24/11/2020 - 15:03

Xin hãy tự trọng! 

Một sự kiện nổi bật nhưng đáng buồn của làng văn chương vừa xảy ra khiến nhiều người ngao ngán. Ngay sau khi danh sách 54 tác giả trở thành tân hội viên Hội Nhà văn Việt Nam được công bố vài ngày, Hội Nhà văn Việt Nam lại phải ra quyết định “chẳng đặng đừng”: thu hồi quyết định kết nạp 1 hội viên!

Thông báo thu hồi quyết định kết nạp hội viên của Hội Nhà văn Việt Nam được đăng tải công khai. Ảnh chụp màn hình.

Hội viên ấy là bà Dương Thiên Lý, nguyên hội viên Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh Bình Phước. Lý do là bà đã từng đạo thơ rất nhiều lần. Là người cầm bút, đạo thơ dù chỉ 1 lần và bị phát hiện đã là rất đáng xấu hổ, nhưng bà ít nhất từng 5 lần bị phát hiện đạo thơ. Có thể kể đến như năm 2003, bà đã đạo và “chịu khó sửa chút đỉnh” bài thơ “Trên núi” của nhà thơ Nguyệt Hồ thành bài “Người tôi yêu”; hay năm 2011 bà lấy bài thơ “Trăng hạ huyền Hồ Gươm” của nhà thơ Nguyễn Vũ Tiềm “hô biến” thành bài thơ “Mi trắng” và lần này chỉ khác... cái tựa! Sự “bền chí” của “nữ sĩ” này mới đáng xấu hổ làm sao.

Vấn đề đáng bàn nữa ở đây là lỗi của “nhà thơ” này đã rõ và nhiều người biết nhưng trớ trêu thay Hội Nhà văn Việt Nam lại không biết! Bằng chứng là bà đã nghiễm nhiên lọt qua những vòng xét chọn được cho là nghiêm ngặt để trở thành hội viên Hội Nhà văn Việt Nam. Một người có “bề dày” đạo thơ như vậy mà lại được kết nạp thì... hỡi ôi!

Thực tế thời gian qua, làng văn chương Việt cứ thỉnh thoảng lại lùm xùm những vụ đạo văn, đạo thơ. Có người “cầm nhầm” của người khác truyện ngắn hay bài thơ lại còn “can đảm” đi tham dự các cuộc thi văn chương. Ðiển hình như tác giả trẻ K.H vướng lùm xùm chuyện “trùng ý tưởng” với một nữ nhà văn tên tuổi trong một truyện ngắn và mang đi thi. Chẳng biết rủi hay may khi nữ nhà văn ấy lại chính là giám khảo của cuộc thi. Sau lùm xùm đó, tác giả kia lại tiếp tục dính tai tiếng tương tự. Hay đầu năm 2020, tác giả T.Ð đã đoạt giải Ba một cuộc thi thơ với tác phẩm “Lục bát tôi về”, nhưng điều đáng nói là bài thơ này thật ra của tác giả Trần Trí Thông với tên gốc là “Chân bùn em lội”.

Thiên chức của văn chương, suy cho cùng, vẫn là làm đẹp cho đời, cho người. Người cầm bút có sứ mệnh mang đến cho người đọc những gì chân thật nhất, đời nhất và đẹp nhất bằng xúc cảm cuộc sống, bằng nhãn quan của người nghệ sĩ. Vậy nên, đã không viết được thơ, làm được văn, thì thôi hãy tìm thú vui khác mà trải lòng, đừng “lộng giả thành chân” để mua danh cho mình. Là người cầm bút, xin hãy tự trọng!

ĐĂNG HUỲNH

Chia sẻ bài viết