10/10/2014 - 09:58

WB kêu gọi “tăng tốc” chống Ebola

Chủ tịch Ngân hàng Thế giới (WB) Jim Yong Kim hôm 8-10 cho rằng phản ứng của cộng đồng quốc tế trước đại dịch Ebola thời gian qua đã "thất bại nghiêm trọng" khi để xảy ra các ca nhiễm mới ở Tây Ban Nha và Mỹ, khiến cả thế giới thêm lo sợ. Ông kêu gọi các nước "tăng tốc" chống dịch bệnh vô cùng nguy hiểm này.

Chủ tịch Kim hoan nghênh việc Anh và Mỹ gia tăng nỗ lực đối phó sự lan rộng của vi-rút Ebola, nhưng ông cho rằng cái giá phải trả cho 11 tháng trì hoãn và tranh luận giữa các cơ quan là quá đắt. Ngoài thiệt hại về người, nghiên cứu mới của WB còn cho thấy ảnh hưởng của đại dịch Ebola đối với nền kinh tế Tây Phi có thể lên tới 33 tỉ USD trong hai năm tiếp theo nếu vi-rút đang tàn phá Guinea, Liberia và Sierra Leone tiếp tục lây lan sang các nước láng giềng ở Tây Phi.

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), hiện không có bằng chứng cho thấy dịch Ebola đã được khống chế khi số người chết do vi-rút tiếp tục gia tăng với 3.900 người và 8.033 ca bị lây nhiễm. Do đó, Chủ tịch WB bày tỏ mong muốn chính phủ các nước phương Tây ủng hộ kế hoạch hỗ trợ 20 tỉ USD cho quỹ y tế toàn cầu nhằm đáp ứng kịp thời với các trường hợp khẩn cấp giữa lúc có nhiều dấu hiệu cho thấy nguy cơ dịch bệnh bùng phát tại châu Âu ngày càng gia tăng. Hiện tại, WB đã thiết lập nguồn quỹ khẩn cấp 400 triệu USD cho 3 quốc gia bị ảnh hưởng nặng nhất bởi Ebola.

Nhân viên y tế kiểm tra thân nhiệt người dân tại Nigeria – quốc gia tuyên bố đã khống chế được dịch Ebola.

Ngoài ra, ông Kim cũng lên tiếng kêu gọi Bộ trưởng Tài chính các quốc gia tham dự cuộc họp của WB và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) vào cuối tuần này cung cấp các nguồn lực cần thiết trong nỗ lực điều trị bệnh nhân nhiễm Ebola tại các nước. Theo kế hoạch của WB, nguồn hỗ trợ sẽ được sử dụng để xây dựng trung tâm điều trị chuyên ngành và mở rộng hệ thống y tế chăm sóc cộng đồng địa phương. Bởi kết quả đạt được trong quá trình dập dịch Ebola ở Nigeria và Senegal là bằng chứng cho thấy có thể hạn chế sự lây lan của vi-rút với hệ thống y tế hiện có và chính sách kiên quyết.

Bệnh nhân nhiễm Ebola ở Mỹ qua đời

Thomas Eric Duncan - bệnh nhân đầu tiên nhiễm vi-rút Ebola trên đất Mỹ, được xác nhận đã qua đời hôm 8-10 tại bệnh viện ở thành phố Dallas thuộc tiểu bang Texas. Thông tin này làm dấy lên lo ngại ngay cả ở những nước có hệ thống chăm sóc sức khỏe tiên tiến và tăng thêm thách thức trong công tác tìm kiếm giải pháp điều trị.

Ngay sau đó, chính phủ Mỹ khẳng định bắt đầu thắt chặt quy trình kiểm tra y tế tại 5 sân bay, bao gồm New York, Washington, Chicago, Atlanta và New Jersey vốn có tỷ lệ cao hành khách đến từ vùng tâm dịch từ cuối tuần này. Ngoài ra, Lầu Năm Góc còn cho biết đã gởi 100 lính thủy đánh bộ và 6 máy bay đến Liberia để hỗ trợ dập dịch. Cùng ngày, Bộ trưởng Y tế Canada Rona Ambrose tuyên bố Ottawa sẽ đẩy mạnh hoạt động kiểm tra tại sân bay đối với những hành khách đến từ các nước Tây Phi. Trong khi đó tại Anh, tất cả các bệnh viện lớn đều trong trạng thái sẵn sàng cách ly và điều trị kịp thời bệnh nhân nghi ngờ nhiễm Ebola nếu tình hình diễn biến theo chiều hướng xấu. Luân Đôn cũng tuyên bố tăng cường các biện pháp đối phó dịch Ebola khi triển khai hơn 750 nhân viên quân sự, tàu y tế RFA Argus và 3 máy bay trực thăng đến Tây Phi để ngăn chặn đại dịch lan rộng.

VI VI (Theo Guardian, AFP, WSJ)

Chia sẻ bài viết