31/03/2020 - 06:56

Vĩnh Thạnh sản xuất nông nghiệp hiệu quả mùa khô hạn 

Theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) huyện Vĩnh Thạnh, thách thức lớn cho ngành Nông nghiệp trong những tháng đầu năm 2020 là biến đổi khí hậu phức tạp, hạn hán, xâm nhập mặn đe dọa; dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi tiềm ẩn nguy cơ bùng phát cao... Tuy nhiên, quý I năm 2020, huyện Vĩnh Thạnh thu hoạch lúa đông xuân 2019-2020 với kết quả khả quan, mang lại lợi nhuận khá cao cho nông dân.

Nâng cao hiệu quả 

Huyện Vĩnh Thạnh tăng cường nạo vét kênh, rạch, khai thông dòng chảy, hạn chế khô hạn, bảo vệ sản xuất nông nghiệp.

Toàn huyện đã xuống giống được 25.146,7ha, đạt trên 100% so với kế hoạch, đến nay Vĩnh Thạnh thu hoạch dứt điểm lúa đông xuân, năng suất trung bình 8,37 tấn/ha, cao hơn 1,18 tấn/ha so với vụ đông xuân 2018-2019. Tổng sản lượng thu hoạch 210.471 tấn. Đặc biệt, tại thời điểm thu hoạch, lúa có giá khá cao. Giá lúa tươi tại ruộng: OM 5451 là 4.950 đồng/kg; đài thơm 8 giá 5.300 đồng/kg, RVT 6.300 đồng/kg, Jasmine 85 giá 5.200 đồng/kg; nếp  6.800 đồng/kg; OM 18 giá 5.000 đồng/kg; nàng hoa giá 5.200 đồng/kg; hồng ngọc óc eo giá 6.800 đồng/kg...

Ông Phan Văn Năm, Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Vĩnh Thạnh, cho biết: “Nhờ sự hỗ trợ, hướng dẫn của ngành Nông nghiệp TP Cần Thơ;  phối hợp chặt chẽ của các địa phương với  nông dân nên ngành đã vượt qua khó khăn, thực hiện kế hoạch sản xuất vụ đông xuân 2019-2020 đạt kết quả toàn diện. Đây là nguồn động lực lớn để toàn ngành phát huy hiệu quả trong năm 2020”.

Vụ lúa hè thu 2020 huyện Vĩnh Thạnh có kế hoạch xuống giống tại các khu vực có đê bao và hệ thống kênh nội đồng tích trữ, đảm bảo đủ nguồn nước cho sản xuất; khuyến khích, hỗ trợ nông dân chuyển đổi cây trồng tại khu vực đất sản xuất lúa kém hiệu quả, thiếu nước; tăng cường sản xuất rau màu nhằm hạn chế sử dụng nước trong mùa khô hạn, xâm nhập mặn. Tính đến ngày 23-3-2020, huyện Vĩnh Thạnh xuống giống lúa hè thu được 16.795ha/24.500ha, đạt 68,55% so với kế hoạch, cơ cấu giống chủ yếu là OM5451, OM18, nếp và OM4218. Hiện lúa đang phát triển tốt, đẻ nhánh và làm đòng. Tổng diện tích rau màu xuống giống đến nay là 524,80ha, đạt 45,63% so với kế hoạch, trong đó có trên 317,2ha sản xuất trên nền đất lúa. Diện tích trồng cây ăn trái là 357,47ha, tăng 44,47ha so cùng kỳ năm 2019...

Phòng tránh khô hạn

Vụ lúa hè thu 2020, Vĩnh Thạnh tập trung sản xuất theo hướng hàng hóa chất lượng cao, số lượng lớn, an toàn sản xuất, an toàn thực phẩm trên nền tảng tiết kiệm nước, sản xuất theo mô hình tổ hợp tác, cánh đồng lớn, hợp tác xã gắn với thị trường thông qua doanh nghiệp. Địa phương sẽ tập trung xuống giống dứt điểm đến hết ngày 3-4. Ông Phan Văn Năm cho biết: “Đến thời điểm này, tình trạng thiếu nước ngọt phục vụ sản xuất được khắc phục nhờ các công trình thủy lợi, nạo vét kênh, rạch dẫn nước, kênh nội đồng được tăng cường thực hiện”.

Đến nay, huyện Vĩnh Thạnh có 7/11 đơn vị ra quân thực hiện công tác thủy lợi mùa khô, với khối lượng thực hiện 24.250m3, đạt 44,09% so với kế hoạch, kinh phí thực hiện trên 430 triệu đồng do nhân dân đóng góp. Năm 2019, địa phương cũng thực hiện nhiều công trình thủy lợi từ nguồn ngân sách nhà nước, lũy kế thực hiện 14 tuyến kênh với khối lượng nạo vét 197.543m3, đạt tỷ lệ 71,63%, kinh phí thực hiện 10,844 tỉ đồng; xây dựng 7 cống hở và trạm bơm điện, với kinh phí 14,509 tỉ đồng… Các công trình trên góp phần bảo vệ sản xuất, tăng cường khả năng ứng phó biến đổi khí hậu, khô hạn...

Trong vụ hè thu 2020, huyện Vĩnh Thạnh khuyến khích nông dân áp dụng đồng bộ các giải pháp kỹ thuật trong sản xuất lúa theo hướng thân thiện môi trường: kỹ thuật 3 giảm 3 tăng, 1 phải 5 giảm, tưới ướt khô xen kẽ, nhằm hạn chế sâu bệnh, giảm giá thành, nâng cao chất lượng, giá trị và an toàn thực phẩm. Tổ chức các điểm trình diễn để nông dân tiếp cận quy trình sản xuất theo các kỹ thuật nêu trên. Tạo thuận lợi để doanh nghiệp liên kết nông dân trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm…

Theo Phòng NN&PTNT huyện Vĩnh Thạnh, địa phương còn tăng cường công tác kiểm tra các cơ sở sản xuất kinh doanh về chất lượng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, giống cây trồng, xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm. Củng cố hoạt động ban chỉ đạo phòng, chống dịch hại lúa các cấp, đồng thời  phát huy vai trò lực lượng khuyến nông, kỹ thuật viên bảo vệ thực vật cơ sở. Tổ chức theo dõi sát diễn biến thời tiết, tình hình rầy vào đèn, dịch hại trên đồng ruộng; thông tin dự báo tình hình dịch hại kịp thời, chính xác đến nông dân,  tổ chức hiệu quả bơm tát, trữ nước phòng chống khô hạn, thiếu nước, xâm nhập mặn xảy ra trên địa bàn… Trong quá trình thực hiện, các trạm, đơn vị có liên quan trực thuộc Phòng NN&PTNT, UBND xã, thị trấn phải thường xuyên theo dõi và báo cáo những thuận lợi và khó khăn về UBND huyện, Phòng NN&PTNT để kịp thời hỗ trợ nông dân tháo gỡ khó khăn…

Bài, ảnh: HÀ VĂN

Chia sẻ bài viết