08/10/2016 - 16:52

Vui cười cùng “Vua nói dóc”

"Vua nói dóc" là truyện dài dành cho thiếu nhi của nhà văn Mai Bửu Minh. Câu chuyện đưa các em đến với vùng quê trù phú ở An Giang vào mấy mươi năm trước, khám phá những nét đẹp của vùng đất và con người nơi đây, đặc biệt là nghe nói dóc một cách hấp dẫn, hài hước.
Sách do NXB Văn hóa - Văn nghệ phát hành năm 2016.

Lóc - nhân vật chính trong trong truyện- là cậu bé 13 tuổi, nhưng vì già trước tuổi nên mọi người gọi là "cụ" Lóc. Chân dung của "cụ" được tác giả giới thiệu: "Nhìn từ xa, ngó sơ qua, người ta cứ tưởng Lóc là một cụ già bởi gương mặt cằn cỗi, thân hình suy dinh dưỡng, gầy guộc. Đã vậy, cái miệng móm đó lúc nào cũng có thể tuôn ra những câu chuyện hoang đường, không thể tin nổi, nhưng thật sự hấp dẫn cả lũ chăn bò bởi Lóc nói chuyện có duyên, biết pha trò, biết thêm thắt, dựng chuyện...". Lóc còn có biệt danh "Vua nói dóc".

Lóc nói dóc hay đến nỗi bạn bè đều khoái nghe và nhiều khi tin là thật. Chính vì thế, ngoài công việc chăn bò và những trò nghịch ngợm hằng ngày, Lóc thường bị lũ bạn thân là Đực, Xoài, Chanh, Mít, Mận bắt bẻ, thách đố. Lanh lợi, thông minh và có tài ứng biến, Lóc luôn khiến lũ bạn tâm phục, khẩu phục. Chẳng hạn, Lóc có thể tán dóc với ông chủ ghe chở dưa hấu cả buổi đủ chuyện trên trời, dưới đất, khiến ông xẻ dưa cho ăn rồi còn tặng mấy trái đem về. Nhưng vì nói dóc nhiều quá nên có khi Lóc nói thật mà ba mẹ không tin, dẫn đến chuyện hiểu lầm, bị đòn oan…

Không chỉ trẻ con mà người lớn cũng bị cuốn hút bởi tài kể chuyện của "cụ" Lóc. Vì những lời nói dóc của cậu bé chủ yếu cho vui, thỏa trí tò mò của mọi người. Lóc nói dóc về cái tên đặc biệt của mình cho đến sự tích những địa danh quê nhà, những trò nghịch ngợm của trẻ con nông thôn. Câu chuyện của Lóc thường phóng đại, nói quá sự thật nhưng ẩn chứa niềm tự hào về vùng đất trù phú. Đặc biệt, Lóc còn dùng tài nói dóc để tìm ra thủ phạm ăn trộm "máy phát điện" tự chế của mình, dùng tài khéo ăn nói và sự chân thành để chinh phục ông quản gia khó tính của nhà Xã Năm, hay thằng Đực thù dai, xấu tính.

Tác phẩm còn đưa người đọc khám phá những điều mới lạ như cách bắt sếu bằng trực thăng của lính cộng hòa, cách bắt cò bằng tay không của "cụ" Lóc và những trò bắt cá, bắt chuột, chăn bò trên đồng.

"Vua nói dóc" là một trong rất nhiều tác phẩm viết cho thiếu nhi của nhà Văn Mai Bửu Minh (quê ở An Giang). Câu chuyện được ông viết dựa vào ký ức tuổi thơ và kỷ niệm với bạn bè thuở nhỏ, cộng với sự sáng tạo và hài hước, đã đưa độc giả nhí bước vào thế giới hấp dẫn và đầy ắp tiếng cười.

CÁT ĐẰNG

Chia sẻ bài viết