02/09/2021 - 08:59

Xây dựng và phát triển đội ngũ cán bộ người dân tộc thiểu số ở Tây Nam bộ
Bài 1: Phát huy vai trò cán bộ người dân tộc thiểu số 

Sinh thời Bác Hồ đã dạy “Muôn việc thành công hay thất bại đều là do cán bộ tốt hay kém”. Đối với vùng đồng bào DTTS, vai trò của cán bộ người DTTS càng quan trọng.

ĐBSCL có trên 1,5 triệu đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS), chiếm khoảng 6,8% dân số toàn vùng. Vì thế, các địa phương đặc biệt chú trọng việc phát huy và phát triển đội ngũ cán bộ người DTTS. Tuy vậy, kết quả thực hiện chính sách này cũng còn một số hạn chế, bất cập cần có giải pháp khắc phục để đội ngũ cán bộ người DTTS ngày càng lớn mạnh, góp phần phát triển vùng đồng bào dân tộc.

Sợi dây liên kết…

Đại hội Chi bộ ấp Phù Ly 2 lần thứ IV, nhiệm kỳ 2019-2022. Ảnh: LY GIANG.

Đại hội Chi bộ ấp Phù Ly 2 lần thứ IV, nhiệm kỳ 2019-2022. Ảnh: LY GIANG.

Ông Sơn Phước Hoan, nguyên Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc, từng ví von: Cán bộ là người đem chủ trương của Đảng, chính sách của Chính phủ giải thích cho dân chúng hiểu rõ và thi hành. Đồng thời đem tình hình của dân chúng báo cáo cho Đảng, cho Chính phủ hiểu rõ, để đặt chính sách cho đúng. Vậy nên, cán bộ dân tộc chính là sợi dây liên kết giữa đồng bào dân tộc với Đảng, với chính quyền, nhất là chính quyền cơ sở, một cách hiệu quả nhất.

Anh Sơn Sà Ranh hiện là Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã Phú Mỹ, huyện Mỹ Tú, tỉnh Sóc Trăng. Anh đã từng kinh qua nhiều vị trí, công việc khác nhau: Bí thư Xã đoàn Phú Mỹ, Chủ tịch Ủy ban MTTQVN xã Phú Mỹ, Phó Bí thư Đảng ủy xã Phú Mỹ, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Huyện ủy Long Phú… Vì thế, anh am hiểu khá tường tận chủ trương, chính sách, nhất là chính sách dành cho vùng đồng bào dân tộc. Anh Sà Ranh chia sẻ: “Tôi luôn chú trọng quy hoạch, phát triển và đào tạo những cán bộ trẻ, nhất cán bộ người Khmer có năng lực, nhiệt tình trong công việc. Cán bộ người dân tộc sẽ có ưu thế hơn trong việc tìm hiểu, nắm bắt tâm tư, tình cảm của đồng bào DTTS để tuyên truyền, vận động người dân thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước một cách hiệu quả”.

Nói về anh Sà Ranh, Đại đức Liêu Huyền, Trụ trì chùa Bưng Cốc, kể rằng hằng tháng, hằng quý, vào những ngày rằm và 30 âm lịch, anh Ranh thường kết hợp với sư sãi và Ban Quản trị chùa thông tin về tình hình kinh tế - xã hội của xã và các chương trình, dự án đầu tư để bà con phật tử hiểu về chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước. “Nhất là khi xã tổ chức họp dân triển khai chủ trương, hay nói chuyện với người dân về phòng, chống dịch COVID - 19, Sà Ranh trực tiếp đến giảng giải bằng tiếng Việt, rồi tiếng Khmer nên dân rất dễ hiểu. Từ đó, khi vận động dân hiến đất xây dựng đường nông thôn, trường học, lắp đèn đường năng lượng mặt trời, camera an ninh, đến việc thực hiện 5K, “ai ở đâu ở yên đấy” để phòng, chống dịch… người dân rất đồng tình thực hiện” - Đại đức Liêu Huyền nói.

Xã Long Hiệp, huyện Trà Cú, tỉnh Trà Vinh có đến 83% dân số là đồng bào dân tộc Khmer, đời sống kinh tế còn nhiều khó khăn. Ông Kim Bảy Ly, Chủ tịch UBND xã, chia sẻ: “Tôi được sinh ra và lớn lên ở vùng quê nghèo Long Hiệp. Vì thế, tôi rất sợ cái nghèo đeo bám, nhất là trong đồng bào dân tộc…”. Với suy nghĩ đó, ông Ly thường xuyên đến gặp gỡ, tìm hiểu đời sống của từng gia đình, lập danh sách hộ nghèo để tìm cách giúp đỡ bà con phát triển kinh tế. “Bà con dân tộc Khmer còn hạn chế trình độ học vấn, kể cả trình độ tiếng Khmer. Mỗi lần đến các ấp tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, hoặc tiếp xúc cử tri, chúng tôi đều sử dụng hai thứ tiếng Việt - Khmer để bà con dễ hiểu và thực hiện. Sau đó, mình phải lắng nghe bà con, tạo điều kiện cho bà con có việc làm ổn định” - ông Kim Bảy Ly chia sẻ. Ông Kim Phước, người có uy tín trong đồng bào Khmer, cho biết: “Chủ tịch xã là cán bộ lo cho dân. Khi dân có việc cần, Chủ tịch xã cố gắng giải quyết, giúp đỡ. Chú Bảy Ly chính là hình mẫu Chủ tịch xã mà bà con Khmer quý mến”.

Nói về việc xây dựng và phát triển đội ngũ cán bộ người DTTS cho vùng có đông đồng bào DTTS, ông Sa Vu Thy, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Lê Trì, huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang, chia sẻ: Hơn ai hết, cán bộ người dân tộc biết tiếng, am hiểu phong tục, tập quán của dân tộc mình. Từ đó, cán bộ mới hiểu được xuất phát điểm của người dân là gì, người dân có khó khăn gì, cần hỗ trợ như thế nào… 

… Phát triển vùng đồng bào DTTS

Với sự đóng góp của đội ngũ cán bộ người DTTS trog công tác vận động nhân dân, hạ tầng vùng đồng bào DTTS ở Tây Nam bộ ngày càng phát triển. Trong ảnh: Một góc giao thông nông thôn ở xã Lê Trì, huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang. Ảnh: THANH LONG

Với sự đóng góp của đội ngũ cán bộ người DTTS trog công tác vận động nhân dân, hạ tầng vùng đồng bào DTTS ở Tây Nam bộ ngày càng phát triển. Trong ảnh: Một góc giao thông nông thôn ở xã Lê Trì, huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang. Ảnh: THANH LONG

Theo ông Nguyễn Văn Mễ, Bí thư Đảng ủy xã Đông Bình, thị xã Bình Minh, tỉnh Vĩnh Long, Phù Ly 2 là ấp có đông đồng bào dân tộc Khmer sinh sống của xã Đông Bình. Do đó, Đảng ủy xã xác định cần phải xây dựng hệ thống chính trị tại ấp thật vững chắc dựa trên số đảng viên dân tộc Khmer. Chi bộ ấp Phù Ly 2 hiện có 19 đảng viên, trong đó có 10 đảng viên người dân tộc Khmer. Chi ủy hiện có 3 đồng chí và cả 3 đồng chí đều là người Khmer. Ấp Phù Ly 2 cũng là nơi tổ chức đại hội điểm Đại hội Chi bộ lần thứ IV, nhiệm kỳ 2019-2022 của xã Đông Bình. Ông Nguyễn Văn Mễ cho biết: “Việc chọn Chi bộ ấp Phù Ly 2 để tổ chức đại hội điểm xuất phát từ những thành tích mà Chi ủy nhiệm kỳ trước đã đạt được. Chi bộ đã thực hiện tốt công tác tuyên truyền, vận động người dân thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững; giám sát việc thực hiện các chương trình, dự án đặc thù của Nhà nước dành cho các hộ đồng bào DTTS trên địa bàn. Từ đó, góp phần xây dựng xã Đông Bình được công nhận xã nông thôn mới”.

Bà Thạch Thị Thủy, Phó Bí thư Chi bộ ấp Phù Ly 2, chia sẻ: “Xác định kiện toàn bộ máy hoạt động của Chi bộ là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu, nhiệm kỳ trước, chúng tôi đã kịp thời đề nghị thay 1 đồng chí công an viên, 1 đồng chí hội người cao tuổi, 1 đồng chí hội cựu chiến binh và thay đổi 3 tổ nhân dân tự quản. Nhờ vậy, chính quyền, mặt trận, đoàn thể hoạt động rất đều tay và luôn đạt hiệu quả”. Chi bộ đã vận động hiệu quả nhân dân tham gia các hội đoàn thể, góp phần thực hiện hoàn thành chỉ tiêu về nhà ở, dạy nghề để giải quyết việc làm cho lao động nông thôn. Từ sự vận động của Chi bộ, 98% hộ dân tham gia và đạt chuẩn gia đình văn hóa. Dọc các tuyến đường đan trong ấp đều được trồng hoa hoàng yến, tạo nên tuyến đường đẹp, cảnh quan môi trường sáng - xanh - sạch - đẹp… Chi bộ còn tuyên truyền, vận động người dân sử dụng hiệu quả các hỗ trợ của Nhà nước để phát triển kinh tế, nên toàn ấp hiện chỉ còn 6 hộ nghèo. Theo ông Mễ, xuất phát điểm của Phù Ly 2 là ấp khó khăn và nguyên nhân để ấp phát triển như vậy là nhờ vào lực lượng cán bộ ấp là người DTTS số đã hoạt động rất hiệu quả, nhất là trong công tác tuyên truyền, vận động đồng bào dân tộc. 

Đó chỉ là một minh chứng sinh động trong việc xây dựng lực lượng cán bộ cơ sở đủ mạnh để phát triển vùng đồng bào DTTS. Theo Ủy ban Dân tộc, giai đoạn 2016-2020, vùng Tây Nam bộ có 10 xã và 110 ấp hoàn thành mục tiêu Chương trình 135; giai đoạn này, hằng năm có 13.000 hộ DTTS thoát nghèo… Kết quả này, theo như ông Men Pholly, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh An Giang, đúc kết: Những nơi cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận, đoàn thể cùng đoàn kết, nhận thức đúng nội dung, ý nghĩa quan trọng của các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, Nhà nước về công tác dân tộc nói chung, chính sách đối với cán bộ người DTTS nói riêng, nơi đó thực hiện công tác dân tộc đạt hiệu quả. Hay nói cách khác, chính năng lực công tác của cán bộ, nhất là cán bộ người DTTS là yếu tố quan trọng quyết định sự thành công trong việc đưa chính sách dân tộc đến gần hơn với cuộc sống đồng bào.

* * *

Với vai trò quan trọng là sợi dây liên kết, là người trực tiếp đưa chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến với vùng đồng bào DTTS, từng bước góp phần phát triển vùng đồng bào DTTS nên việc phát triển đội ngũ cán bộ người DTTS luôn được Đảng, Nhà nước ta đặc biệt quan tâm.

Nhóm PV Báo Cần Thơ Khmer ngữ

(Còn tiếp)

Bài 2: Thuận từ chủ trương, kết quả khả quan từ thực tiễn

Chia sẻ bài viết