30/08/2019 - 08:07

Vĩnh Thạnh - Tập trung bảo vệ lúa thu đông 

Cuối tháng 8-2019, nước lũ thượng nguồn chưa đổ về kết hợp lượng mưa xuất hiện ít, làm cho mực nước trên sông, rạch ở huyện đầu nguồn Vĩnh Thạnh xuống thấp, đe dọa sản xuất nông nghiệp... Theo dự báo, với mực nước thấp như hiện nay, chi phí sản xuất, bảo vệ lúa thu đông và bơm tát sẽ tăng lên, có khả năng ảnh hưởng năng suất lúa, lợi nhuận của nông dân…

Nông dân huyện Vĩnh Thạnh phun thuốc BVTV chăm sóc lúa thu đông, phòng trị bệnh dịch.

Nông dân huyện Vĩnh Thạnh phun thuốc BVTV chăm sóc lúa thu đông, phòng trị bệnh dịch.

Tập trung sản xuất

Những ngày qua, thời tiết không thuận lợi, trời mưa ít, nhưng gia đình ông Trần Văn Hải, ở xã Thạnh Thắng vẫn gia cố đê bao, bơm tát nước vào ruộng lúa. Ông Hải cho biết: “Vụ thu đông năm nay, gia đình tôi gieo sạ trên 10 công đất. Nhờ áp dụng kỹ thuật canh tác “3 giảm, 3 tăng”  lúa phát triển tốt, giảm chi phí sản xuất. Nhưng năm nay gần hết tháng 7 âm lịch nước lũ chưa đổ về, nước dưới sông, rạch xuống thấp và không đủ để tự chảy tràn vào đồng lúa. Hiện chúng tôi đang tập trung gia cố đê bao ngăn ngừa tình trạng nước lũ đổ về bất ngờ và đảm bảo cho bơm tát khi thiếu nước. Nước đầu nguồn về ít như hiện nay, sản xuất lúa thu đông phải bơm tát nhiều, chi phí sẽ cao lên. Mùa vụ sản xuất nông nghiệp sẽ gặp khó khăn nếu nước lũ, phù sa không đổ về…”.

Dọc theo các con kênh nối liền các xã Thạnh Thắng, Thạnh An, Thạnh Tiến, Thạnh Lợi (huyện Vĩnh Thạnh) là những cánh đồng lúa xanh rì, tươi tốt đang trong giai đoạn đẻ nhánh, làm đòng. Nông dân huyện Vĩnh Thạnh bắt tay vào công tác bảo vệ lúa thu đông, tránh khô hạn do nước lũ không về, thiệt hại do sâu bệnh. Ông Nguyễn Văn Bé, ở xã Thạnh An, huyện Vĩnh Thạnh, cho biết: “Thời tiết khác lạ, trời ít mưa, nước lũ không về, nhiều ruộng lúa không gieo sạ vụ thu đông, để đồng trống đón lũ, nuôi trồng thủy sản gặp tình trạng này cũng phải chịu thua…”.

Vụ thu đông năm nay, huyện Vĩnh Thạnh đã xuống giống dứt điểm với diện tích 13.442,20ha/16.661,21ha, đạt 80,68% kế hoạch; cơ cấu giống chủ yếu là OM5451, OM4218 và các giống lúa thơm đặc sản. Do đặc thù thổ nhưỡng, ngành nông nghiệp huyện Vĩnh Thạnh chia làm 2 giai đoạn xuống giống ở vùng Nam Cái Sắn và Bắc Cái Sắn. Trà lúa thu đông phía Nam Cái Sắn đang trong giai đoạn đòng, trổ. Phía Bắc Cái Sắn lúa chủ yếu ở giai đoạn mạ, cứng cây và đang tập trung bơm tát nước vào ruộng lúa do mưa ít, nước lũ không về. Ông Phan Văn Năm, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Vĩnh Thạnh, cho biết: “Để có một vụ lúa thu đông thắng lợi toàn diện, tránh tình trạng dịch bệnh, sâu hại phá hoại nên ứng dụng các biện pháp sản xuất “3 giảm 3 tăng”, “1 phải 5 giảm”, quản lý dịch bệnh tổng hợp vào sản xuất. Ngành nông nghiệp huyện và các xã, thị trấn hướng dẫn, hỗ trợ bà con bảo vệ đê bao, tập trung phương tiện bơm tát nhằm hạn chế tác hại do thiếu nước, giảm thiệt hại nếu lũ về bất ngờ... Đặc biệt, khi lúa bắt đầu vào giai đoạn chín, bà con tiến hành thu hoạch ngay để tranh thủ thời gian mở đồng đưa nước vào, hứng lấy phù sa cho vụ đông xuân sắp tới”.

Bảo vệ lúa

Theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Vĩnh Thạnh, lúa thu đông 2019 đang trong giai đoạn mạ đến đòng, trổ và phát triển tốt. Đối tượng gây hại chủ yếu là rầy nâu đang nở rải rác với mật số thấp 100-150 con m2, tuổi 1-2 phân bố trên trà lúa làm đòng - trổ. Bệnh đạo ôn xuất hiện và gây hại trên trà lúa đẻ nhánh - đòng phân bố các xã Vĩnh Trinh, Thạnh Lợi và Thạnh Thắng với tỷ lệ 5-10%. Bệnh cháy bìa lá xuất hiện và gây hại với tỷ lệ 5-10% cấp 1 và cấp 3 trên trà lúa đòng - trổ, phân bố ở các xã Thạnh Lộc, Vĩnh Bình, Vĩnh Trinh, Thạnh Mỹ và Thạnh Tiến. Chuột gây hại rải rác trên trà lúa làm đòng chủ yếu gần vườn, ao cá hoặc bờ đê cao phân bố ở các xã Nam Cái Sắn… Ngoài ra, các đối tượng khác như sâu cuốn lá, hiện tượng ngộ độc hữu cơ, ốc bươu vàng phá hại ở mức độ ghi nhận. Ngành nông nghiệp huyện Vĩnh Thạnh khuyến cáo nông dân thường xuyên thăm đồng, kịp thời phát hiện dịch bệnh và có biện pháp phòng trị nhanh nhất. Đặc biệt, trong điều kiện thời tiết bất lợi, nước dưới sông, rạch ít, lượng mưa hạn chế thì bà con nên bơm tát nước vào đồng khi cần thiết, tránh để ruộng lúa khô hạn, ảnh hưởng năng suất.

Để đảm bảo sản xuất nông nghiệp trong năm 2019 và các vụ mùa sắp tới, huyện Vĩnh Thạnh đã thực hiện 10 công trình thủy lợi, khai thông dòng chảy với khối lượng nạo vét 195.567m3. Trong đó có 4 công trình đã quyết toán; 6 công trình đã gửi hồ sơ quyết toán và 12 cống hở đang thi công, với tổng kinh phí thực hiện trên 13 tỉ đồng. Ngoài ra, địa phương đang thi công 6 công trình và 1 công trình đang chuẩn bị mở thầu xây dựng, với kinh phí 6,686 tỉ đồng (gồm: trạm bơm điện kênh 750, trạm bơm điện kênh 250, cống kênh Sườn, cống Tư Gặp, nâng cấp đê bao Kênh Cống 14, nâng cấp đê bao kênh 1000 và trạm bơm điện liên xã kênh T5).

Dự báo tình hình dịch hại như: bệnh đạo ôn lá, sâu cuốn lá, chuột... tiếp tục xuất hiện trên trà lúa thu đông trong những tháng tới. Rầy nâu tiếp tục nở ở mức độ ghi nhận; bệnh đạo ôn, cháy bìa lá có khả năng tiếp tục gây hại từ nhẹ đến trung bình trên trà lúa đẻ nhánh và làm đòng; muỗi hành có khả năng xuất hiện trên trà lúa mạ, đẻ nhánh ở xã Thạnh Thắng, Thạnh Lợi và Thạnh An; chuột tiếp tục cắn phá và gây hại trên những chân ruộng đang xiết khô nước ở giai đoạn đòng - trổ. Mới đây, UBND huyện Vĩnh Thạnh đã chỉ đạo ngành nông nghiệp huyện và các xã, thị trấn tập trung theo dõi tình hình sinh trưởng và phát triển lúa vụ thu đông 2019 và tập huấn kỹ thuật sản xuất, phòng trị bệnh trên lúa khi nông dân có nhu cầu; thường xuyên thăm đồng nhắc nhở bà con xử lý kịp thời khi dịch hại xuất hiện; theo dõi bẫy đèn tại địa phương, phát hiện rầy vào đèn nhằm dự tính và dự báo tình hình rầy nâu di trú trên địa bàn huyện và hướng dẫn nông dân cách phòng trị.

Bài, ảnh: HÀ VĂN

Chia sẻ bài viết
Từ khóa
Vĩnh Thạnh