29/09/2008 - 21:04

"Vũ khí" của giới nội trợ trong tương lai

Electrolux Design Lab là cuộc thi thiết kế toàn cầu thường niên do tập đoàn điện tử Electrolux tổ chức dành cho các sinh viên chuyên ngành thiết kế công nghiệp. Cuộc thi năm nay có 9 sản phẩm được lọt vào vòng chung kết, trong đó 8 sản phẩm hứa hẹn sẽ giúp công việc nội trợ của chị em trở nên tiện lợi trong khi nhà bếp trông sang trọng hơn. Lễ trao giải Electrolux Design Lab 2008 sẽ diễn ra vào ngày 9-10 tới tại Zurich (Thụy Sĩ) với giải nhất trị giá 5.000 euro và 6 tháng theo học miễn phí tại một trong những trung tâm thiết kế toàn cầu của Electrolux.

 

“Scan Toaster” (máy nướng - in) của sinh viên Hàn Quốc Sung Bae Chang, là chiếc máy in kiêm nướng bánh xách tay, cho phép in các mẫu thiết kế và thậm chí cả bài báo lên trên lát bánh mì điểm tâm của mình.

 

 

Sinh viên Úc Stefan Buchberger tranh tài với sản phẩm “the modular fridge” (tủ lạnh ráp nối). Đây là giải pháp tủ lạnh cho những người “chia sẻ” căn hộ chung cư, nhà tập thể hoặc phòng ký túc xá. Tủ lạnh gồm phần tủ cố định và 4 ngăn với cửa riêng có thể tháo rời. Với chiếc tủ này, người sống chung nhà hoàn toàn an tâm thực phẩm trong tủ của mình không bị “thất thoát”.

 

 

Chiếc giỏ “iBasket” đựng quần áo dơ và tự động giặt khi đầy. Thiết bị không dây và điều khiển từ xa này do sinh viên Trung Quốc Guopeng Liang thiết kế, có thể kết nối với máy tính cá nhân.

 

 

 

 

Strastophere” là giá phơi quần áo khử khuẩn của sinh viên Hungary Attila Safrany. Nó hoạt động bằng cách hút vi trùng ra khỏi quần áo. Các chất gây ô nhiễm đi qua màng lọc HEPA và sau đó qua ngăn chứa bên trong, nơi đây sẽ khử khuẩn bằng tia cực tím.

 

 

 

“Drawer kitchen” (bếp ngăn kéo) do Nojae Park của Hàn Quốc thiết kế là sản phẩm lý tưởng cho những người sống trong căn hộ có diện tích khiêm tốn. Kệ bếp “tất cả trong một” này vừa có thể là nơi nấu nướng, vừa là bàn ăn, tủ lạnh, lò sấy chén dĩa. Nó giống như chiếc tủ đựng hồ sơ có nhiều ngăn.

 

 

Matthias Pinkert đến từ Đức tranh tài với sản phẩm mặt bếp cảm ứng Vesta, khi dùng có thể trải ra và gấp lại khi không sử dụng. Vesta có chứa máy quét có thể đọc các chip RFID (nhận dạng tần số radio) trên bao bì sản phẩm. Những con chip này có thể kiểm soát thời gian nấu và nhiệt độ.

 

 

Sản phẩm “Sook” của sinh viên Mỹ Adam Brodowski có thể được xem như sách hướng dẫn nấu ăn trong tương lai. Người sử dụng kết nối Internet để tạo ra, trưng bày và chia sẻ công thức nấu ăn trên các mạng xã hội, tạo sự kết nối giữa nhà bếp với thế giới ảo. Adam Brodowski cho rằng “Sook” có các bộ cảm biến để phát hiện thực phẩm nào ở gần nó và sử dụng lưỡi điện tử để nếm và đề xuất cách phối hợp các thành phần nguyên liệu.

 

 

Chiếc bàn nấu ăn thích ứng “Coox” cho phép người sử dụng chế biến và thưởng thức món ăn ở bất cứ nơi nào trong nhà. Chiếc bàn có thể điều chỉnh độ cao thấp này là sáng chế của sinh viên Pháp Antoine Lebrun. Bàn nấu thức ăn bằng công nghệ cảm ứng, với bề mặt gốm thủy tinh sẽ nguội mát ngay sau khi nấu xong.

H.A (Theo Daily Mail, Electrolux)

Chia sẻ bài viết