

Mới đây, Hội đồng Thời trang Anh quốc đã vận động các nhãn hàng thời trang ở nước này quyên góp những vật liệu may mặc không tiêu thụ được mà vẫn còn mới, tập hợp thành kho chuyên dụng để hỗ trợ cho sinh viên ngành thời trang khắp cả nước. Dự án này có tên gọi là Giải pháp vải may mặc dành cho sinh viên, nhằm hỗ trợ nguồn nguyên liệu cho sinh viên, đồng thời giảm thiểu chất thải trong ngành. Dự án này nhận được nhiều sự quan tâm và có 24 thương hiệu, trong đó có những tên tuổi nổi tiếng như: Victoria Beckham, Paul Smith, Simone Rocha, Roksanda... đồng ý tài trợ các nguyên liệu từ xưởng của họ.

Trước đó, một dự án tương tự mang tên ReBurberry đã được Hội đồng thời trang Anh quốc và Burberry thí điểm vào đầu năm 2021. Trong dự án ReBurberry, hãng thời trang đã quyên góp vật liệu vải không sử dụng để hỗ trợ các trường cao đẳng và thương hiệu khác. Các nhãn hàng khác cũng bắt đầu tham gia vào quá trình giảm thiểu lãng phí nguyên liệu. Hãng Dunhill, McQueen cũng đã bắt đầu quyên góp những phần vải dư thừa của họ. Nhà thiết kế người Anh Deborah Lyons cũng đã thành lập một cộng đồng trực tuyến mang tên Hiệp hội Vải, nhằm hỗ trợ miễn phí cho sinh viên thời trang hay các nhà thiết kế tìm kiếm nguồn vải phục vụ cho công việc của họ. Những dự án như thế này được đánh giá cao và nhận được sự quan tâm, vì không chỉ giảm thiểu rác thải mà còn khơi nguồn sáng tạo, tạo động lực cho nhiều người gắn bó với ngành thời trang.

Xu hướng thời trang bền vững và thân thiện với môi trường đang được lan tỏa, với nhiều sản phẩm sáng tạo mới ra mắt và được yêu thích. Cụ thể, bộ sưu tập phụ kiện hợp tác giữa Amber Valletta và hãng Karl Lagerfeld đang thu hút sự chú ý khi sử dụng các chất liệu thân thiện môi trường. Ðiểm nhấn trong bộ sưu tập này là làm mới chiếc túi K/Kushion từng được ra mắt lần đầu trong bộ sưu tập mùa thu 2020 của hãng Karl Lagerfeld. Sản phẩm lần này có 2 phiên bản với 2 nguyên liệu chính là bông hữu cơ và da được làm từ cây xương rồng. Toàn bộ phần da túi được may bằng da xương rồng do công ty Desserto của Mexico phát triển, tạo sự thân thiên môi trường và dễ dàng tái chế. Một phiên bản khác làm từ bông tái chế được chứng nhận GRS (Global Recycle Standard, tiêu chuẩn tái chế toàn cầu).

Trong một nỗ lực khác, Amber Valletta và hãng Karl Lagerfeld đang tiếp tục tìm tòi những nguyên liệu thân thiện môi trường để sáng tạo những bộ sưu tập thời trang độc đáo. Dự kiến bộ sưu tập sẽ sớm được ra mắt vào mùa xuân năm 2022.

 BẢO LAM (Tổng hợp từ Vouge, WWD)

Chia sẻ bài viết