31/01/2023 - 09:43

Xây dựng cơ chế đột phá phát triển hạ tầng giao thông 

T. TRINH

Việc triển khai đầu tư, phát triển kết cấu hạ tầng giao thông được đặc biệt chú trọng với tư duy mới, cách làm mới đảm bảo cả 3 mục tiêu "chất lượng, tiến độ, hiệu quả". Trong năm 2023, đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, hàng đầu cần được ưu tiên thực hiện trong năm 2023. Ngành Giao thông vận tải (GTVT) phối hợp các bộ, ngành, địa phương huy động tối đa các nguồn lực xã hội tham gia phát triển kết cấu hạ tầng giao thông…

Nghi thức lễ khởi công Dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Ðông giai đoạn 2021-2025 tại điểm cầu tỉnh Hậu Giang. Ảnh: Anh Khoa

Rốt ráo vào cuộc

Trong giai đoạn 2021-2025, Quốc hội, Chính phủ tiếp tục ưu tiên bố trí nguồn lực lớn để phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, trong đó ưu tiên các dự án quan trọng có tính chất động lực phục vụ phát triển kinh tế xã hội. Với mục tiêu đến năm 2025 cả nước sẽ có khoảng 3.000km đường bộ cao tốc và cơ bản hoàn thành tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Ðông từ Lạng Sơn đến Cà Mau, hoàn thành giai đoạn 1 Cảng Hàng không Quốc tế Long Thành, chuẩn bị đầu tư đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam và triển khai một số dự án nâng cấp, đầu tư mới các cảng hàng không, cảng biển, luồng hàng hải - đường thủy nội địa quan trọng khác.

Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Danh Huy cho biết, ngay từ đầu năm 2022, Bộ GTVT đã tập trung nguồn lực, chỉ đạo các cơ quan tham mưu làm việc không kể ngày đêm, phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương kịp thời trình, phê duyệt chủ trương đầu tư 54 dự án nhóm A, B, C. Lần đầu tiên trong 1 năm, Bộ GTVT đã trình và được Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư 6 dự án quan trọng quốc gia, gồm: Cao tốc Bắc - Nam phía đông giai đoạn 2021-2025 cùng các dự án cao tốc: Biên Hòa - Vũng Tàu, Châu Ðốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột, Vành đai 3 TP Hồ Chí Minh và Vành đai 4 Vùng Thủ đô Hà Nội.

Ngành GTVT vượt qua nhiều khó khăn, thách thức để hoàn thành và đưa vào khai thác đảm bảo chất lượng 22 dự án. Trong đó có nhiều dự án quan trọng như đường cao tốc đoạn Cam Lộ - La Sơn; đường cất hạ cánh tại Cảng Hàng không Quốc tế Nội Bài, Cảng Hàng không Quốc tế Tân Sơn Nhất; thông xe tuyến chính 3 dự án thành phần đường cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 1... Hoàn thiện toàn bộ thủ tục theo đúng quy định pháp luật để khởi công 18 dự án động lực như nhà ga T3 Cảng Hàng không Quốc tế Tân Sơn Nhất, cầu Rạch Miễu 2… Ðặc biệt lần đầu tiên ngành GTVT tổ chức khởi công đồng loạt 12 dự án thành phần theo hình thức trực tuyến dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Ðông giai đoạn 2021-2025. Ðáng chú ý là, tính từ thời điểm phê duyệt chủ trương đầu tư đến thời điểm khởi công chỉ chưa đầy 1 năm, rút ngắn hơn một nửa thời gian chuẩn bị so với trước đây. Tỷ lệ giải ngân tiếp tục duy trì trong nhóm đầu của các bộ, ngành. Dự kiến hết năm tài chính, sẽ giải ngân được 95,7% tổng kế hoạch
được giao…

Nghiên cứu xây dựng cơ chế đột phá

Trong năm 2023, Bộ GTVT sẽ hoàn thiện thủ tục đầu tư để khởi công 23 dự án và hoàn thành 29 dự án; phấn đấu giải ngân tối thiểu 90% kế hoạch năm 2023 được Thủ tướng Chính phủ giao là khoảng 94.161 tỉ đồng.

Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng cho biết: Bộ GTVT sẽ tiếp tục xây dựng kế hoạch đầu tư và bố trí nguồn vốn có ưu tiên, trọng tâm, trọng điểm. Ðồng thời, nghiên cứu xây dựng cơ chế đột phá để huy động tối đa các nguồn lực xã hội tham gia phát triển kết cấu hạ tầng giao thông theo phương châm vốn Nhà nước là vốn mồi, bảo đảm hài hòa lợi ích của Nhà nước, người dân và doanh nghiệp. Công tác phân cấp, phân quyền trong đầu tư xây dựng cơ bản sẽ được đẩy mạnh. Ðối với các dự án đang triển khai, Bộ GTVT cũng sẽ phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành, địa phương để giải quyết khó khăn về vật liệu, công tác giải phóng mặt bằng, biến động giá nhiên liệu, vật liệu; tăng cường kiểm tra hiện trường, chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm trong hoạt động xây dựng, cản trở tiến độ giải ngân…

Theo báo cáo, nhu cầu vật liệu cát đắp nền đường cho các dự án đường cao tốc khu vực ÐBSCL (khởi công trong giai đoạn 2022-2025) lên đến 40 triệu mét khối; trong đó, năm 2023 cần khoảng 17 triệu mét khối. Ngoài ra, nhu cầu cát làm vật liệu san lấp cho các công trình hạ tầng kỹ thuật của các địa phương khu vực ÐBSCL đến năm 2030 lên tới hàng trăm triệu mét khối. Trong khi đó, nguồn cát từ khai thác cát lòng sông chỉ đáp ứng được khoảng 50% trữ lượng.

Về vấn đề này, ông Trần Quý Kiên, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết: Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về chuẩn bị nguồn vật liệu đắp nền cho các dự án giao thông trọng điểm khu vực ÐBSCL, Bộ Tài nguyên và Môi trường cam kết sẽ có kết quả giai đoạn 1 trong tháng 8-2023 và báo cáo toàn bộ tài nguyên trữ lượng tại khu vực trong tháng 12-2023. Dự kiến, cuối năm 2023, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ công bố kết quả việc sử dụng cát biển có đáp ứng, đảm bảo điều kiện kỹ thuật, an toàn môi trường xung quanh trong sử dụng đắp nền thi công cao tốc…

Các địa phương có dự án đi qua đang rốt ráo thực hiện công tác giải phóng mặt bằng đảm bảo tiến độ. Theo ông Trần Việt Trường, Chủ tịch UBND TP Cần Thơ, thành phố yêu cầu Sở GTVT phối hợp với UBND quận Cái Răng hoàn thành bàn giao 100% diện tích mặt bằng dự án đường cao tốc Cần Thơ - Hậu Giang trong quý II-2023. Ðồng thời, phối hợp với Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng thành phố cùng các sở, ngành và địa phương có liên quan hoàn thành các công việc đảm bảo khởi công dự án đường cao tốc Châu Ðốc - Cần Thơ - Sóc Trăng đoạn qua địa bàn thành phố trước ngày 30-6-2023…

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đề nghị Bộ GTVT phối hợp với các Bộ, ngành liên quan tập trung tháo gỡ các vướng mắc để huy động mọi nguồn lực cho đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng giao thông bằng các hình thức BT, BOT. Ngành GTVT và các địa phương chủ động, tích cực, đổi mới sáng tạo hơn nữa trong phát triển hạ tầng, không trông chờ, ỷ lại. Tiếp tục tăng cường quản lý chặt chẽ tiến độ, chất lượng các công trình, dự án; tuyệt đối không để xảy ra tình trạng tham nhũng, thất thoát, lãng phí, tiêu cực; kiên quyết xử lý nghiêm những tổ chức, cá nhân vi phạm nhưng cũng có những hình thức khen thưởng kịp thời để cổ vũ, động viên những tổ chức, cá nhân hoàn thành tốt nhiệm vụ...

Chia sẻ bài viết