28/08/2024 - 10:28

Xem kịch qua... truyện tranh 

Lần đầu tiên, một quyển truyện tranh được ra mắt từ cảm hứng một vở kịch sân khấu. Với thương hiệu "Ngày xửa ngày xưa", cả kịch và truyện tranh đều được người hâm mộ rất yêu thích.

Quảng bá vở kịch "Cuộc phiêu lưu của thuyền trưởng Sinbad - Đại chiến nàng tiên cá". Ảnh: Idecaf

"Cuộc phiêu lưu của thuyền trưởng Sinbad - Ðại chiến nàng tiên cá" vốn là vở kịch trong chương trình "Ngày xửa ngày xưa" số 33, do Sân khấu Idecaf thực hiện, diễn lần đầu tiên vào năm 2022 tại Nhà hát Bến Thành (TP Hồ Chí Minh), sau khi dịch COVID-19 được kiểm soát. Ðó là câu chuyện về thuyền trưởng Sinbad (do Ðình Toàn đóng) và thủy thủ đoàn nhận được lời mời đến vịnh Tiên Cá để tham gia buổi trao truyền Thủy ngọc quyền năng cho công chúa Mê Ly (do NSƯT Mỹ Duyên đóng). Buổi lễ đang đến thời khắc quan trọng nhất thì nàng tiên cá đen Mê La (do NSƯT Thành Lộc đóng) và đồng bọn xuất hiện quyết đòi lại Thủy ngọc quyền năng. Ðòi không được, Mê La dùng tà thuật phá nát buổi lễ và nhốt cả dòng họ tiên cá trắng. Thuyền trưởng Sinbad cùng thủy thủ đoàn ra tay nghĩa hiệp, bảo vệ chính nghĩa. Vở kịch mang đến bài học về tình yêu thương và bảo vệ môi trường.

Vở diễn do nghệ sĩ Quang Thảo biên kịch, nghệ sĩ Ðình Toàn làm đạo diễn. Có hơn 60 diễn viên tham gia vở, gồm những nghệ sĩ nổi tiếng, gắn liền với thương hiệu "Ngày xửa ngày xưa" như Hữu Châu, Hoàng Trinh, Bạch Long, Hương Giang, Lê Khánh, Tuấn Khải, Tuấn Khôi…

Và để lưu lại dấu ấn của "Ngày xửa ngày xưa" số 33, kết thúc một mùa hè thật đẹp, Idecaf đã cho ra mắt truyện tranh "Cuộc phiêu lưu của thuyền trưởng Sinbad - Ðại chiến nàng tiên cá". Truyện tranh do chính nghệ sĩ Quang Thảo chuyển thể từ kịch bản sân khấu với phần vẽ tranh do Comicola Studio thực hiện. Theo nghệ sĩ Quang Thảo, với mong muốn mang đến cho độc giả trải nghiệm mới mẻ, phiên bản truyện tranh sẽ có nhiều nét tương đồng nhưng cũng sẽ có những điểm mới so với phiên bản kịch. Câu chuyện sẽ được kể lại với màu sắc sinh động, phù hợp với thể loại. Còn theo các họa sĩ của Comicola Studio, việc minh họa cho truyện tranh được nhóm tham khảo, dựa trên tạo hình của các nhân vật trên sân khấu kịch, với những hình tượng nhân vật phù hợp với truyện tranh Việt Nam.

Ra đời từ tháng 9-1997, sau 24 năm hoạt động, Sân khấu kịch Idecaf đã trở thành thương hiệu cho sân khấu kịch nói dành cho trẻ em, hầu hết các vở kịch đều gây được tiếng vang, thể hiện qua số lượng suất chiếu và khán giả. Ðã có hàng trăm vở kịch dành cho thiếu nhi, người lớn, đặc biệt là chuỗi chương trình "Ngày xửa ngày xưa" ra mắt lần đầu vào tháng 6-2000, với vở "Tấm Cám", đến nay đã có 35 vở diễn được ra mắt, tạo dấu ấn sâu sắc với khán giả. Một số vở tiêu biểu như "Công chúa Chích Chòe", "Aladin và đủ thứ thần", "Chuyện thần tiên xứ Phù Tang"... Mới nhất và đơn cử nhất là chương trình "Ngày xửa ngày xưa" số 35 vào mùa hè này, với vở "Cuộc phiêu lưu của thuyền trưởng Sinbad - Huyền thoại mắt thần", đã có 40 suất diễn, phục vụ hơn 60.000 khán giả.

Ðể quảng bá, Sân khấu kịch Idecaf đã ra mắt kênh YouTube chính thức vào cuối năm 2023 với tên "Kịch Idecaf". Kênh đăng tải những vở diễn của chương trình "Ngày xửa ngày xưa", cùng những chuyện hậu trường, bên lề, hoạt động của sân khấu kịch này. "Kịch Idecaf" hiện đang thu hút lượt xem và theo dõi khá lớn.

DUY KHÔI

Chia sẻ bài viết