03/09/2021 - 07:28

Xây dựng và phát triển đội ngũ cán bộ người dân tộc thiểu số ở Tây Nam bộ
Bài 2: Thuận từ chủ trương, kết quả khả quan từ thực tiễn
 

Việt Nam là quốc gia đa dân tộc, với tỷ lệ đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) chiếm trên 14,7% dân số. Do vậy, trong quá trình phát triển, Ðảng ta đã dày công xây dựng, đào tạo, phát triển đội ngũ cán bộ DTTS. Công tác này được các địa phương vùng ÐBSCL đặc biệt quan tâm. Số lượng, chất lượng đảng viên và cán bộ, công chức, viên chức người DTTS ngày càng được nâng lên, cơ bản đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội vùng DTTS.

Ông Lâm Văn Mẫn (bìa trái), Bí thư Tỉnh ủy Sóc Trăng nhiệm kỳ 2020-2025, thăm và động viên lực lượng trực chốt phòng, chống dịch COVID-19 tại huyện Châu Thành. Ảnh: LÝ THEN

Thuận từ chủ trương…

Nguyên là Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc, ông Sơn Phước Hoan có nhiều đóng góp trong xây dựng, thực hiện chính sách cho vùng đồng bào DTTS, trong đó có việc phát triển đội ngũ cán bộ người DTTS. Ông Sơn Phước Hoan chia sẻ: Từng giai đoạn cách mạng, Ðảng và Nhà nước ta đều có chủ trương, chính sách xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức người DTTS. Ðiển hình như, ngày 12-3-2003, Ban Chấp hành Trung ương Ðảng ban hành Nghị quyết số 24-NQ/TW về công tác dân tộc, chủ trương thực hiện tốt công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng cán bộ là người DTTS cho từng vùng, từng dân tộc. Ngày 14-1-2011, Chính phủ ban hành Nghị định số 05/2011/NÐ-CP về công tác dân tộc. Ðiều 11 của Nghị định này quy định: Cán bộ người DTTS có năng lực và đủ tiêu chuẩn phù hợp quy định của pháp luật, được bổ nhiệm vào các chức danh cán bộ chủ chốt, cán bộ quản lý các cấp. Ở các địa phương vùng DTTS, nhất thiết phải có cán bộ chủ chốt người DTTS. Các bộ, ngành, địa phương có trách nhiệm quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, bổ nhiệm, sử dụng đội ngũ cán bộ người DTTS. Tại Kết luận số 65-KL/TW, ngày 30-10-2019, của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW, tiếp tục khẳng định: “Tăng cường phát triển đảng viên là người DTTS và khắc phục tình trạng không có tổ chức đảng và đảng viên ở các thôn, bản, nhất là đảng viên là người DTTS ở những vùng trọng điểm, vùng đặc biệt khó khăn, vùng biên giới… Tập trung phát triển nguồn nhân lực và xây dựng đội ngũ cán bộ DTTS… Chú trọng phát hiện, quy hoạch, bồi dưỡng, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao và thực hiện tốt chính sách tuyển dụng, sử dụng, đãi ngộ cán bộ là người DTTS…”.

Từ các chủ trương lớn của Ðảng, Chính phủ cũng đã xây dựng quy hoạch, kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng, bố trí, sử dụng cán bộ, công chức người DTTS, như: Nghị quyết số 52/NQ-CP về đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực các DTTS giai đoạn 2016-2020, định hướng đến năm 2030; Quyết định 402/QÐ-TTg  về Ðề án phát triển đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức người DTTS trong thời kỳ mới…

Riêng vùng Tây Nam bộ, Ban Bí thư đã ban hành Chỉ thị 68-CT/TW, ngày 18-4-1991, về công tác ở vùng đồng bào dân tộc Khmer và Chỉ thị số 19-CT/TW, ngày 10-1-2018, về tăng cường công tác ở vùng đồng bào dân tộc Khmer trong tình hình mới. Ở cả 2 chỉ thị, Ban Bí thư đều yêu cầu các địa phương thực hiện tốt công tác cán bộ trong hệ thống chính trị vùng đồng bào dân tộc Khmer. “Có thể nói, Chỉ thị 68-CT/TW, Chỉ thị số 19-CT/TW và các quy định của Trung ương đã được các địa phương vùng Tây Nam bộ cụ thể hóa và triển khai thực hiện khá phù hợp với điều kiện của từng địa phương. Qua đó, công tác xây dựng, phát triển đội ngũ cán bộ người DTTS, nhất là cán bộ Khmer ở vùng Tây Nam bộ đã đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ” - ông Sơn Phước Hoan cho biết.

Tăng cả về số lượng lẫn chất lượng

Sóc Trăng là tỉnh có đông đồng bào Khmer sinh sống, toàn tỉnh hiện có trên 361.000 người Khmer, chiếm trên 30% dân số, có 63/109 đơn vị xã, phường, thị trấn có đông đồng bào Khmer. Trên cơ sở các chủ trương, nghị quyết, kết luận của Trung ương về công tác cán bộ, công tác dân tộc và chính sách dân tộc, Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã cụ thể hóa thành các nghị quyết, chuyên đề, kết luận, kế hoạch, đề án sát hợp với vùng đồng bào Khmer. “Nhờ đó, việc quy hoạch tạo nguồn, đào tạo, bố trí, sử dụng cán bộ người Khmer có nhiều chuyển biến về nội dung và phương pháp, góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ người Khmer trên địa bàn tỉnh ngày càng tăng về số lượng và nâng cao về chất lượng. Toàn tỉnh có trên 350 cán bộ người dân tộc Khmer tham gia cấp ủy các cấp; trong đó, cấp ủy tỉnh có 8/51 đồng chí, tỷ lệ 15,68%; cấp ủy cấp huyện có 35/511 đồng chí, tỷ lệ 6,85% và cấp uỷ cơ sở có 307/3.413 đồng chí, tỷ lệ 8,99%; có 159/775 đồng chí bí thư chi bộ đồng thời là trưởng ban nhân dân ấp, khóm là người dân tộc Khmer” - ông Lâm Tiến Thạch, Phó Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy Sóc Trăng, thông tin.

Cán bộ cơ sở ở Tân Mỹ, huyện Trà Ôn, tỉnh Vĩnh Long gần gũi với cơ sở (Ảnh chụp khi dịch COVID-19 chưa bùng phát). Ảnh: LY GIANG

Ngày 14-3-2016, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 402/QÐ/TTg phê duyệt Ðề án phát triển đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức người DTTS trong thời kỳ mới. Trước đó, ngày 9-9-2011, Tỉnh ủy Trà Vinh có Nghị quyết số 03 NQ/TU về phát triển toàn diện vùng đồng bào dân tộc Khmer giai đoạn 2011-2015. Kế thừa và phát huy những kết quả đạt được trong triển khai thực hiện Nghị quyết số 03 NQ/TU, ngày 7-6-2016, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Trà Vinh có Kế hoạch số 18-KH/TU về tạo nguồn cán bộ nữ, cán bộ dân tộc giữ chức danh lãnh đạo quản lý các cấp trong tỉnh nhiệm kỳ 2020-2025 và những năm tiếp theo. “Với quyết tâm chính trị cao, tinh thần trách nhiệm của từng cơ quan, đơn vị, địa phương trong triển khai thực hiện, đến nay, tỉnh Trà Vinh đã đạt được một số kết quả đáng khích lệ trong phát triển đội ngũ cán bộ DTTS. Giai đoạn 2016-2020, toàn tỉnh có 140 cán bộ, công chức, viên chức là người dân tộc Khmer, chiếm 17,7% trong tổng cán bộ, công chức, viên chức của tỉnh được cử đi đào tạo đại học, sau đại học; 3.330 cán bộ, công chức, viên chức người dân tộc Khmer, chiếm 13,15% trong tổng số cán bộ công chức, viên chức của tỉnh được cử đi bồi dưỡng nghiệp vụ quản lý nhà nước. Tỉnh cũng triển khai chính sách thu hút, trọng dụng, tạo nguồn, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức người DTTS. Theo đó, tỉnh tiếp nhận 62 sinh viên người dân tộc Khmer có trình độ đại học công tác ở xã, phường, thị trấn và hợp tác xã nông nghiệp. Tỉnh cũng thu hút được 26 ứng viên là người DTTS tham gia thực hiện đề án Thu hút bác sĩ về công tác trên địa bàn tỉnh Trà Vinh giai đoạn 2013-2020” - ông Lê Văn Hẳn, Chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh, cho biết.

Theo thống kê chưa đầy đủ từ Vụ Ðịa phương III, Ủy ban Dân tộc, năm 2019, trên địa bàn 8 tỉnh (An Giang, Bạc Liêu, Cà Mau, Hậu Giang, Kiên Giang, Sóc Trăng, Trà Vinh, Vĩnh Long) và TP Cần Thơ có gần 24.600 đảng viên là người DTTS; trên 17.500 cán bộ, công chức, viên chức người DTTS. Hiện nay, có 20 cán bộ đảng viên người DTTS tham gia ban chấp hành tỉnh ủy; trong đó có 1 đảng viên Khmer là Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Ðảng khóa XIII, 5 đồng chí tham gia ban thường vụ tỉnh ủy. Trong đó, 1 đồng chí là Bí thư Tỉnh ủy Sóc Trăng, 1 đồng chí là Phó Bí thư Tỉnh ủy Trà Vinh. Trên địa bàn 9 tỉnh, thành phố nêu trên có 10 đại biểu là người DTTS trúng cử đại biểu Quốc hội khóa XV; có 44 đại biểu người DTTS trúng cử HÐND cấp tỉnh. Ông Tào Việt Thắng, Phó Vụ trưởng Vụ Ðịa phương III, nhận định: Số lượng, chất lượng đảng viên và cán bộ, công chức, viên chức DTTS ở các địa phương có đông đồng bào DTTS sinh sống trong vùng ÐBSCL ngày càng nâng lên, cơ bản đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội vùng DTTS.

(Còn tiếp)

Bài 3: Cán bộ dân tộc thiểu số vẫn còn thiếu so với yêu cầu thực tiễn

Nhóm PV Báo Cần Thơ Khmer ngữ

Chia sẻ bài viết