21/11/2020 - 07:56

Thạc sĩ Võ Minh Cảnh, Phó Viện trưởng Viện Kinh tế - Xã hội TP Cần Thơ:

Xây dựng chiến lược tiếp thị địa phương góp phần phát triển kinh tế - xã hội của Cần Thơ 

Tiếp thị địa phương là tập hợp các hoạt động nhằm xây dựng và quảng bá hình ảnh địa phương trở nên hấp dẫn, độc đáo, góp phần cải thiện khả năng cạnh tranh và phát triển kinh tế. Xác định được vai trò này, Viện Kinh tế - Xã hội TP Cần Thơ thực hiện đề tài “Xây dựng chiến lược tiếp thị địa phương của TP Cần Thơ định hướng đến năm 2030”. Chia sẻ với phóng viên Báo Cần Thơ, Thạc sĩ Võ Minh Cảnh, chủ nhiệm đề tài, cho biết:

- TP Cần Thơ có vị trí trung tâm của vùng ÐBSCL, sở hữu nhiều nét đặc trưng và hấp dẫn của một đô thị sông nước. Ðồng thời, Cần Thơ có nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, thời gian qua việc tạo dựng, quảng bá hình ảnh, thương hiệu địa phương ở TP Cần Thơ chưa thực sự được quan tâm, hình ảnh về đô thị Cần Thơ chưa thực sự lan tỏa. Vị thế, vai trò trung tâm của Cần Thơ còn hạn chế, việc thu hút đầu tư vào thành phố chưa được như kỳ vọng. Từ thực tiễn đó, Viện Kinh tế - Xã hội TP Cần Thơ đã tiến hành thực hiện đề tài này.

Bên cạnh đó, nhằm góp phần thực hiện Nghị quyết số 59-NQ/TW ngày 5-8-2020 của Bộ Chính trị (khóa XII) “Về xây dựng và phát triển thành phố Cần Thơ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” đạt hiệu quả cao, chiến lược tập trung xây dựng, quảng bá, tiếp thị địa phương TP Cần Thơ để đến năm 2030, Cần Thơ được biết đến là “thành phố sinh thái, văn minh, hiện đại mang đậm bản sắc văn hóa sông nước của vùng ÐBSCL; là trung tâm của vùng về dịch vụ thương mại, du lịch, logistics, công nghiệp chế biến, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, giáo dục và đào tạo, y tế chuyên sâu, khoa học công nghệ, văn hóa, thể thao; là đô thị hạt nhân vùng ÐBSCL; đời sống vật chất và tinh thần của người dân đạt mức cao; tổ chức đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; quốc phòng, an ninh được bảo đảm vững chắc” theo đúng tinh thần của Nghị quyết.

* Theo ông, để việc tiếp thị địa phương ở TP Cần Thơ đến năm 2030 đạt hiệu quả, những nhiệm vụ trọng tâm nào cần được thực hiện?

- Kết quả nghiên cứu của đề tài đề ra 4 nhiệm vụ chiến lược trong vòng 10 năm tới. Ðầu tiên đó là phát triển TP Cần Thơ thành trung tâm đầu mối thương mại và xuất khẩu vùng ÐBSCL (chiến lược 1). Trong đó, việc phát triển mạnh hạ tầng logistics, nhất là Trung tâm Logistics hạng II thuộc tiểu vùng kinh tế ÐBSCL tại quận Cái Răng và Trung tâm Logistics hàng không tại quận Bình Thủy là rất quan trọng, nhằm giảm chi phí và thời gian cho doanh nghiệp, tạo điều kiện thu hút các nhà đầu tư giàu năng lực. Bên cạnh đó là tiếp tục kêu gọi đầu tư các trung tâm thương mại và hoàn thiện hạ tầng các khu, cụm công nghiệp.

Với chiến lược 2, chúng tôi xác định phát triển các hoạt động và dịch vụ du lịch phụ trợ. Hai vấn đề lớn trong chiến lược này là phát triển hoạt động kinh tế ban đêm nhằm tận dụng tối đa lợi thế đô thị và phát triển các dịch vụ mua sắm du lịch một cách bài bản, chuyên nghiệp.

Nhiệm vụ trọng tâm thứ ba là phát triển TP Cần Thơ thành trung tâm đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao tiêu chuẩn quốc tế. Trong đó, tập trung đổi mới nội dung, phương pháp giáo dục đào tạo, đặc biệt là giáo dục đại học và đào tạo nghề cơ bản đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế, kêu gọi nguồn lực tư nhân và tăng cường giao lưu, hợp tác quốc tế.

Việc xây dựng và nâng chất các sự kiện văn hóa, lễ hội cũng là cách tiếp thị địa phương hiệu quả cho TP Cần Thơ. Trong ảnh: Khách nước ngoài tham gia Ngày hội du lịch Đêm hoa đăng Ninh Kiều - Cần Thơ. Ảnh: DUY KHÔI

Việc xây dựng và nâng chất các sự kiện văn hóa, lễ hội cũng là cách tiếp thị địa phương hiệu quả cho TP Cần Thơ. Trong ảnh: Khách nước ngoài tham gia Ngày hội du lịch Đêm hoa đăng Ninh Kiều - Cần Thơ. Ảnh: DUY KHÔI

Nhiệm vụ trọng tâm thứ tư là xây dựng thương hiệu sản phẩm đặc trưng xuất khẩu để đến năm 2030, thành phố có nhiều mặt hàng gạo, thực phẩm chế biến, trái cây đóng hộp… xuất đi các nước. Muốn vậy, thành phố cần quan tâm đến vấn đề phát triển các vùng nguyên liệu như lúa gạo, trái cây, thủy sản... đạt các tiêu chuẩn VietGAP, Global GAP, ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất, canh tác. Ngoài ra, việc chú trọng đến nhận diện thương hiệu, nâng cao hiệu quả quảng bá, xúc tiến cũng cần được chú trọng hơn nữa.

* Thưa ông, trong tiếp thị địa phương, việc xây dựng bộ nhận diện thương hiệu là rất cần thiết và một số địa phương đã làm rất tốt như Ðồng Tháp (biểu tượng Bé Sen), TP Ðà Nẵng (cầu Rồng, cầu Vàng), Bạc Liêu (cây đờn kìm)... Ông có đề xuất nào cho bộ nhận diện thương hiệu ở Cần Thơ?

- Ðúng là việc hoàn thiện hệ thống nhận diện thương hiệu của Cần Thơ là rất cần thiết trong chiến lược tiếp thị địa phương của thành phố. Trên cơ sở nghiên cứu, đề tài đã có các đề xuất, gợi ý cho vấn đề này. Trước tiên, khẩu hiệu (slogan) của thành phố được đề xuất là “Cần Thơ - thành phố sông nước, đô thị sinh thái đáng sống” dựa trên tuyên bố của Thủ tướng Chính phủ và sự đồng thuận của các đối tượng được khảo sát, tham vấn của đề tài. Bên cạnh đó, đề tài gợi ý xây dựng bộ biểu tượng vui (Emotion Icon) “Rồng Cần Thơ” - hình tượng con rồng được cách điệu với nhiều biểu cảm từ vui tươi, hóm hỉnh đến uy nghiêm, thể hiện ý nghĩa về một thành phố năng động, đầy sức sống và hào khí của thủ phủ đất Chín Rồng. Việc phát triển hệ thống nhận diện thương hiệu còn tập trung vào sản phẩm như hệ thống văn phòng phẩm, hệ thống biển, bảng quảng cáo và hệ thống công vụ…

* Xin cảm ơn ông!

ĐĂNG HUỲNH (Thực hiện)

Chia sẻ bài viết